Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNHỮNG ĐỘNG THÁI MẠNH MẼ CỦA MỸ TRƯỚC THỀM HỘI NGHỊ ARF...

NHỮNG ĐỘNG THÁI MẠNH MẼ CỦA MỸ TRƯỚC THỀM HỘI NGHỊ ARF TẠI MYANMAR

BienDong.Net: Trước thềm Hội nghị cấp ngoại trưởng thường niên của Diễn đàn An ninh Khu vực ARF tại Myanmar, Mỹ có nhiều động thái mạnh mẽ trên vấn đề Biển Đông, thể hiện rõ sự can dự ngày càng sâu thêm vào các vấn đề khu vực để triển khai chính sách “tái cân bằng chiến lược ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”.

Ngày 28/7/2014, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel trong bài phát biểu của mình về “Quan hệ Đối tác Mỹ – ASEAN trong tương lai” tại Câu lạc bộ Commonwealth, San Francisco, Mỹ đã đề cập nhiều đến vấn đề Biển Đông.

Ông Daniel Russel nhấn mạnh căng thẳng ở Biển Đông là thách thức an ninh chính của ASEAN. Mỹ không phải là một bên tranh chấp và không có yêu sách chủ quyền, không can thiệp vào yêu sách về chủ quyền đối với các cấu trúc đất ở Biển Đông, không đứng về bên này để chống bên kia. Tuy nhiên, hòa bình ổn định ở Biển Đông đóng vai trò quan trọng với cộng đồng quốc tế và nền kinh tế toàn cầu; việc bảo đảm tự do hàng hải, luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp và thương mại không bị cản trở là vô cùng quan trọng. Ông Daniel Russel cho rằng ASEAN và Trung Quốc đã có DOC và đang hướng tới COC chi tiết hơn, nhưng căng thẳng vẫn bùng lên trong những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2014 này. Căng thẳng không phải thuộc trách nhiệm của một bên yêu sách nào, song các cường quốc phải có trách nhiệm trong việc kiềm chế. Xu hướng hành xử quyết đoán đơn phương của Trung Quốc làm gia tăng quan ngại về yêu sách bành trướng cũng như về thiện chí của họ trong việc tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Căng thẳng gia tăng khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan cùng với các tàu vũ trang trong vùng biển gần Hoàng Sa mà Việt Nam yêu sách dẫn đến nhiều tuần xung đột, gây hỏng tàu, trong đó đâm chìm một tàu cá của Việt Nam, làm hủy hoại quan hệ, gây ra các vụ bạo động chống Trung Quốc ở Việt Nam.

Ông Daniel Russel nhấn mạnh Mỹ quan tâm việc các bên yêu sách nâng cấp, mở rộng các cấu trúc ở Biển Đông, trong đó các dự án của Trung Quốc có quy mô vượt xa hoạt động của các bên yêu sách khác; phê phán việc Trung Quốc gây sức ép, cô lập Philippines về ngoại giao khi Philippines kiện yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế; nhấn mạnh luật pháp quốc tế là cơ sở để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, các bên đều có quyền sử dụng các biện pháp pháp lý giải quyết tranh chấp theo pháp luật.

Ông Daniel Russel khẳng định Mỹ luôn giúp các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình bằng nhiều cách như: trao đổi trực tiếp ở cấp cao, bao gồm cả với Trung Quốc; khuyến khích các bên tránh hành động khiêu khích và làm rõ yêu sách dựa trên luật pháp quốc tế; cùng với ASEAN và cộng đồng quốc tế thúc đẩy xây dựng thể chế và hợp tác khu vực, giúp giảm căng thẳng và xử lý các tranh chấp; nâng cao năng lực cho các đối tác của Mỹ ở khu vực để củng cố sự hiện diện an ninh của Mỹ.

Ông Daniel Russel cho rằng cần làm rõ các hoạt động có thể làm phức tạp và leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong DOC; kêu gọi Trung Quốc và các bên yêu sách đối thoại để thống nhất về danh sách những hoạt động có thể chấp nhận được và những hoạt động không được triển khai, giúp giảm bớt căng thẳng hiện tại và bất đồng trong lâu dài; kêu gọi các bên tự nguyện xác định và “đóng băng” các hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

Tiếp đó, ngày 05/8/2014, trong cuộc họp báo về những mục tiêu của Mỹ tại diễn đàn ARF lần này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel khẳng định an ninh, ổn định và tự do an toàn hàng hải tại khu vực Biển Đông là một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Một trong những hướng mà Mỹ vận động tại diễn đàn ARF lần này là hậu thuẫn cho một quyết định ngưng các công trình xây dựng, cải tạo trên Biển Đông, tránh những hành vi khiêu khích và gây nên tình trạng mất ổn định, cụ thể là các bên cam kết không chiếm giữ những hòn đảo không người, và quan trọng hơn là chấm dứt các hoạt động đào đắp nhằm thay đổi hiện trạng ở các hòn đảo đó. Ông Russel cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đích thân thúc đẩy đề nghị này tại cuộc họp ở Myanmar vào ngày 10/8 tới.

