BienDong.Net: Các học giả trong và ngoài nước có những nhận định khác nhau về động thái của Trung Quốc di dời giàn khoan ra khỏi vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa sau hơn hai tháng giàn khoan này được triển khai tại đây. BDN xin giới thiệu bài phân tích về sự kiện này do BBC thực hiện.
Vào tối hôm 15/7, phía Trung Quốc thông báo họ đã rút giàn khoan Hải Dương 981 về vị trí gần đảo Hải Nam vì lý do ‘mùa mưa bão đã đến’, theo Tân Hoa Xã.Một nhà nghiên cứu từ trong nước cho rằng đây có thể được xem là ‘thắng lợi ngoại giao’ của Việt Nam trong khi một học giả nước ngoài nhận định Trung Quốc có ‘mưu tính chính trị’ đằng sau hành động này.
Trao đổi với BBC, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông của Học viện Ngoại giao Việt Nam, nói rằng việc Trung Quốc rút giàn khoan sớm hơn một tháng so với kế hoạch là ‘nhờ tiếng nói của Việt Nam cũng như dư luận thế giới’.
“Dù trực tiếp hay gián tiếp thì rõ ràng hành động này của Trung Quốc không thể không tính đến phản ứng từ phía Việt Nam và thế giới”, bà giải thích.
“Việt Nam đã làm tất cả mọi việc cần thiết về ngoại giao và dư luận thế giới cũng có những phản ứng thể hiện quan điểm về việc Trung Quốc đặt giàn khoan”, Tiến sỹ Lan Anh nói thêm.
Theo bà thì Việt Nam đã ‘thắng lợi về mặt ngoại giao’ bằng ‘sự kiên trì, tuân thủ luật pháp quốc tế và thiện chí hòa bình’.
Về việc Trung Quốc tuyên bố họ rút giàn khoan ‘vì mưa bão’, bà cho rằng chính quyền Trung Quốc ‘muốn giải thích với dư luận trong nước’ và ‘giữ thể diện một nước lớn’.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Lan Anh đánh giá cao động thái này của Trung Quốc.
“Quan trọng là kết quả và tác động với tình hình hiện nay”, bà nói và cho rằng việc rút giàn khoan đã làm ‘giảm bớt căng thẳng và giữ thể diện cho tất cả các bên’.
“Cả hai bên được coi là đã thắng lợi”, bà nói.
Trung Quốc mất hình ảnh?
Về lâu dài, bà Lan Anh phân tích rằng thông báo của phía Trung Quốc có nói là ‘chưa có ý định khai thác thương mại’ nên có thể trong tương lai gần Trung Quốc ‘sẽ không có động thái leo thang’.
Điều này, theo bà, sẽ ‘mở đường cho thỏa thuận ổn định hơn cho Biển Đông’.
“Động thái vừa rồi của Trung Quốc cho thấy phản ứng quyết liệt của Việt Nam nên tôi không nghĩ là họ sẽ manh động tiến hành khai thác trong tương lai gần”.
Về biện pháp pháp lý mà Việt Nam đang tính toán trước Trung Quốc, bà Lan Anh cho rằng động thái rút giàn khoan ‘có thể chưa tạo ra áp lực lớn hay mối nguy cơ lớn khiến Việt Nam phải cân nhắc áp dụng ngay lập tức’.
Tuy nhiên, bà cho rằng biện pháp này ‘đòi hỏi quá trình cân nhắc kỹ lưỡng’ và đây là ‘một trong những biện pháp Việt Nam đã cân nhắc lâu nay’.
Khi được hỏi Trung Quốc có đạt được mục tiêu hay không với việc triển khai giàn khoan Hải Dương 981, Tiến sỹ Lan Anh nhận định:
“Nếu mục tiêu như Trung Quốc tuyên bố là thăm dò khảo sát thì coi như là đã đạt được.
Còn nếu mục tiêu lớn hơn là áp đặt đường lưỡi bò thì có thể nói là thất bại. Trung Quốc đã nhận được phản ánh rất mạnh mẽ từ các quốc gia ven biển. Trung Quốc đã mất đi hình ảnh thân thiện và trỗi dậy hòa bình mà họ gầy dựng bấy lâu nay và thế giới đã biết rõ hơn về tham vọng của Trung Quốc”.
‘Lý do chính trị’
Trong khi đó, Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia của Học viện Quốc phòng Úc chuyên theo dõi tình hình Việt Nam, nhận định rằng Trung Quốc ‘có lý do chính trị’ đằng sau việc rút giàn khoan và lý do thời tiết họ đưa ra ‘chỉ là cái cớ’.
“Lý do chính trị là đặc biệt quan trọng”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC.
Ông phân tích rằng Trung Quốc đưa ra quyết định này trong bối cảnh giàn khoan của họ ‘gây tác dụng ngược’ trong khu vực trong lúc Hoa Kỳ ‘tỏ dấu hiệu sẽ khởi động chiến dịch phản công chính trị’, Việt Nam đe dọa dùng biện pháp pháp lý và một số ‘thành phần ở Việt Nam đang kêu gọi phải tìm kiếm liên minh’ trong khi chuyến thăm Mỹ vào tháng Chín của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh vẫn còn treo lơ lửng.
Với việc rút giàn khoan thì Trung Quốc đã hóa giải những thách thức này, theo Giáo sư Thayer.
Theo đó, Trung Quốc muốn gửi thông điệp là ‘chúng tôi không còn khủng hoảng hay đối đầu nữa, căng thẳng đã hạ nhiệt’.
“Trung Quốc muốn lôi kéo Việt Nam vào con đường đàm phán song phương, ngăn chặn những thành phần trong Bộ Chính trị Việt Nam muốn tìm kiếm sự trợ giúp, tránh khả năng Việt Nam có hành động pháp lý, tạo cơ hội và bầu không khí thuận lợi cho Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) sắp diễn ra”, ông phân tích.
Theo Giáo sư Thayer, nếu như Mỹ đến hội nghị ARF lần này với ý muốn gây sức ép để Trung Quốc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế trong hành động của mình thì Trung Quốc sẽ có thể nói rằng: “Đây không phải là chuyện của Mỹ. Vấn đề giờ đây đã được thảo luận song phương với Việt Nam và sự can thiệp của Mỹ chỉ làm mọi chuyện thêm phức tạp”.
‘Từ đối đầu sang chính trị’
“Cả nước Việt Nam với 90 triệu dân chỉ bằng một tỉnh cỡ trung của Trung Quốc”, ông nói, “Việt Nam có rất ít chọn lựa và khả năng xoay sở”.
“Nếu Trung Quốc muốn đặt giàn khoan ở đó vô thời hạn thì Việt Nam cũng không làm gì được”.
“Tuy nhiên, Trung Quốc muốn tránh hậu quả của việc đối đầu không có điểm dừng với việc cân nhắc bối cảnh quốc tế và các cuộc đàm phán cấp cao với Hoa Kỳ”.
“Việc Trung Quốc thả 13 ngư dân Việt Nam là một dấu hiệu nữa cho thấy Trung Quốc giờ đây đang chuyển từ đối đầu sang bàn cờ chính trị”, ông nói thêm.
Về phía các nước Asean, ông Thayer cho rằng họ đều ‘thở phào’ khi thấy căng thẳng hạ nhiệt vì họ ‘không muốn đi theo Mỹ để gây sức ép với Trung Quốc’.
Về việc Trung Quốc vẫn giữ nguyên lập trường trong tranh chấp chủ quyền với Việt Nam trên Biển Đông, ông cho rằng ‘đây là điều rất rõ ràng’.
Tuy nhiên, với việc Trung Quốc muốn khẳng định chủ quyền bằng cách triển khai giàn khoan thì ông Thayer cho rằng ‘họ đã không thành công’ bởi vì gặp phải ‘phản ứng hàng ngày của Việt Nam’.
“Cả hai đều có thể cho rằng mình đã thắng”, ông nói. “Trung Quốc thì nói họ đã hoàn tất việc thăm dò cho mục đích thương mại còn Việt Nam thì nói rằng sự phản đối của họ đã khiến Trung Quốc phải dời giàn khoan”.
BDN