Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐâu là mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc trên Biển Đông?

Đâu là mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc trên Biển Đông?

BienDong.Net: Vừa qua, mạng tin Christian Science Monitor có trụ sở tại bang Massachusetts, Mỹ có bài phân tích về nguyên nhân Trung Quốc tăng cường hành động gây hấn trên Biển Đông thời gian qua, đồng thời chỉ rõ tham vọng cuối cùng của Trung Quốc. BDN xin giới thiệu bản dịch bài viết này.

Hiện đang là mùa mưa bão trên khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, cơn bão chính trị đang hình thành tại đây còn nguy hiểm hơn cả những cơn bão của thiên nhiên có sức mạnh tàn phá nhà cửa và cây cối. Cơn bão chính trị đang đe dọa an ninh tại khu vực này, vốn là một trong những điểm nóng chiến lược trên toàn thế giới.

Trong vài tháng trở lại đây, Trung Quốc đã tự đặt mình vào thế đối đầu với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á với hàng loạt các hành động khiêu khích nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền tại các đảo đá, bãi cạn và các vùng biển mà các quốc gia khác trong khu vực cũng tuyên bố chủ quyền.

Điều đó khiến một số nước láng giềng trong đó có Việt Nam và Philippines buộc phải công khai lên tiếng phản đối Trung Quốc. Các nước khác như Malaysia, Indonesia, và Brunei thì có thái độ thận trọng hơn.

Sự lo ngại của các nước trong khu vực đã khiến Mỹ phải vào cuộc. Các quan chức ngoại giao và quốc phòng Mỹ đã thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc gây mất ổn định khu vực và “bắt nạt” các nước láng giềng.

Sự hiếu chiến này của Trung Quốc khiến những cam kết mà nước này thường xuyên đề cập như “phát triển hòa bình” hay xây dựng quan hệ “thân thiện, chân thành, cùng có lợi, hướng về đại cục” đã trở thành nhàm chán, không được các nước láng giềng tin cậy. Thêm vào đó là sự thiếu minh bạch của Trung Quốc về các mục tiêu của nước này.

Các mục tiêu của Bắc Kinh cũng không rõ ràng ngay trong nội bộ của nước này, trong đó các nhóm theo hướng “bồ câu” và “diều hâu” đã có sự tranh luận mạnh mẽ về các động thái gần đây của Trung Quốc. Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ gặp rắc rối lớn nếu thái độ của nước này đẩy các nước láng giềng tìm kiếm sự giúp đỡ từ Mỹ.

Thay vì trở thành một siêu cường bao quanh bởi các nước láng giềng nhỏ hơn, Trung Quốc đang tự làm mình biệt lập về mặt chiến lược trong khu vực và đang dần đối đầu trực tiếp với Mỹ.

“Một số nhân vật trong nội bộ Trung Quốc đang phân vân liệu những hành động của Trung Quốc có gây ra phản ứng tiêu cực”, Christopher Johnson, chuyên gia phân tích về Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) phát biểu tại một cuộc hội thảo gần đây bàn về ý đồ của Trung Quốc.

Vị chuyên gia này cũng bình luận thêm rằng “cũng có khả năng chính quyền Trung Quốc biết chính xác những gì họ đang làm bởi họ nghĩ rằng những động thái này mang lại hiệu quả” trong việc ép buộc các nước láng giềng công nhận sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực.

Chiến thuật lát cắt salami

Có thể nhận thấy không có sự mập mờ nào xung quanh việc Trung Quốc đã làm gì trên Biển Đông năm nay.

Ngày 01/1, Trung Quốc áp đặt lệnh yêu cầu tất cả ngư dân đánh bắt cá trong khu vực nước này tuyên bố chủ quyền, chiếm tới 90% diện tích Biển Đông, phải xin phép chính quyền Trung Quốc.

Vào tháng Ba, tàu hải cảnh của Trung Quốc ngăn cản quân đội Philippines cung cấp nhu yếu phẩm cho binh sỹ nước này đóng trên một con tàu cũ tại khu vực Bãi Cỏ Mây trên khu vực quần đảo Trường Sa, nơi mà cả hai nước cùng tuyên bố chủ quyền.

Trong vài tháng qua, Trung Quốc đang xây dựng một hòn đảo nhân tạo tại khu vực đá Gạc Ma (thuộc chủ quyền của Việt Nam – PV), vốn là một khu vực ngập nước, nơi mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền. Công ty tiến hành hoạt động xây dựng này đã công bố hình ảnh mô hình trên máy tính cho thấy Trung Quốc đã có kế hoạch xây một đường băng tại khu vực này.

Vào tháng Năm, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc CNOOC đã đưa một giàn khoan vào khu vực tranh chấp gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Một chiếc tàu của Trung Quốc hộ tống giàn khoan đã đâm chìm một chiếc tàu cá của Việt Nam trong các vụ va chạm.

Tất cả các động thái này đã vi phạm một thỏa thuận giữa Trung Quốc và ASEAN cách đây 12 năm, trong đó hai bên cam kết “kiềm chế các hành vi gây phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng”.

“Trung Quốc đã tranh thủ những cơ hội rất nhỏ để xâm lấn ở những nơi họ có thể… và lấn chiếm tất cả những gì họ có thể”, David Arase, giáo sư chuyên giảng dạy về chính trị quốc tế tại đại học Johns Hopkins cho biết.

Thông qua việc tiến hành từng bước nhỏ để tránh Mỹ hành động ủng hộ các nước đồng minh trong khu vực, Trung Quốc đang tìm cách làm thất vọng các đối thủ tranh chấp chủ quyền và khiến các nước này từ bỏ quyền đấu tranh, giáo sư Arase cho biết.

“Họ đang tiến hành chiến thuật lát cắt salami, lấn dần từng bước một”, Trần Trường Thủy, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam tại một cuộc hội thảo do CSIS tổ chức thời gian gần đây. “Thên thực tế họ muốn biến Biển Đông thành một cái hồ của Trung Quốc”.

Liệu những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc có hợp pháp?

Trung Quốc khăng khăng rằng những hành động của họ là hợp pháp bởi Trung Quốc có chủ quyền “không thể tranh cãi” tại các đảo trên Biển Đông và các vùng biển lân cận trên cơ sở lịch sử, bất kể các hòn đảo này xa đại lục Trung Quốc và gần bờ biển các nước khác như thế nào.

Các chuyên gia về luật quốc tế cho rằng tuyên bố trên của Trung Quốc là không hợp lý. Bản đồ của Trung Quốc có thể hiện cái gọi là “đường chín đoạn” chiếm gần như toàn bộ Biển Đông, có hình một cái lưỡi bò, đi ngang qua khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của một số nước trong khu vực. Tuy nhiên Trung Quốc chưa bao giờ tuyên bố rõ ý nghĩa của đường chín đoạn này.

Thậm chí ngay cả ở Trung Quốc cũng có nhiều ý kiến trái ngược nhau về vấn đề này, Xue Li, trưởng bộ phận chiến lược quốc tế thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết. Giới quân sự Trung Quốc cho rằng đường chín đoạn thể hiện ranh giới chủ quyền của Trung Quốc; một số khác cho rằng đường này thể hiện các vùng biển lịch sử của Trung Quốc; một số học giả cho rằng đó là giới hạn của khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Philippines đang thách thức tính hợp pháp của “đường chín đoạn” trong một vụ kiện nước này đưa ra Tòa án quốc tế về luật biển. Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện, trong đó một số chuyên gia về luật cho rằng Trung Quốc có thể giành thắng lợi.

Tuy nhiên, Trung Quốc muốn khẳng định chủ quyền bằng cách thay đổi hiện trạng trên thực địa. Tinh thần chủ nghĩa dân tộc đang lên cao ở Trung Quốc: Chủ tịch Tập Cận Bình đã thể hiện ông ta là một nhà lãnh đạo sẵn sàng nhận rủi ro hơn người tiền nhiệm, và sự hiếu chiến trên Biển Đông có thể là một cách để “khôi phục lại tinh thần dân tộc” mà ông ta đã cam kết.

Tập Cận Bình không muốn bị coi là “gà”

Quan điểm ở trong nước là một yếu tố quan trọng đối với Tập Cận Bình”, Zhu Feng, lãnh đạo của Trung tâm Nghiên cứu tổng hợp về Biển Đông có trụ sở ở Đại học Nam Kinh, cho biết. “Ông ấy không muốn bị coi là ‘gà’”.

Một nhà nghiên cứu khác là Johnson thuộc CSIS cho biết, Tập Cận Bình cho rằng ông ta có thể sử dụng chính sách này bởi vì “rút cuộc thì các nước ASEAN sẽ đứng ngoài cuộc bởi lợi ích và sự phụ thuộc của họ vào nền kinh tế Trung Quốc”.

Nhưng cái giá mà Trung Quốc phải trả cho việc hành xử như một kẻ bắt nạt kiêu ngạo cũng không phải là nhỏ. Vụ xung đột gần đây giữa Trung Quốc và Việt Nam về vấn đề giàn khoan đã “hoàn toàn đảo ngược mối quan hệ với Việt Nam”, giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Đại học New South Wales, Australia khẳng định.

Thủ tướng Việt Nam đã đe dọa sẽ theo Phillippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế và “ý tưởng tách ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc đã lan rộng trong quan điểm người dân Việt Nam”.

Trung Quốc rút giàn khoan một tháng trước dự kiến, có lẽ là để làm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng, nhưng sự kiện này đã thu hút quá nhiều sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế và làm tăng thêm sự lo ngại của các quốc gia trong khu vực.

Theo kết quả của một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ tiến hành, đa số người dân tại 8 trên tổng số 10 nước láng giềng của Trung Quốc lo ngại rằng tham vọng về lãnh thổ của Trung Quốc có thể dẫn đến xung đột quân sự.

Các nhà phân tích của Trung Quốc thì vẫn khăng khăng rằng mục tiêu truyền thống của Bắc Kinh là duy trì môi trường quốc tế hòa bình để phát triển kinh tế vẫn không thay đổi về bản chất, cũng như là chính sách gác tranh chấp cùng khai thác vẫn không có sự thay đổi.

Theo Lou Chunhao, một nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại, trực thuộc Bộ An Ninh Quốc gia Trung Quốc, thách thức đối với Trung Quốc hiện nay là “làm thế nào để cân bằng giữa bảo vệ quyền chủ quyển ở Biển Đông và duy trì môi trường hòa bình”.

Đối thủ của Trung Quốc muốn an ninh tập thể

Các đối thủ tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc trong ASEAN không muốn giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán song phương với Trung Quốc; các quốc gia này chỉ cảm thấy an toàn khi làm việc cùng nhau. Đến nay, cũng chưa có quốc gia nào bày tỏ sự ủng hộ đối với lời kêu gọi của Tập Cận Bình về việc xây dựng hệ thống an ninh khu vực trong đó Trung Quốc là trung tâm nhằm thay thế hệ thống an ninh do Mỹ thống trị tại khu vực đã tồn tại 70 năm qua.

“Các vấn đề của Châu Á thì cần để cho người Châu Á tự giải quyết”, Tập Cận Bình đã phát biểu tại một hội nghị quốc tế tổ chức tại Thượng Hải vào tháng Năm vừa qua.

Theo Rory Medcalf, lãnh đạo chương trình nghiên cứu an ninh quốc tế thuộc Viện nghiên cứu Lowy, Australia, các mục tiêu dài hạn quan trong nhất của Trung Quốc tại các vùng biển nước này tuyên bố chủ quyền là “đảm bảo tất cả những gì diễn ra trên Biển Đông đều phải có sự cho phép của Trung Quốc” và “đảm bảo mức độ tự do tối đa của hải quân Trung Quốc qua đó thống trị về quân sự trên các vùng biển này”.

Nhiều chuyên gia tham mưu chính sách cho chính quyền Trung Quốc hiện có tiếng nói ngày càng lớn cho rằng, những mục tiêu trên có thể đạt được một cách dễ dàng hơn nếu các nước láng giềng tin tưởng nước này nhiều hơn. Nhóm này còn hối thúc chính quyền Trung Quốc “tái khởi động” lại quan hệ với các nước láng giềng.

“Hải quân Trung Quốc đã có thừa khả năng đánh bại hải quân của tất cả các nước ASEAN. Vấn đề là ở chỗ có đáng để làm như thế không”, ông Xue tranh luận. “Chúng ta đúng là đang tham bát bỏ mâm”, ông Xue tuyên bố với hàm ý cho rằng Trung Quốc sẽ có nhiều lợi ích về kinh tế hơn nếu xây dựng được mối quan hệ gắn kết hơn với các nước Châu Á.

“Biển Đông có thể trở thành một chiến trường thực sự, và điều đó rất bất lợi cho tương lai của Trung Quốc” giáo sư Zhu cho biết thêm. “Chúng ta cần tìm cách để giải quyết vấn đề từng bước một”.

Ông Xue cho biết, với vị trí địa lý và sức mạnh kinh tế, chính trị hiện có, “Trung Quốc là một cường quốc tại khu vực Biển Đông”. “Và cũng bởi vậy, Trung Quốc cần phải có sự thỏa hiệp với các nước láng giềng”.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới