Thursday, April 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiGiàn khoan HD-981 (Kỳ 3): Học giả Châu Á và Châu Úc...

Giàn khoan HD-981 (Kỳ 3): Học giả Châu Á và Châu Úc lên án hành động của Trung Quốc

BienDong.net: Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD – 981 trong vùng biển chủ quyền Việt Nam, làm leo thang căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định khu vực và an ninh, an toàn hàng hải quốc tế tại Biển Đông, nhiều học giả Châu Á và Châu Úc đã lên án mạnh mẽ những hoạt động nguy hiểm trên của phía Trung Quốc.

 

* Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển chủ quyền Việt Nam là hành động khiêu khích, rây ra nguy hiểm đối với khu vực Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế và các nước cần cảnh giác, đoàn kết để ngăn chặn.

Tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam (ảnh chụp qua vệ tinh ngày 12/5)

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia nhận định: Vụ việc đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đặt một giàn khoan dầu trong Vùng đặc quyền kinh tế của nước khác mà không hề xin phép. Đây là một động thái bất ngờ vì quan hệ Trung Quốc – Việt Nam vốn đang ở quỹ đạo đi lên kể từ chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng 10/2013. Vào thời điểm đó, cả hai bên cho biết đã đạt được thỏa thuận tiếp tục thảo luận về các vấn đề hàng hải. Hành động hạ đặt giàn khoan HD – 981 xảy ra trong bối cảnh Việt Nam không hề có bất kỳ khiêu khích nào để biện minh cho hành động chưa từng có này của Trung Quốc. Việc Trung Quốc triển khai giàn khoan HD – 981 là hành động khiêu khích vì đi theo giàn khoan dầu khổng lồ này còn có rất nhiều tàu gồm cả tàu chiến. Khi Việt Nam cử tàu Cảnh sát biển đến để bảo vệ quyền chủ quyền của mình, Trung Quốc phản ứng bằng cách ra lệnh cho các tàu sử dụng vòi rồng và cố ý đâm tàu Việt Nam. Những hành động này không chỉ rất nguy hiểm, mà còn gây ra thương tích cho nhiều thuyền viên Việt Nam.

Giáo sư Carl Thayer cho biết thêm, việc Trung Quốc tuyên bố giàn khoan HD – 981 hoạt động trong “vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Trung Quốc” không hề có căn cứ pháp lý, vì trên thực tế Trung Quốc không sở hữu vùng lãnh thổ nào cách Lô 143 (nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan) 12 hải lý để được quyền đưa ra khẳng định trên. Trước các phát ngôn mông lung của Trung Quốc, giới học giả cho rằng Trung Quốc đã vin vào đảo Tri Tôn để mở rộng thềm lục địa cũng như vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình. Trên thực tế, năm 1996, Trung Quốc có vẽ ra một đường cơ sở vòng quanh quần đảo Hoàng Sa, trong đó có Đảo Tri Tôn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đường cơ sở trên không tuân thủ Điều 8 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) nên không thể đưa vào sử dụng nhằm xác định chủ quyền trên Lô 143… Như vậy, việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan và kéo theo nhiều tàu hộ tống vào vùng biển này là hoàn toàn đi ngược lại các thông lệ và luật pháp quốc tế.

 

Tàu chiến của Trung Quốc bên cạnh giàn khoan HD – 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam

Giáo sư Jonathan London, chuyên gia về Đông Nam Á, trường Đại học thành thị Hong Kong, cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc đang cố tình sử dụng sức mạnh quân sự của mình để công khai vi phạm luật pháp quốc tế khi đưa giàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thách thức chủ yếu của Việt Nam và các nước Đông Nam Á hiện nay là phải đối mặt với một Trung Quốc dường như không có thiện chí giải quyết vấn đề này. “Bản thân hành động đưa giàn khoan của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã là một hành động vi phạm luật pháp nghiêm trọng. Hơn thế nữa, Trung Quốc còn ngang nhiên đưa tàu của mình vào cản trở việc thực thi pháp luật của phía Việt Nam. Như vậy, cùng một lúc, Trung Quốc đã không tuân thủ luật pháp quốc tế khi vừa cố tình tìm cách khai thác khoáng sản trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vừa có những hành động cố tình khiêu khích Việt Nam trong khi phía Việt Nam đang rất kiềm chế để tránh xung đột”.

 

Tiến sĩ Ian Storey (giữa), chuyên gia phân tích cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), có trụ sở tại Singapore

Tiễn sỹ Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, cho rằng hành động triển khai giàn khoan dầu HD – 981 của Trung Quốc vào vùng biển của Việt Nam là vô cùng nguy hiểm. Hành động này thách thức chủ quyền Việt Nam, do đó Việt Nam sẽ phải đối phó và Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ứng. “Khi đó, chúng ta sẽ đứng trước tình thế tiềm tàng kịch bản vô cùng nguy hiểm”.

Học giả Vinod Anand, chuyên viên cao cấp tại Quỹ quốc tế Vivekananda ở New Delhi, Ấn Độ cũng khẳng định hành động của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm các điều khoản của UNCLOS. Học giả Vinod Anand nêu rõ việc Trung Quốc đưa giàn khoan cùng một hạm đội tàu và nhiều máy bay chiến đấu yểm trợ vào vùng biển Việt Nam là cách hành xử hiếu chiến, rõ ràng nhằm đẩy mạnh những yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Ông Vinod Anand vạch rõ, trong những năm qua, Trung Quốc đã sử dụng ba loại hình chiến tranh, gồm chiến tranh truyền thông, chiến tranh pháp lý và chiến tranh tâm lý để thúc đẩy yêu sách về chủ quyền lãnh thổ cả trên biển lẫn trên đất liền. Cách hành xử của Trung Quốc đi ngược lại các nguyên tắc quốc tế; các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế cần phối hợp nỗ lực buộc Trung Quốc tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về tìm giải pháp cho tranh chấp.

Học giả Malcolm Cook, nguyên Giám đốc Chương trình Đông Á của Viện chính sách quốc tế Lowy có trụ sở tại Sydney khẳng định hành động của Trung Quốc “rõ ràng đi ngược lại tinh thần và nội dung của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ” mà Trung Quốc đã ký kết với ASEAN năm 2002. Việc Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa cộng với vụ Trung Quốc ngăn cản Philippines tiếp hậu cần cho binh lính đóng tại bãi Cỏ Mây (tên tiếng Anh là Second Thomas Shoal) gần đây, có thể làm mất đi sự tin tưởng vào DOC như một công cụ ngoại giao hiệu quả để giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN.

Học giả Dipanjan Chaundhary trong bài “Tình hình Biển Đông xấu đi với hành động ngang ngược của Trung Quốc” đăng trên báo Economic Times của Ấn Độ cũng nêu rõ: Sự hiếu chiến gần đây được khởi xướng do Hải quân Trung Quốc chống lại lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam tại Biển Đông tiếp sau vụ Trung Quốc lắp đặt giàn khoan HD – 981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam là bài học cho nhiều nước, trong đó có Ấn Độ, khi có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Diễn biến này đã làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông.

 

Giáo sư Kumao Kaneko nhà bình luận ngoại giao, Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược năng lượng của Nhật Bản

Trước các của Trung Quốc như trên, Giáo sư Kumao Kaneko, nhà bình luận ngoại giao, Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược năng lượng của Nhật Bản cho rằng cần sử dụng sức mạnh của cả cộng đồng quốc tế để ngăn chặn hành động đơn phương của Trung Quốc. Theo ông Kumao Kaneko, Trung Quốc luôn coi Biển Đông là của mình. Trung Quốc đòi hỏi quyền lợi trên gần như toàn bộ Biển Đông và cả biển Hoa Đông. Đó là điều khó chấp nhận. Tại khu vực giàn khoan, Việt Nam rõ ràng có quyền đối với vùng biển này. Nhưng Trung Quốc căn cứ theo luật pháp trong nước để đơn phương tuyên bố toàn bộ các hòn đảo ở Biển Đông là của mình. Điều này rút cuộc lại mâu thuẫn với luật pháp quốc tế. Có cách giải quyết vấn đề bằng chiến tranh nhưng đây là cách phải tránh bằng mọi giá. Cách khác là đưa ra tòa án. Nhưng Trung Quốc phản đối đưa vấn đề ra Tòa án tư pháp quốc tế nên phân xử tại tòa không thực hiện được. Có thể nói đây là vấn đề rất khó, nếu xử lý không khéo sẽ dẫn đến chiến tranh. Nhưng nếu cứ im lặng thì Trung Quốc sẽ càng lấn tới.

* Thông qua sự việc giàn khoan, Trung Quốc đang áp dụng chính sách “bên miệng hố chiến tranh” chống Việt Nam, tạo tiền lệ nguy hiểm, thử thách các nước và Trung Quốc sẽ phải hứng chịu tổn hại về ngoại giao.

 

Tàu chiến Trung Quốc mang theo máy bay trực thăng bên cạnh giàn khoan HD – 981

Tiến sĩ Ấn Độ Subhash Kapila, cố vấn về quan hệ quốc tế và các vấn đề chiến lược của Nhóm Nghiên cứu Nam Á nêu rõ, sau khi đưa giàn khoan HD981 đến vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc đã gia tăng sự hiện diện quân sự của mình ở đây bằng một đội tàu chiến và hàng chục tàu loại khác. Bên cạnh đó, các chiến đấu cơ của không quân Trung Quốc cũng bay lượn ở khu vực trên. Việt Nam đã điều các tàu thi hành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ra ngăn cản các tàu và giàn khoan của Trung Quốc, đồng thời công khai với dư luận quốc tế những hình ảnh chi tiết về hành vi tấn công của Bắc Kinh. Tuy nhiên, “cuộc đối đầu Việt – Trung diễn trong những ngày qua không có sự kiềm chế nào của Trung Quốc”. Bắc Kinh sau đó biện bạch đúng như dự đoán rằng đội tàu và giàn khoan của nước này “đang hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc”. Tiến sĩ Subhash Kapila cho rằng Trung Quốc có thể đã chọn Việt Nam để làm mới chính sách “bên miệng hố chiến tranh” trong bối cảnh Mỹ đang phân tâm về vấn đề Ukraine nên sẽ không thể phản ứng gì với các hành động của Trung Quốc. Việc Trung Quốc lắp đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam cũng có thể là sự đáp trả với thỏa thuận mở rộng thăm dò dầu khí giữa Việt Nam và Ấn Độ tại Biển Đông. Nhìn chung, động cơ thúc đẩy Trung Quốc lộ rõ chiến lược ở Biển Đông dường như là củng cố sự hiện diện quân sự trên toàn vùng biển để thực hiện yêu sách đường lưỡi bò thông qua từng bước chống lại Việt Nam”.

Giám đốc Thông tin và Quan hệ công chúng thuộc Tổng cục Du lịch Philippines Floro M. Mercene cho rằng, hành động của Trung Quốc tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong quan hệ quốc tế, đó là “một quốc gia có thể lợi dụng quy mô và sức mạnh để bắt nạt các nước láng giềng, phớt lờ luật pháp quốc tế”. Theo Giám đốc Floro M. Mercene, nếu hành động này không bị lên án và ngăn chặn, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hành động khiêu khích, đưa thế giới trở lại thời kỳ hỗn loạn với sức mạnh quân sự và sự hiếu chiến có thể tạo ra sự thống trị của mỗi quốc gia. Đây không phải là điều mà các dân tộc yêu chuộng hòa bình mong đợi vì nó đi ngược lại lợi ích của cộng đồng khu vực và quốc tế.

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong buổi họp báo chung với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại thủ đô Tokyo ngày 24.4

Theo giáo sư Carl Thayer, hành động của Trung Quốc đã được lên kế hoạch từ trước để bày tỏ thái độ trước chuyến công du Châu Á gần đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới bốn nước Châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines. Trong bài phát biểu trước các binh sĩ Mỹ và Philippines tại Manila, để bày tỏ quan ngại trước các tranh chấp lãnh hải ngày càng gay gắt giữa Bắc Kinh và các nước đồng minh của Washington trong khu vực, ông Obama tuyên bố: “Các quốc gia và dân tộc đều có quyền được sống trong an ninh và hòa bình, với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được tôn trọng… Luật pháp quốc tế phải được tuân thủ, quyền tự do hàng hải phải được bảo đảm và các hoạt động thương mại không thể bị cản trở”, “Các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình chứ không phải là bằng các hành động hăm dọa hay sử dụng vũ lực”. Chính quyền Tổng thống Obama công khai chỉ trích cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông đã châm ngòi cho cơn giận của chính phủ Bắc Kinh, thêm vào đó, Mỹ còn dành sự ủng hộ hết mình cho Philippines khi nước này đâm đơn kiện Trung Quốc lên trọng tài quốc tế xung quanh các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Chưa dừng lại ở đó, trong cuộc phỏng vấn với báo chí Nhật Bản, ông Obama cho biết: “Chính sách của Mỹ rất rõ ràng: Quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, do đó nó nằm trong khuôn khổ hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật”. Do đó, sự việc giàn khoan cho thấy không loại trừ khả năng Trung Quốc đang “thử thách” nền móng của chính quyền ông Obama trong việc cân bằng các mối quan hệ đối với các quốc gia Châu Á.

 

Các nhà lãnh đạo ASEAN thể hiện sự đoàn kết nhất trí cao tại Hội nghị cấp cao ở Myanmar

Mặt khác, có thể Trung Quốc cũng muốn thử phản ứng Việt Nam vì Việt Nam đã ban hành Luật Biển vào giữa năm 2012. Trước khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển, Trung Quốc cũng đã gây áp lực ngoại giao với Việt Nam nhưng thất bại. Sau đó Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc ngang nhiên tổ chức đấu thầu các lô dầu trên Biển Đông chồng chéo với các lô dầu thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Có lẽ Trung Quốc cũng tính toán rất kỹ thời điểm đặt giàn khoan Hải Dương – 981. Đó là sau khi Tổng thống Obama rời Châu Á và trước khi hội nghị ASEAN tổ chức tại Myanmar. Có vẻ như Trung Quốc cũng muốn thử thách cả uy tín và sự tồn tại vững mạnh của ASEAN trong giải quyết mối đe dọa khu vực tại Biển Đông.

Rõ ràng hành động đơn phương của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định của khu vực và an ninh, an toàn hàng hải quốc tế tại Biển Đông. Hành động này cũng khiến các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền thêm lo lắng. Do vậy, các quốc gia này sẽ tìm cách tăng cường năng lực hải quân của mình, tìm kiếm sự tái cam kết ủng hộ từ Mỹ cũng như các cường quốc biển khác như Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Do đó, Trung Quốc sẽ phải hứng chịu tổn hại về mặt ngoại giao.

BDN (tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới