Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThế giới đồng loạt lên tiếng: Phải dùng luật pháp để giải...

Thế giới đồng loạt lên tiếng: Phải dùng luật pháp để giải quyết các tranh chấp biển đảo

BienDong.Net: AFP đưa tin, Nhật Bản và Philippines ngày 24/6 đã cùng nhau nhấn mạnh tới sự cần thiết phải sử dụng “pháp luật” để giải quyết các tranh chấp khu vực, vào thời điểm mà cả hai nước này đều bị cuốn vào những cuộc tranh chấp riêng rẽ với Trung Quốc.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp với Tổng thống Philippines, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói: “Trong bối cảnh tình hình khu vực đang trở nên nghiêm trọng, cả 2 nước đang phối hợp chặt chẽ với nhau. Ngày hôm nay, tôi tái khẳng định với Tổng thống Aquino tầm quan trọng của (việc sử dụng) pháp luật”.

 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Tổng thống Philippines Benigno Aquino – Ảnh: AFP

Về phần mình, ông Aquino cũng nhấn mạnh chuyến thăm Nhật của ông chủ yếu tập trung vào “những thách thức trong việc bảo vệ an ninh trong khu vực của chúng ta thông qua thực thi luật pháp để bảo vệ lợi ích chung của 2 nước cũng như của khu vực và thế giới”.

Các động thái quyết đoán của Trung Quốc đã thúc đẩy Philippines thắt chặt quan hệ với Nhật Bản cho dù hai nước là cựu thù thời Thế chiến II. Đây là lần thứ 5 Tổng thống Aquino đến thăm Nhật Bản kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2010, trong lúc Thủ tướng Abe đã từng công du Philippines vào tháng Bảy năm ngoái. Khi ấy, ông đã cam kết sẽ giúp đỡ Philippines tăng cường khả năng phòng thủ trên biển.

Dấu hiệu cụ thể nhất của cam kết này là việc Nhật Bản sẽ cung cấp 10 tàu tuần duyên để tăng cường lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines còn rất yếu kém.

Ngoài Mỹ, Nhật Bản là một trong 2 đối tác chiến lược của Philippines.

Được biết, Philippines đã liên tục gửi công hàm cho Trung Quốc để phản đối động thái tăng cường hiện diện quân sự lẫn dân sự cùa nước này trên các hòn đảo và vùng biển nằm trong khu vực mà Philippines tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Thủ tướng Singapore: Trung Quốc không nên đi theo vết xe đổ

Phát biểu tại Hội đồng đối ngoại nhân dịp thăm Washington hôm 25/6 Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng cho rằng nên sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp về lãnh hải và lãnh thổ ở Biển Đông, chứ không phải theo kiểu quan niệm “mạnh được yếu thua”.

 

Thủ tướng Lý Hiển Long trong cuộc gặp với Tổng thống Obama

Ông Lý đưa ra nhận xét trên khi trả lời một câu hỏi về những động thái đơn phương thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông, gây ra va chạm và lo lắng ở các nước láng giềng Đông Nam Á.

Thủ tướng Lý cho biết Singapore không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng ủng hộ các nỗ lực của ASEAN trong việc thương lượng với Trung Quốc xác lập một bộ quy tắc ứng xử để quản trị và giải quyết những tranh cãi về lãnh thổ, vốn đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Thủ tướng Singapore cũng tỏ ra không đồng tình với khẳng định từ Bắc Kinh cho rằng có cơ sở lịch sử cho những tuyên bố của họ và rằng những cơ sở đó có trước cả luật quốc tế.

“Tôi không phải luật sư nên tôi không bàn luận về tuyên bố gây tranh cãi đó. Nhưng từ quan điểm của một quốc gia tồn tại trong hệ thống quốc tế – nơi có những nước lớn và cả nước nhỏ, tôi cho rằng không thể dùng vũ lực để đòi quyền lợi. Cần phải giải quyết các tranh chấp bằng luật quốc tế” –Ông Lý nói.

Thủ tướng Singapore cũng cảnh báo Trung Quốc về bài học của các nước lớn từng theo đuổi con đường đi lên bằng vũ lực và hậu quả là sự sụp đổ. “Trung Quốc không nên đi theo vết xe đổ đó” – ông Lý nhấn mạnh.

 

Tàu Trung Quốc phô trương vũ lực tại khu vực giàn khoan lắp đặt trái phép (Ảnh: AP)

Trong khi đó, theo hãng tin Pháp AFP, trong cuộc hội đàm với khách mời là Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 26/6, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cập đến điều được ông gọi là «hành vi gây bất ổn» của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trong một thông cáo, Nhà Trắng cho biết «hai lãnh đạo đã thảo luận về những mối quan ngại chung liên quan tới kiểu hành vi gây bất ổn tại Biển Đông và nhắc lại quan tâm chung của hai nước đến (việc tôn trọng luật pháp quốc tế, quyền tự do hàng hải và giải pháp hòa bình cho những vụ tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải».

Hãng tin Pháp nhắc lại rằng Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, kể cả tại vùng biển gần bờ biển các nước láng giềng. Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh càng lúc càng quyết đoán hơn trong việc áp đặt yêu sách chủ quyền của ho.

Trước tình hình đó, Washington cho biết là họ không thiên vị bên nào trong vấn đề tranh chấp, nhưng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh phải tuân thủ «luật đi đường» và thảo luận vấn đề này trong các diễn đàn khu vực với các đồng minh của Mỹ. Yêu cầu này của Mỹ đã khiến Trung Quốc bực tức.

Cho dù vậy, hôm 25/6, tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách khu vực Đông Á Thái Bình Dương Daniel Russel đã không ngần ngại tố cáo những «cố gắng mang tính cưỡng bức của Trung Quốc nhằm áp đặt và xác lập các yêu sách chủ quyền của họ tại các vùng biển tranh chấp».

Theo ông Russel, các hành động đơn phương này vừa làm gia tăng căng thẳng, vừa phá hoại vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Cùng chung quan điểm phải giải quyết các tranh chấp bằng con đường luật pháp, Thượng nghị sĩ Australia Scott Ryan cũng cho rằng các bên ở Biển Đông phải tôn trọng luật pháp quốc tế và hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Thượng nghị sĩ Ryan nói rằng, Australia không đứng về bên nào trong các bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng có lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại không bị cản trở và tự do hàng hải.

Trước đó, ngày 21/6 Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc Trung Quốc và các quốc gia láng giềng giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông một cách hòa bình và tránh làm leo thang căng thẳng. Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng New Zealand John Key ở Nhà Trắng, ông Obama nói:

“Điều quan trọng với chúng ta là có thể giải quyết các tranh chấp trên biển theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan duy trì khuôn khổ pháp lý để giải quyết các vấn đề. Chúng tôi phản đối hành động làm leo thang căng thẳng, có thể ảnh hưởng tới hoạt động hàng hải và thương mại”.

Chia sẻ quan điểm này, ông John Key nói rằng, quan điểm của Chính phủ New Zealand rất rõ ràng: Tất cả các bên cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Điều này rất quan trọng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.

BDN (tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới