Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCuộc đối đầu trên biển: Kiểm ngư Việt Nam kiên quyết đấu...

Cuộc đối đầu trên biển: Kiểm ngư Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền

BienDong.Net: Theo báo chí quốc nội, tại cuộc họp báo quốc tế do Bộ ngoại giao Việt Nam tổ chức tại Hà Nội chiều 7/5, ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam cho biết Trung Quốc đã đưa đến hiện trường 80 tàu các loại tham gia bảo vệ, phục vụ hoạt động giàn khoan HD 981, trong đó có ít nhất 7 tàu quân sự, cùng các tàu hải giám, hải cảnh, ngư chính, tàu cá, tàu phục vụ khác.

Cũng theo ông Thu, lực lượng hải quân Việt Nam chưa tham gia và không có mặt tại khu vực giàn khoan 981. Việt Nam đang theo dõi và nắm bắt rất chặt việc di chuyển của giàn khoan.

Theo công ước LHQ về Luật biển thì các tàu thuyền, phương tiện nổi được quyền di chuyển bình thường trên các vùng đặc quyền kinh tế, nhưng việc hạ đặt và tiến hành khoan thăm dò sẽ là vi phạm pháp luật của nước có chủ quyền và quyền chủ quyền.

Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thuộc Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của lực lượng này là tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của pháp luật.

Các quan chức Việt Nam đã công bố video cho thấy các tàu của Trung Quốc, với sự yểm trợ của máy bay, hung hăng ngăn cản và tấn công các tàu kiểm ngư của Việt Nam đang thi hành nhiệm vụ.

 

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam

Trình bày diễn biến sự việc, ông Thu cho biết: 8h10 sáng ngày 3/5, tàu hải cảnh 044 của Trung Quốc đã đâm vào mạn phải tàu cảnh sát biển 4033 của Việt Nam với tốc độ rất cao. Tàu 4033 tránh nhưng vẫn bị đâm vào và bị vỡ toàn bộ cửa kính. Vị trí xảy ra vụ đâm tàu này cách giàn khoan của Trung Quốc 10 hải lý.

8h sáng ngày 4/5, tàu Trung Quốc số hiệu 4433 đâm vào tàu cảnh sát biển 2012 của Việt Nam. Tàu Việt Nam đã cố tránh nhưng vẫn bị đâm vào từ phía đuôi.

Hôm 7/5, máy bay Trung Quốc bay tầm thấp để trực tiếp uy hiếp tàu Việt Nam, trong khi tàu hải cảnh của họ cố đâm vào tàu của Việt Nam.

Tổng cộng có 8 tàu kiểm ngư của Việt Nam đã bị đâm, húc, đẩy hoặc phun vòi rồng áp lực lớn, có những lúc một tàu của Việt Nam bị 5 tàu Trung Quốc vây quanh.

“Lực lượng kiểm ngư Việt Nam đã thực hiện đúng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia, đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút khỏi khu vực”, Phó tư lệnh Cảnh sát biển cho biết.

Đại diện Cảnh sát biển khẳng định chưa có người nào thiệt mạng trong các đụng độ nói trên cho dù tình hình căng thẳng khi phía Trung Quốc cố tình đâm và phun vòi rồng vào tàu của Việt Nam. Đến nay, có 6 kiểm ngư viên của Việt Nam bị thương do mảnh kính vỡ đâm vào.

“Lực lượng kiểm ngư hết sức bình tĩnh và kiềm chế, nhưng mọi sự kiềm chế chỉ có giới hạn, nếu phía Trung Quốc vẫn tiếp tục như vậy, chúng tôi sẽ có hành động tự vệ”, ông Thu nói. Việt Nam cũng sẽ yêu cầu Trung Quốc bồi thường cho thiệt hại đối với lực lượng kiểm ngư.

Khi được hỏi liệu Việt Nam có dự định kiện Trung Quốc lên tòa án trọng tài quốc tế như Philippines đã làm hay không, ông Trần Duy Hải thuộc Ủy ban Biên giới cho biết: “Việt Nam kiên định sử dụng mọi biện pháp hòa bình, không loại trừ biện pháp nào”.

Khi sự việc xảy ra, Việt Nam và Trung Quốc đã sử dụng đường dây nóng cấp cao giữa hai nước để giải quyết các vấn đề trên biển, ông Trần Duy Hải cho hay. Việt Nam cũng đã thông báo với các nước khác, các nước ASEAN về diễn biến này. Các nước đều bày tỏ sự quan ngại trước hành động của Trung Quốc.

“Việt Nam kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình, trao đổi với Trung Quốc để giải quyết vấn đề, dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước về luật biển năm 1982”, ông Hải nhấn mạnh.

Về vấn đề phía Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào về kinh tế nếu Trung Quốc khoan thăm dò vào các vị trí mà các công ty dầu khí Việt Nam đang hoạt động, ông Đỗ Văn Hậu, tổng giám đốc tập đoàn dầu khí quốc gia (PVN) cho hay vị trí mà HD 981 định vị nằm hoàn toàn trong thềm lục địa của Việt Nam. “Nhưng tôi tin rằng với lực lượng của Việt Nam, chúng ta sẽ ngăn chặn và đấu tranh được”.

Ở vị trí này, Việt Nam đã thăm dò từ những năm 1970, nhưng chưa có hoạt động khoan khai thác, ông Hậu cho biết. Đây là vùng nước sâu, đòi hỏi phải vượt qua được các khó khăn về mặt kỹ thuật. Khai thác vùng nước sâu là mục tiêu của chúng ta trong tương lai lâu dài.

Ông Hậu nhắc lại việc PVN đã gửi thư phản đối tới Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) yêu cầu dừng ngay mọi hoạt động trái phép trên thềm lục địa Việt Nam.

Việc Việt Nam phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc thu hút mạnh mẽ sự chú ý của công luận. Cuộc họp hôm 7/5 có đại diện của hơn 100 cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế tham dự.

 

Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp trên vùng biển Việt Nam

HD 981 thuộc sở hữu của CNOOC, là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi, có chiều dài 114 m, chiều rộng 89 m và chiều cao 117 m, độ sâu hoạt động tối đa là 3.000 m và độ khoan sâu tối đa là 10.000 m. Đây là thế hệ giàn khoan kết hợp các thiết kế, công nghệ và thiết bị mới của thế giới. Giàn khoan được trang bị 8 máy phát điện 44.000 kilowatt, động cơ đẩy với sức mạnh mỗi động cơ tương đương 5 đầu máy xe lửa. Các động cơ đẩy sẽ chống lại tác động từ gió, sóng và dòng chảy của đại dương. Nó được đưa vào Biển Đông lần đầu tiên tháng 5/2012, vị trí ở phía nam Hong Kong và đang được sử dụng như một công cụ trong tham vọng yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc.

BDN (tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới