Thursday, November 30, 2023
Trang chủGóc nhìn mớiThế giới lo ngại căng thẳng Biển Đông

Thế giới lo ngại căng thẳng Biển Đông

BienDong.Net: Ngày 2 – 6, tại Trụ sở LHQ ở New York, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, đã gặp ông Jeffrey Feltman, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị, để tiếp tục thông báo với LHQ về những diễn biến tới nay liên quan đến việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou – 981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Đại sứ Lê Hoài Trung cũng thông báo với ông Jeffrey Feltman việc Trung Quốc tiếp tục đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự và máy bay, đến hoạt động tại vị trí hạ đặt giàn khoan; và các tàu Trung Quốc đã chủ đích đâm va, uy hiếp, dùng vòi rồng công suất lớn nhằm vào các tàu công vụ chỉ là tàu dân sự của Việt Nam gây hư hại nhiều tàu, làm nhiều người bị thương.


Những hành vi gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông hâm nóng hầu hết các diễn đàn quốc tế diễn ra gần đây.

Đại sứ Lê Hoài Trung nhấn mạnh những việc làm trên của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, Thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, đe doạ hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Đại sứ đề nghị LHQ cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục quan tâm, ủng hộ các đề nghị thiện chí của Việt Nam, kêu gọi việc không có các hành động đơn phương làm căng thẳng thêm tình hình, không sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực.

Phó Tổng Thư ký LHQ Jeffrey Feltman hoan nghênh chủ trương của Việt Nam là giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế. Ông Feltman khẳng định Tổng thư ký LHQ Ban Ki – moon rất quan tâm đến tình hình hiện nay ở Biển Đông.

Ông Phó Tổng thư ký chia sẻ đánh giá vềtầm quan trọng của Biển Đông đối với thế giới, bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, khẳng định các bên cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và các biện pháp hoà bình khác phù hợp với Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế.

 

Giàn khoan và tàu Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ảnh: Asahi

* G7 quan ngại sâu sắc

Hôm 4/6, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và các lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) đã có cuộc gặp gỡ, chia sẻ mối quan tâm về tình hình căng thẳng gần đây ở Biển Đông và nhất trí ủng hộ Ukraine dưới thời Tổng thống vừa đắc cử Petro Poroshenko.

Chủ đề quan trọng trong cuộc gặp gỡ này là vấn đề thương mại, nhưng ông Abe cùng Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso đã nhất trí rằng các tranh cãi liên quan đến hoạt động hàng hải của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết phù hợp với luật pháp quốc tế. Thông tin này được ông Hiroshige Seko, Phó Tổng thư ký nội các Nhật Bản nói với các phóng viên khi đề cập về cuộc đàm phán Nhật Bản – EU tại Brussels.

Ông Abe cũng nói với các nhà lãnh đạo EU rằng ông cảm thấy lo ngại khi căng thẳng gia tăng gần đây trong khu vực tranh chấp trên biển. Thủ tướng Nhật đã đề cập đến các hành động của Trung Quốc đối với tàu Việt Nam tại khu vực giàn khoan mà Trung Quốc đơn phương hạ đặt ở Biển Đông.

 

G7 phản đối các hành vi vũ lực tại Biển Đông

Căng thẳng tại Biển Đông và biển Hoa Đông cũng đã thu hút sự chú ý của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển. BBC dẫn Tuyên bố chung của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Ý, Canada và Anh quốc được đưa ra sau hội nghị tại Brussels tối 4/6 viết:

“Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước những căng thẳng trên Biển Hoa Đông và Biển Đông”.

Các lãnh đạo G7 tái khẳng định lập trường “chống lại bất kỳ hành động đơn phương của bất cứ bên nào nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ hoặc chủ quyền trên biển bằng biện pháp hăm dọa, gây hấn hoặc vũ lực”.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên làm rõ và theo đuổi tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế”.

“Chúng tôi ủng hộ quyền tìm kiếm giải pháp để giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa, phù hợp với luật pháp quốc tế của các bên yêu sách, trong đó có cả thông qua các cơ chế giải quyết tranh chấp một cách hợp pháp”.

“Chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và vùng trời, cũng như công tác quản lý lưu thông hàng không dân sự dựa trên luật pháp quốc tế và các quy tắc và chuẩn mực của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế”.

Tối 4/6, người phát ngôn chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết qua hội nghị lần này, các nước G7 đã “nhận thức được” quan ngại của Nhật Bản về căng thẳng hiện nay trên Biển Đông, hãng thông tấn Reuters đưa tin.

Ngày 5/6, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, khi bình luận về tuyên bố của G7, nói rằng “các nước ngoài khu vực cần tôn trọng sự thật khách quan, giữ thái độ công bằng”.

“Trung Quốc sẽ kiên quyết đáp lại hành động khiêu khích của một số ít nước cố ý xâm phạm chủ quyền và quyền lợi của Trung Quốc”, ông Hồng tuyên bố.

Theo các nhà quan sát, mặc dù thông cáo của G7 không nêu tên một nước nào, nhưng rõ ràng là nhắm vào Trung Quốc. Đầu tháng Năm, tại hội nghị an ninh khu vực Châu Á – Đối thoại Shangri-La, ở Singapore, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, một thành viên G7 đã nhấn mạnh là các nước cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế nhằm giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, lãnh thổ. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, một thành viên khác của G7 cũng đã cáo buộc Trung Quốc gây mất ổn định trong khu vực.

Thông điệp mạnh mẽ của Australia

Tờ Wall Street Journal (Mỹ) ngày 4/6 có bài viết cho rằng, những động thái hung hăng của Trung Quốc (TQ) trên Biển Đông là kế hoạch có chủ ý, rằng, hành động này dường như có sự tập trung phối hợp ở cấp cao nhất. Nếu đúng như vậy, điều này cho thấy, chính sách không nhượng bộ của TQ về tranh chấp lãnh thổ sẽ ngày càng gay gắt hơn và do đó sẽ rất khó để hy vọng về một sự thỏa hiệp, vốn đang hết sức cần thiết để tránh bùng phát xung đột nghiêm trọng trong khu vực.

Trong một phát biểu nhằm vào Trung Quốc, Thủ tướng Australia Tony Abbott hôm 4/6 tuyên bố nước này “phản đối mạnh mẽ” những hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Hoa Đông.

Phát biểu trước khi lên đường đến thăm Indonesia, ông Abbott khẳng định: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ và không tán thành các hành động đơn phương, khiêu khích… Các tuyên bố chủ quyền cần được giải quyết một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế”..

Báo Sydney Morning Herald nhận định đây là thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ mà ông Abbott gửi đến Trung Quốc, nước đang có nhiều hành động ngang ngược và sai trái tại Biển Đông. Ngoài việc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc còn đưa một phần khu vực biển xung quanh quần đảo Natuna mà Indonesia tuyên bố chủ quyền vào “đường lưỡi bò”, dẫn đến phản ứng mạnh mẽ của Jakarta.

Trước đó, phát biểu với báo chí bên lề Đối thoại Shangri-La, ông David Johnston, Bộ trưởng Quốc phòng Australia tuyên bố ông ủng hộ quan điểm của người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel rằng Trung Quốc đang gây bất ổn trong khu vực.

Ông Johnston cho rằng Biển Đông là một vùng rất quan trọng đối với sự thịnh vượng của các nước Châu Á – Thái Bình Dương. “Sự bất ổn này đang hủy hoại triển vọng kinh tế tương lai của khu vực. Bộ trưởng Johnston nói Australia không đứng về phía nào trong các tranh chấp trên biển, nhưng Canberra sẽ tìm cách thuyết phục Trung Quốc rằng “có một con đường khác” để giải quyết tranh chấp.

BDN

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Tin mới