Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHÃY CẢNH GIÁC VỚI SÁNG KIẾN “CON ĐƯỜNG TƠ LỤA TRÊN BIỂN...

HÃY CẢNH GIÁC VỚI SÁNG KIẾN “CON ĐƯỜNG TƠ LỤA TRÊN BIỂN THẾ KỶ 21 TRÊN BIỂN” CỦA TRUNG QUỐC

BienDong.Net: Thời gian gần đây, Trung Quốc ráo riết đẩy mạnh sáng kiến xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”. Trung Quốc đã chủ động nêu sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” tại hầu hết các diễn đàn đa phương mà Trung Quốc tham gia và trong các cuộc gặp song phương với các nước.

Tuy nhiên, mục tiêu của Trung Quốc trong sáng kiến này là hết sức thâm hiểm, cần hết sức cảnh giác.

Ý tưởng về xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” lần đầu tiên chính thức được đề cập trong phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Indonesia ngày 03/10/2013 và sau đó được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nêu chính thức với các nước ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 16 tại Brunei ngày 09/10/2013. Ý tưởng này đã được đưa vào nội dung Cương lĩnh hành động về đi sâu cải cách toàn diện tại Hội nghị Trung ương 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Báo cáo công tác của Chính phủ năm 2013.

Từ đầu năm 2014, Trung Quốc đã triển khai một “chiến dịch” thúc đẩy ý tưởng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” qua việc đề cập đến vấn đề này của chính giới và học giả Trung Quốc tại tất cả những nơi nào có thể và thông qua các cơ quan truyền thông với một đợt tuyên truyền rầm rộ.

Tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc tháng 3/2014, trong phát biểu của mình, đại biểu của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã xác định coi tỉnh Hải Nam Trung Quốc, đặc biệt là sử dụng cái gọi là “thành phố Tam Sa” làm tiền đồn cho việc xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”. Như vậy hàm ý chính trị của sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” đã được phơi bày. Rõ ràng ý đồ sâu xa của Trung Quốc là muốn thông qua việc thúc đẩy sáng kiến xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” để “hợp pháp hóa” việc làm sai trái của họ công bố thành lập “thành phố Tam Sa” tháng 6/2012.

Quay trở lại cách đây 600 năm, lúc đó đã tồn tại một “Con đường tơ lụa trên biển” thời cổ đại và hiện nay Trung Quốc đang sử dụng các chuyến đi biển theo “Con đường tơ lụa trên biển” của Trịnh Hòa đầu thế kỷ 15 để lập luận rằng họ đã “khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền” đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Như vậy, Trung Quốc đang mưu toan thông qua sáng kiến xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” để “hợp pháp hóa” cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”; biện minh cho hành động họ sử dụng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và đánh chiếm một số bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988.

Hơn thế nữa, nội hàm của ý tưởng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” cũng không rõ ràng, mơ hồ chỉ đề cập một cách chung chung là thúc đẩy hợp tác trên biển mà trọng tâm của nó là cùng hợp tác khai thác các nguồn tài nguyên trên biển. Ý đồ sâu xa của “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” là thông qua hợp tác kinh tế trên biển để làm “lu mờ” thực trạng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông thực hiện chủ trương “chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp, cùng khai thác” mà Đặng Tiểu Bình đã nêu ra cách đây trên ba chục năm.

Một âm mưu nữa trong sáng kiến xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” của Trung Quốc là để chống lại chính sách “xoay trục” của Mỹ, ngăn cản Mỹ triển khai chính sách “tái cân bằng chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương”. Trung Quốc thúc đẩy ý tưởng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” để tạo lợi thế trong cuộc tranh giành ảnh hưởng với Mỹ ở khu vực, kéo các nước ven biển trong khu vực vào quỹ đạo với vai trò chủ đạo của Trung Quốc; qua đó thâu tóm và khống chế tuyến hàng hải huyết mạch từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương đến tận Châu Phi thực hiện mục tiêu xây dựng cường quốc biển, tranh giành vị trí siêu cường của Mỹ.

Với những phân tích nói trên, nhiều nhà nghiên cứu quốc tế cho rằng ý tưởng xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” của Trung Quốc mang nhiều nội hàm chính trị, nội dung kinh tế chỉ là “cái mũ” che đậy những mưu toan chính trị sâu xa để hướng tới mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành siêu cường về biển, thách thức vị trí “độc tôn” của Mỹ. Sáng kiến này càng bộc lộ rõ tư tưởng bành trướng, bá quyền, Đại Hán của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Do vậy, các nước lớn Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Châu Âu chắc chắn sẽ không ủng hộ ý tưởng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” của Trung Quốc bởi lẽ các nước này có lợi ích rất lớn trong việc duy trì tự do, an ninh, an toàn hàng hải trên biển nói chung và ở Biển Đông, biển Hoa Đông nói riêng.

Thời gian gần đây, Trung Quốc cố gắng lồng ghép nội dung vào các diễn đàn quốc tế mà Trung Quốc chủ trì tổ chức hay tham gia. Tại Diễn đàn kinh tế Bác Ngao tổ chức tại Hải Nam tháng 4/2014, Trung Quốc đã lần đầu tiên chủ động tiến hành một phiên thảo luận riêng chuyên đề về Biển Đông và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường một lần nữa kêu gọi cùng chung sức xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”.

Tại cuộc họp quan chức cấp cao (SOM) giữa ASEAN – Trung Quốc tại Pattaya từ 21 – 22/4/2014, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã đề cập đến ý tưởng xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” và kêu gọi các nước ASEAN ủng hộ và đưa vào nội dung thảo luận trong các cuộc họp giữa ASEAN và Trung Quốc trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nước ASEAN đều giữ thái độ thận trọng, phản ứng rất thờ ơ với đề xuất này của Trung Quốc bởi các nước đều hiểu rõ ý đồ chính trị của Trung Quốc trong sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”.

Trung Quốc cũng chủ động đưa ý tưởng về xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” thành chủ đề chính của Diễn đàn Hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng lần thứ 8 được tổ chức từ 14 – 15/5/2014 tại Quảng Tây, Trung Quốc. Thông qua 2 phiên họp chuyên đề “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, Trung Quốc tìm cách gắn kết ý tưởng này với việc thúc đẩy hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng (thực chất là hợp tác ở Biển Đông).

Trung Quốc cũng sẽ tận dụng Hội nghị Thượng đỉnh “Phối hợp hành động và xây dựng long tin ở Châu Á (CICA)” tổ chức tại Thượng Hải, Trung Quốc từ 20 – 21/5/2014 với sự tham gia của nhiều nguyên thủ các nước để thúc đẩy ý tưởng về “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”.

Trong các chuyến thăm các nước Châu Á nói chung và các nước Đông Nam Á nói riêng, Lãnh đạo Trung Quốc, kể cả Lãnh đạo các địa phương của Trung Quốc đều đề cập đến sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” để tranh thủ sự ủng hộ của các nước này.

Có thể thấy Trung Quốc đang tranh thủ mọi cơ hội để thúc đẩy ý tưởng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, các nước hãy cảnh giác để tránh bị ràng buộc bởi những mưu toan chính trị của Trung Quốc trong ý tưởng đầy nham hiểm này.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới