Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN HOA ĐÔNG TRONG CHUYẾN THĂM 4 NƯỚC CHÂU...

BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN HOA ĐÔNG TRONG CHUYẾN THĂM 4 NƯỚC CHÂU Á CỦA TỔNG THỐNG MỸ BARACK OBAMA

BienDong.Net: Từ ngày 23 đến 29/4/2014, Tổng thống Mỹ Obama đã thăm 4 nước Châu Á Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines. Mục tiêu chủ yếu của chuyến thăm là củng cố quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng với Malaysia, đồng thời thúc đẩy tiến trình đàm phán TPP, qua đó khẳng định sự nhất quán trong chính sách “xoay trục” hướng về Châu Á của Mỹ.

Đúng như dự báo của một số nhà nghiên cứu, một trong những nội dung chính của chuyến thăm lần này là những vấn đề tranh chấp biển đảo ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Nội dung trong các phát biểu của Tổng thống Obama gửi tới Trung Quốc một thông điệp rất rõ ràng rằng Mỹ luôn bên các đồng minh và các đối tác Châu Á, kể cả trong vấn đề biển đảo.

Tại Nhật Bản sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Abe, Tổng thống Obama tuyên bố với báo chí rằng quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát nằm trong khuôn khổ Hiệp ước hợp tác và an ninh chung Mỹ – Nhật; Mỹ có trách nhiệm bảo vệ Nhật nếu các đảo tranh chấp này bị tấn công; Mỹ chống lại bất cứ hành động đơn phương nào làm ảnh hưởng đến quản lý hành chính của Nhật với các đảo này. Ông Obama nhấn mạnh “Điều 5 trong Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật được áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản, bao gồm Senkaku”. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ có tuyên bố mạnh mẽ nhất về lập trường của Mỹ đối với vấn đề quần đảo Senkaku. Mặc dù luôn nói rằng Mỹ trung lập trong các tranh chấp về chủ quyền biển đảo ở biển Hoa Đông và Biển Đông, song với tuyên bố này, Mỹ đã đứng hẳn về phía Nhật Bản trong cuộc tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku.

Trung Quốc rất bực tức trước phát biểu mạnh mẽ của Tổng thống Barack Obama, khẳng định sự bảo trợ an ninh của Washington đối với quần đảo Senkaku. Ông Tần Cương, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng bác bỏ quan điểm của Mỹ và cho rằng Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật là sản phẩm từ thời chiến tranh lạnh và không được phép gây tổn hại đến chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc. Xem ra phát biểu của ông Tần Cương khá hằn học, nhưng có lẽ chẳng có thể lay chuyển được lời cam kết của một vị Tổng thống Mỹ và Trung Quốc cũng chẳng dám sử dụng vũ lực để tấn công quần đảo Senkaku.

Tổng thống Barack Obama thăm Malaysia sau 48 năm kể từ chuyến thăm của Tổng thống Johnson năm 1966. Trong chuyến thăm, hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên mức quan hệ đối tác toàn diện; về vấn đề Biển Đông, Tổng thống Obama và Thủ tướng Najib cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc phổ quát của luật pháp quốc tế và cho rằng thực thi đầy đủ Tuyên bố các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) là điều sống còn và một bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) hiệu quả sẽ tăng cường niềm tin lẫn nhau. Tại cuộc họp báo sau hội đàm với Tổng thống Barack Obama, Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố Malaysia hoan nghênh chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ ở Châu Á và đóng góp của nó vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Kết quả chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Malaysia được thể hiện rất rõ trong phát biểu nói trên của ông Najib. Các nhà phân tích cho rằng sở dĩ chính sách xoay trục của Mỹ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Thủ tướng Najib bởi lẽ những hoạt động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích thiết thân của Malaysia (Trung Quốc diễn tập quân sự quy mô lớn ở khu vực bãi Tăng Mẫu, cách bờ biển của Malaysia chỉ 80 hải lý và tàu Trung Quốc cản phá các hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia trên thềm lục địa của Malaysia). Chính những hành động leo thang của Trung Quốc xâm phạm các lợi ích của Malaysia ở Biển Đông đã đẩy Malaysia xích lại gần hơn với Mỹ, tăng cường quan hệ toàn diện với Mỹ, kể cả quan hệ quân sự để làm đối trọng với Trung Quốc.

Với kết quả chuyến thăm Malaysia của Tổng thống Obama, Mỹ đã có quan hệ đồng minh với Philippines và quan hệ đối tác toàn diện với Malaysia và Việt Nam (từ năm 2013, trong chuyến thăm Mỹ của ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Việt Nam). Đây là một cơ sở quan trọng để Mỹ sử dụng vấn đề Biển Đông triển khai chính sách “tái cân bằng chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương” vì ba nước này là những nước có tranh chấp biển đảo chính với Trung Quốc ở Biển Đông và cũng là 3 nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tổng thống Obama thăm Philippines trong ngày 28/4/2014. Kết quả nổi bật trong chuyến thăm Philippines của Tổng thống Obama là việc hai bên ký kết Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA), có hiệu lực 10 năm. Điều này được giới quan sát đánh giá là món quà mà Philippines muốn dành cho chuyến thăm của ông Obama.

Hiệp ước tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Philippines cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines, bao gồm cả quân cảng Subic mà quân đội Mỹ đã rút năm 1992 và một quân cảng tiếp vận quan trọng ở tỉnh Palawan giáp với Biển Đông nơi Trung Quốc đang tiến hành nhiều hoạt động đe dọa, gây hấn với Philippines. EDCA cho phép binh sĩ, chiến hạm và chiến đấu cơ của Mỹ hiện diện luân phiên dài hạn hơn ở Philippines, bên cạnh đơn vị cố vấn chống khủng bố 700 người đóng tại miền Nam Philippines lâu nay. Ngoài ra Mỹ còn được phép triển khai tại các căn cứ hiện có của Philippines các phương tiện và thiết bị cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ khắc phục thiên tai.

EDCA cho phép Philippines mua sắm khí tài quân sự cũng như xây dựng hạ tầng để triển khai các phương tiện này một cách dễ dàng hơn. Đánh giá về EDCA, ông Pio Batino nói rằng Hiệp định sẽ giúp Philippines có được phương tiện quốc phòng đáng tin cậy tối thiểu. EDCA sẽ giúp Philippines có thêm sức mạnh trong việc bảo vệ các vùng biển đảo của mình ở Biển Đông trước những hành động xâm lấn của Trung Quốc. Tổng thống Obama cũng đã cam kết với Tổng thống Benigno Aquino rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Philippines thiết lập Trung tâm giám sát bờ biển quốc gia trị giá 18 triệu USD.

Trong lúc Trung Quốc đang chĩa mũi nhọn vào Philippines trên vấn đề Biển Đông cả trên mặt trận ngoại giao, tuyên truyền và trên thực địa hòng gây sức ép buộc Philippines từ bỏ vụ kiện Trung Quốc ra Trọng tài quốc tế, Philippines cần tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ do vậy Philippines đã dành cho Tổng thống Obama sự đón tiếp nồng hậu. Tại Manila, ông Obama đã tái khẳng định lại lập trường của Mỹ trên vấn đề Biển Đông là các tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình, tuân thủ công pháp quốc tế, không cưỡng bức và đe dọa tinh thần. Trong bài phát biểu trước các binh sĩ Mỹ và Philippines tại Manila ngày 29/4/2014, ông Obama nhấn mạnh “Chúng tôi tin rằng các quốc gia và người dân có quyền sống trong hòa bình và an ninh, và chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ phải được tôn trọng; luật pháp quốc tế phải được giữ vững, tự do hàng hải phải được duy trì và thương mại không bị cản trở và các tranh chấp phải được giải quyết thông qua hòa bình, không phải bằng sự hăm dọa hay vũ lực”.

Mặc dù, không đề cập cụ thể tới việc trợ giúp Philippines trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, Tổng thống Obama cũng đã trích dẫn một hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 giữa hai quốc gia để khẳng định cam kết với Philippines rằng Mỹ sẽ bảo vệ Philippines theo cam kết của hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines nếu Philippines bị thế lực bên ngoài tấn công. Phát biểu với các binh sĩ Mỹ và Philippines tại căn cứ Fort Bonifacio, Ông Obama nhấn mạnh: “Không kẻ gây hấn tiềm tàng nào có thể ảo tưởng rằng chúng ta sẽ đơn độc. Nói cách khác, cam kết của chúng tôi nhằm bảo vệ Philippines là đanh thép. Mỹ sẽ giữ vững cam kết đó vì các đồng minh không bao giờ đơn độc”.

Tổng thống Obama cũng khẳng định Mỹ ủng hộ Philippines đưa tranh chấp ra Tòa trọng tài quốc tế. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ công khai ủng hộ vụ kiện của Philippines. Trong lúc vụ kiện đang ở vào giai đoạn then chốt nhất thì động thái này của Mỹ là sự hậu thuẫn mạnh mẽ cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài.

Có thể thấy chuyến thăm Châu Á của Tổng thống Obama đã có được một kết quả 2 bên “cùng thắng”. Ông Obama đã đạt được mục tiêu trong chuyến thăm của mình là không chỉ tranh thủ được sự ủng hộ của các nước đồng minh Nhật, Hàn Quốc, Philippines đối với chính sách “tái cân bằng chiến lược ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” mà còn nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Malaysia. Đổi lại các nước trong khu vực đã có được sự ủng hộ của Mỹ đối với những vấn đề phức tạp mà các nước này đang phải đối mặt. Đặc biệt, Nhật Bản và Philippines, 2 nước đang bị Trung Quốc chèn ép nhất trong tranh chấp trên biển cũng đã đạt được những yêu cầu của mình trong quan hệ với Mỹ, đó là được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ để chống lại sự hoành hành của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông

Truyền thông Trung Quốc có nhiều bài viết tỏ thái độ hằn học trước kết quả chuyến thăm 4 nước Châu Á của Tổng thống Obama; cho rằng “với việc ông Obama tái cam đoan với các đồng minh về sự bảo vệ của Mỹ trong trường hợp xảy ra bất kỳ xung đột nào với Trung Quốc, rõ ràng là giờ đây Washington không còn muốn che giấu nỗ lực nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực”; đổ lỗi cho Mỹ “kéo bè kéo cánh với các đồng minh tạo ra một mối đe dọa an ninh cho Trung Quốc”.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới