Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Những cường quốc theo chủ nghĩa xét lại” đang thao túng các...

“Những cường quốc theo chủ nghĩa xét lại” đang thao túng các cuộc khủng hoảng trên thế giới

BienDong.Net: Thế giới đang nổi lên các cuộc khủng hoảng khu vực tại Ukraine, Iraq và Biển Đông. Trong tất cả những diễn biến tưởng như rời rạc ấy có chung mối liên kết nào không?

Một học thuyết mang tính toàn cầu được ông Walter Russell Mead, giáo sư tại Đại học Bard College, đề cập trong bài viết gần đây trên tạp chí Foreign Affairs với tựa đề “Sự trở lại của địa chính trị”. Bài của GS Mead cùng với lời bình của giáo sư John Ikenberry, Đại học Princeton, gợi ra hướng suy nghĩ thông qua các khuôn mẫu hiện tại trong chính trị thế giới.

Sau sụp đổ của Liên Xô, việc xác định trật tự thế giới mới trở nên khá dễ dàng. Các điểm mấu chốt trong trật tự này bao gồm một hệ thống kinh tế toàn cầu hóa, các tổ chức đa phương và hơn hết là vai trò không thể chối cãi của Mỹ trở thành siêu cường duy nhất.

Cuộc tranh luận xoay quanh câu hỏi phải chăng trật tự thế giới ấy đang bị đe dọa. GS Mead nhận định “Trung Quốc, Nga và Iran chưa bao giờ bằng lòng với sự dàn xếp về địa chính trị sau Chiến tranh Lạnh và họ đang tìm mọi cách gia tăng sức ép nhằm thay đổi sự dàn xếp này”. Cuộc khủng hoảng Ukraine, diễn ra ở thời điểm GS Mead viết bài báo, là sự minh họa sinh động cho luận điểm của ông. Sự tức giận của Nga về dàn xếp sau năm 1991 đã tạo tiền đề để quốc gia này chính thức thu nhận Crimea. Những yêu sách lãnh thổ ngày càng leo thang của Trung Quốc và thái độ không hài lòng của Iran với trật tự khu vực ở Trung Đông đã hình thành những lý lẽ mấu chốt của luận điểm này. GS Mead gọi 3 quốc gia này là “những cường quốc theo chủ nghĩa xét lại” và đưa ra lập luận rằng “họ chưa đảo lộn dàn xếp sau Chiến tranh Lạnh… nhưng họ đã dần biến nguyên trạng không có tranh cãi trở thành có tranh cãi”.

GS Ikenberry cho rằng “sự cảnh báo của Mead dựa trên một sự nhầm lẫn lớn về thực trạng quyền lực hiện đại”. Theo ông, “Nga và Trung Quốc chưa hoàn toàn là những cường quốc theo chủ nghĩa xét lại, mà giỏi lắm thì mới ở mức chọc phá”. Ông nêu rõ rằng Mỹ “có quan hệ đối tác quân sự với hơn 60 quốc gia, trong khi Nga chỉ có 8 đồng minh chính thức và Trung Quốc chỉ có một (Bắc Triều Tiên)”. Vì vậy, “tiềm lực quân sự tập hợp trong hệ thống đồng minh do Mỹ dẫn đầu có tầm ảnh hưởng hơn bất cứ thứ gì mà Trung Quốc hoặc Nga có thể tạo ra trong nhiều thập kỷ tới”.

Mỹ cũng có lợi thế từ vị trí địa lý thuận lợi là “cường quốc duy nhất không có các cường quốc khác bao quanh”. Mỹ còn đề xướng những ý tưởng được hưởng ứng toàn cầu, trong khi Nga và Trung Quốc chẳng có gì.

Nếu Nga ngừng leo thang cuộc khủng hoảng tại Ukraina, có thể hiểu rằng chính phủ của Putin đã nhận thấy cái giá quá đắt của sự đối đầu toàn diện với phương Tây.

Tuy nhiên, trên hết GS Ikenberry tin rằng cái gọi là “những cường quốc chủ nghĩa xét lại” không thực sự là những nước theo chủ nghĩa xét lại. Cuối cùng, họ sẽ không thách thức trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu bởi rốt cục họ có thu lợi từ trật tự đó. Ông lập luận rằng “mặc dù họ hậm hực với việc Mỹ đứng đầu hệ thống địa chính trị hiện tại, họ vẫn bám theo sự hợp lý nổi bật của khuôn khổ đó một cách khôn ngoan. Mở cửa giúp họ được tiếp cận với thương mại, đầu tư và công nghệ từ những xã hội khác”. Hơn nữa, Nga và Trung Quốc là 2 cường quốc có quyền phủ quyết tại LHQ. Lợi ích của họ được bảo vệ bởi hệ thống hiện hành vì “họ là người đứng trong hệ thống địa chính trị đó”.

Vậy trong 2 chuyên gia phân tích trên ai thuyết phục hơn? Tôi xin nêu quan tâm của mình. Trở lại với năm 2010, tôi xuất bản cuốn sách mang tên Zero – Sum World (Thế giới kẻ thắng người thua) với dự báo về sự gia tăng cạnh tranh địa chính trị giữa các nước phương Tây với những chính phủ ở Bắc Kinh và Mát-xcơ-va. Tôi luôn cho rằng mỗi suy giảm tương đối về sức mạnh của Mỹ sẽ làm nảy sinh những thách thức đối với trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu. Vì vậy, tôi đồng cảm với những lập luận của GS Mead rằng những diễn biến chính trị hiện nay quả thực cho thấy thất bại trong nỗ lực của phương Tây về việc “chuyển những mối quan hệ quốc tế từ kẻ thắng người thua sang mối quan hệ mọi người đều thắng”.

Cuộc tranh luận trên là khó kết luận. Sự gia tăng căng thẳng ở Ukraine và ở những vùng biển xung quanh Trung Quốc dường như trùng khớp với luận điểm kẻ thắng người thua. Tuy vậy, Nga và Trung Quốc đều chưa đoạn tuyệt với hệ thống toàn cầu do Mỹ dẫn đầu. Thật vậy, nếu Nga ngừng leo thang trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine, có thể lập luận rằng chính phủ Putin – do đối mặt với lệnh cấm vận – nhận thấy cái giá quá đắt của cuộc đối đầu toàn diện với phương Tây.

Iran thì dễ thấy phù hợp với hình ảnh của một nước đứng ngoài, cường quốc theo chủ nghĩa xét lại. Mặt khác, chính quyền Iran, bị bần cùng hóa do các lệnh cấm vận, dường như đang cố gắng mở đường quay về hệ thống quốc tế, thông qua thỏa thuận về chương trình hạt nhân của nước này.

Sự chú trọng nhiều năm của Trung Quốc về tăng trưởng kinh tế nay không ngừng được bổ sung bằng vị thế dân tộc chủ nghĩa trong các vấn đề chính trị và an ninh.

Về lâu dài, Trung Quốc chắc chắn là đối thủ tiềm tàng quan trọng nhất. Không giống như Nga, Trung Quốc đang trỗi dậy, và theo một cách tính toán, hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bắc Kinh chưa có động thái gì thiếu thận trọng tương tự việc Nga sát nhập Crimea. Và so với Nga, Trung Quốc theo đuổi vị thế khiêm tốn về các vấn đề toàn cầu ngoài khu vực. Nhưng giờ đây lộ rõ cách hành xử hung hăng hơn của Trung Quốc trong tranh chấp với các nước láng giềng, trong đó có một số đồng minh của Mỹ.

Trung Quốc thực sự tìm cách tái cơ cấu trật tự toàn cầu hay thuần túy trở nên hung hăng hơn, trong khuôn khổ hiện tại, là một vấn đề gây tranh cãi. Có điều rõ ràng là sự chú trọng nhiều năm của Trung Quốc về tăng trưởng kinh tế nay không ngừng được bổ xung bằng vị thế dân tộc chủ nghĩa trong các vấn đề chính trị và an ninh. Điều đó dẫn đến sự gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng và với Mỹ.

Bạn có thể gọi đây là sự “trở lại của địa chính trị”, hoặc bạn có thể gọi đó là sự trỗi dậy của “thế giới kẻ thắng người thua”. Tuy nhiên, dù thuật ngữ gì thì xu hướng nguy hiểm này dường như đang đà phát triển.

Bài của tác giả Gideon Rachman, Financial Times

BDN (biên dịch)

RELATED ARTICLES

Tin mới