Cũng trong ngày 05/8/2014, trong buổi đến chào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước khi kết thúc nhiệm kỳ về nước, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear nhấn mạnh hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông là lợi ích ích chung của các quốc gia trong khu vực, cũng như Mỹ và các nước trên thế giới. Ông David Shear cho rằng, một trong những nguyên nhân gây mất ổn định ở Biển Đông, đe dọa hòa bình, an ninh ở khu vực là đòi hỏi chủ quyền theo “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc; đồng thời khẳng định quan điểm của Mỹ là ủng hộ việc giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Rõ ràng là âm mưu khống chế, độc chiểm Biển Đông của Trung Quốc và những hành động ngày càng leo thang trên thực địa nhằm hiện thực hóa yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ xâm phạm các quyền và lợi ích trên biển của các nước ven Biển Đông mà còn đe dọa các lợi ích chiến lược của Mỹ ở khu vực. Thái độ ngày càng mạnh mẽ của Mỹ trên vấn đề Biển Đông cho thấy Mỹ đã nhận thức rõ về “nguy cơ” Trung Quốc và Mỹ cần phải hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn ý đồ bành trướng của Trung Quốc.

Điểm đáng chú ý là chiến lược ngoại giao trên vấn đề Biển Đông của Washington lần này đã được hậu thuẫn gần như là tuyệt đối của Quốc hội Mỹ, với Nghị quyết tố cáo Trung Quốc của Thượng viện Mỹ. Một loạt khuyến nghị của Trung tâm nghiên cứu CSIS tại Washington đã được chuyển cho chính quyền Mỹ, trong đó đa phần ý kiến các chuyên gia và học giả đều phê phán Trung Quốc và cho rằng Mỹ cần phải có nhiều hành động thiết thực, cụ thể để ngăn chặn sự bành trướng trên biển của Trung Quốc.

Đáp lại thái độ mạnh mẽ và quyết đoán của Mỹ trên vấn đề Biển Đông trước thềm Hội nghị ARF, Trung Quốc cũng có những phát biểu hết sức cứng rắn. Ngày 04/8/2014, phát biểu với báo giới tại Bắc Kinh, ông Dị Tiên Lương, Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ đề xuất ngừng mọi hoạt động thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và ngang nhiên tuyên bố rằng họ “thích xây gì thì xây” trên các hòn đảo trong khu vực. Ông Dị Tiên Lương còn lên tiếng chỉ trích Mỹ và bác bỏ sự tham gia của Mỹ vào vấn đề Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh chỉ có “người Châu Á mới giải quyết vấn đề của người Châu Á”. Ông Dị Tiên Lương tỏ vẻ thách thức đề xuất của Mỹ khi khẳng định: “Những gì Trung Quốc làm hay không chỉ tùy thuộc vào chính phủ Trung Quốc”.

Với những phát biểu chính thức của cả Mỹ và Trung Quốc nói trên có thể thấy diễn biến của hội nghị Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN tại Myanmar chắc chắn sẽ đầy kịch tính. ARF là một diễn đàn quan trọng nhất về hợp tác an ninh ở Châu Á. Nó tạo ra một cơ chế hoạt động giúp các thành viên có thể thảo luận về các vấn đề an ninh hiện có trong khu vực và tăng cường các biện pháp hợp tác nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực. Biển Đông sẽ là một vấn đề nóng tại ARF lần này.

Xét một cách khách quan thì thái độ của Mỹ là mang tính xây dựng, có lợi cho hòa bình ổn định ở Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung và có lợi cho các nước ven Biển Đông trong cuộc ngăn chặn hành vi xâm lấn mới ở Biển Đông. Những đề xuất của Mỹ liên quan đến Biển Đông chắc chắn sẽ nhận được sự phản hồi tích cực từ các nước. Việt Nam cần ủng hộ những đề xuất này của Mỹ và phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN và Mỹ thúc đẩy việc thông qua thỏa thuận về “đóng băng” các hoạt động các hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Đây chính là biện pháp hữu hiệu nhất ngăn chặn các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới