Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnQuốc hội Việt Nam duyệt chi 750 triệu USD cho ngư dân...

Quốc hội Việt Nam duyệt chi 750 triệu USD cho ngư dân và cảnh sát biển

BienDong.Net: Theo báo chí trong nước, Quốc hội Việt Nam hôm 9/6 thông qua gói 16.000 tỷ đồng (tương đương 750 triệu đôla) hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư.

Ngoài khoản chi này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn nói sẽ cho ngư dân vay 10 nghìn tỷ đồng (510 triệu đôla) với lãi suất thấp (3%/năm) để đóng tàu cỡ lớn, phục vụ đánh bắt xa bờ.

Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam luôn đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển

Có 98,4% đại biểu tham gia biểu quyết đồng ‎ý với nghị quyết thu chi này.

“Hiện nay trong bối cảnh tình hình hết sức đặc biệt, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải có những quyết sách và đối sách đặc biệt, ưu tiên mọi nguồn lực cho vấn đề Biển Đông là số một”, đại biểu Quốc hội Chu Lê Chinh của tỉnh Lai Châu phát biểu.

Có tin nói Việt Nam sẽ được cung cấp các tàu tuần duyên hiện đại từ Nhật Bản vào đầu năm sau.

Tuy vậy, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch được trích lời cho biết khoản chi này là chưa đủ, và rằng Quốc hội nên thể hiện “quyết tâm rất mạnh mẽ” để bảo vệ biển đảo bằng cách “cắt phần lớn các khoản chi tiêu thường xuyên như giao tế, tiếp khách, mua sắm, đi lại”.

Cùng ngày, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng cũng đã gửi thư đến nghị viện các nước để kêu gọi “đồng hành với Việt Nam” phản đối hành động sai trái của Trung Quốc và “bảo vệ chính nghĩa”.

Trước đó, vào ngày 4/6 vừa qua, tàu kiểm ngư được cho là lớn và hiện đại nhất Việt Nam được xuất xưởng tại Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Hạ Long, Quảng Ninh, trong một buổi lễ mà đích thân thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến tham dự.

Báo chí trong nước cho biết Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Công ty đóng tàu Hạ Long và chỉ đạo khẩn trương thi công bàn giao tổng số 12 tàu kiểm ngư, nhanh chóng hoàn thiện 10 tàu cá vỏ sắt để phục vụ ngư dân an toàn bám biển.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát tàu kiểm ngư KN – 781. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong buổi làm việc thủ tướng đã tham quan tàu kiểm ngư KN 781 vừa hoàn thành. Đây là tàu Kiểm ngư hiện đại lớn nhất khu vực, có lượng giãn nước 2.000 tấn, có bãi đáp và kho chứa trực thăng ở đuôi tàu.

Tàu có chiều dài toàn bộ: 90,5 m; chiều rộng lớn nhất 14 m; chiều cao mạn 7 m; chiều chìm thiết kế: 3,75 m; chiều chìm tối đa 4 m; trọng tải 500 tấn; lượng chiếm nước 2.400 tấn. Tàu có khả năng đi trong điều kiện sóng gió cấp 3, chạy đủ 4 máy chính sẽ có tốc độ 21 hải lý/giờ và trong điều kiện bình thường có tầm hoạt động liên tục 5.000 hải lý.

Tàu do Tập đoàn đóng tàu Damen (Hà Lan) thiết kế. Phần mũi tàu KN – 781 được thiết kế góc vát nhỏ, tăng cường độ dày cho vỏ thép, đem lại khả năng va chạm tốt hơn.

Đóng thêm nhiều tàu kiểm ngư hiện đại

Sau khi kiểm tra tàu KN 781, trong buổi làm việc với các Bộ, ngành Trung ương và Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định sẽ đầu tư để đóng thêm 4 chiếc tàu như tàu KN 781, đưa số tàu có lượng giãn nước trên 2000 tấn của lực lượng kiểm ngư loại này lên 6 chiếc.

Cùng với 2 tàu kiểm ngư (có cùng công suất như tàu KN – 781) đã được bàn giao và đi vào hoạt động và 6 tàu loại KN 781, lực lượng Kiểm ngư sẽ có 8 tàu lớn được trang bị hiện đại, có lượng giãn nước trên 2.000 tấn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đồng ý cho đóng thêm 15 tàu kiểm ngư tầm trung. Như vậy, trong tương lai gần, với 30 tàu kiểm ngư đã và sắp được bàn giao, cùng với các tàu nêu trên, lực lượng kiểm ngư sẽ có hơn 50 tàu hiện đại. 

Việc được trang bị các tàu tuần tra cỡ lớn, sẽ giúp lực lượng Kiểm ngư Việt Nam thực hiện được những chuyến tuần tra xa bờ, dài ngày. Lực lượng kiểm ngư Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhiệm vụ chấp pháp trên biển, hỗ trợ và bảo vệ ngư dân và cứu hộ cứu nạn trên biển.

Thủ tướng cũng yêu cầu, Công ty đóng tàu Hạ Long phối hợp với lực lượng Kiểm ngư để bổ sung ngay một số trang thiết bị phù hợp cho các tàu kiểm ngư, để các tàu này có thể chịu được các vòi phun nước công suất lớn.

Thực hiện Chương trình tàu cá vỏ thép

Cũng tại Công ty Đóng tàu Hạ Long, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nghe lãnh đạo Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh 5 tháng đầu năm 2014, về chương trình thí điểm đóng tàu cá vỏ thép cho ngư dân…

Theo lãnh đạo Tổng Công ty, tàu đánh cá vỏ thép đầu tiên đã được Tổng Công ty bàn giao cho chủ tàu vào cuối năm 2013 và chủ tàu đã đưa vào khai thác chuyến đầu tiên từ giữa tháng 1/2014. Đến nay đã có 3/6 chiếc tàu được bàn giao cho ngư dân đưa vào khai thác.

Theo đánh giá bước đầu, tàu vỏ thép đã thể hiện những tính năng vượt trội so với tàu vỏ gỗ truyền thống, như tốc độ di chuyển cao hơn, mức tiêu hao nhiên liệu thấp hơn khoảng 15% so với tàu gỗ có cùng kích thước; tính an toàn cùng khả năng đi biển tốt hơn tàu vỏ gỗ nên có thể hoạt động liên tục dài ngày; khả năng đánh bắt, bảo quản sản phẩm tốt hơn;…

Với những ưu điểm nêu trên, mặc dù mức đầu tư của tàu vỏ thép cao hơn khoảng 60% so với tàu vỏ gỗ cùng kích thước và công suất, song tàu vỏ thép sẽ đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn từ việc gia tăng sản lượng, chất lượng đánh bắt và đặc biệt là độ an toàn cao trong khai thác.

Tổng Công ty sẽ tiến hành đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện dự án đóng mới tàu mẫu đánh cá vỏ thép sau khi các tàu đã được bàn giao hết và đưa vào khai thác, dự kiến vào cuối tháng 6/2014. Trên cơ sở đó, Tổng Công ty sẽ báo cáo các cơ quan liên quan về kết quả của dự án đóng mới tàu mẫu đánh cá vỏ thép, đồng thời phối hợp với cơ quan thiết kế để hoàn thiện các tính năng kỹ thuật của từng mẫu tàu, sẵn sàng đưa vào sản xuất trên diện rộng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam là một quốc gia biển, có vùng biển rộng lớn, đây là không gian sinh tồn, không gian phát triển của đất nước. Kinh tế biển và các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, khai thác dầu khí, vận tải biển thời gian qua đã mang lại nguồn lợi rất lớn cho nhân dân, cho phát triển đất nước.

Chủ trương phát triển ngành công nghiệp đóng tàu biển là một chủ trương đúng đắn trong Chiến lược phát triển kinh tế biển. Những năm qua, ngành đóng tàu của Việt Nam đã có bước tiến dài, các kỹ sư, công nhân Việt Nam đã đóng được nhiều thế hệ tàu hiện đại, có chất lượng, thời gian đóng nhanh. Thủ tướng cho rằng phải tiếp tục khẳng định và phát triển ngành đóng tàu, vừa đáp ứng cho nhu cầu trong nước, phục vụ cho đánh bắt thủy hải sản, vận tải, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển,… vừa đáp ứng cho xuất khẩu.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới