Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHỘI THẢO VỂ BIỂN ĐÔNG TẠI MỸ

HỘI THẢO VỂ BIỂN ĐÔNG TẠI MỸ

BienDong.Net: Trong 2 ngày 10 và 11/7/2014, tại Washington DC đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Các xu thế gần đây tại Biển Đông và chính sách của Mỹ” do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế Mỹ (CSIS).

Hội thảo diễn ra giữa lúc tình hình Biển Đông hết sức căng thẳng do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam và Mỹ tỏ thái độ phê phán mạnh mẽ hành động hiếu chiến này của Trung Quốc.

 

Hội thảo tập trung vào 6 nội dung chính là: (i) Đánh giá diễn biến gần đây ở Biển Đông; (ii) Vai trò của các lực lượng trên biển ở Biển Đông; (iii) Các khía cạnh pháp lý quốc tế; (iv) Kịch bản phản ứng của Mỹ đối với khủng hoảng ở Biển Đông; (v) Chính sách của Mỹ trong vấn đề Biển Đông; (vi) Kiến nghị chính sách nhằm xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác ở Biển Đông.

Các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng diễn biến căng thẳng ở Biển Đông thời gian qua là do các hành động đơn phương của Trung Quốc, đồng thời lên tiếng mạnh mẽ phê phán những hành động hiếu chiến của Trung Quốc.

Trong phát biểu mở đầu cuộc Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers đã chỉ trích mạnh mẽ “những hành động gây hấn và trơ tráo” của Trung Quốc. Ông Rogers nhấn mạnh Trung Quốc đang thực hiện chiến thuật “gặm nhấm” dần từng bước, dẫn đến “cái chết với nhiều nhát cắt” và hiện nay đã đạt đến mức hết sức nguy hiểm; hành động của Trung Quốc là nhằm thay đổi thực trạng trên Biển Đông, “từ bãi này sang bãi khác, từ đảo này sang đảo khác”, trong đó liệt kê hành động “hạ đặt giàn khoan kích cỡ như sân bóng tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa trong vùng nước của Việt Nam” và lấn biển xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa.

Ông Yoji Koda, Cựu Phó Đô đốc Hải quân Nhật nhận định sau khi mở rộng và xây dựng sân bay ở Gạc Ma, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiến hành tương tự tại bãi cạn Scarborough, từ đó hoàn thành hệ thống “các tàu sân bay không thể chìm” án ngữ ở cả ba cực Tây, Nam và Đông của Biển Đông (Hiện Trung Quốc đã xây căn cứ quân sự và đường băng tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa). Hệ thống này giúp Trung Quốc chiếm ưu thế về quân sự so với Mỹ, Nhật, có thể phong tỏa tự do hàng hải và thiết lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ tương lai trên Biển Đông.

Về các hành động của Trung Quốc gần đây trên Biển Đông và biển Hoa Đông, ông Christopher Johnson, cựu chuyên gia cao cấp của CIA, chuyên gia về Trung Quốc của CSIS cho rằng đây là một chiến lược được tính toán kỹ lưỡng nhằm thực hiện tham vọng đưa Trung Quốc trở thành cường quốc biển. Ông Christopher Johnson nhận định lãnh đạo mới của Trung Quốc – ông Tập Cận Bình là người có cái nhìn về vai trò của Trung Quốc trên trường quốc tế khác với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, muốn “chấn hưng Trung Hoa”, xây dựng “cường quốc biển” để tranh giành vị trí siêu cường của Mỹ. Ông Tập là người trực tiếp đưa ra các quyết định và sẵn sàng chấp nhận rủi ro cả về mặt đối nội và đối ngoại nên rất khó dự đoán được tương lai sắp tới. Tập Cận Bình muốn duy trì một mức độ căng thẳng nhất định trong khu vực và trong nội địa để đảm bảo cho những thành công mà ông nhắm tới. Với ban lãnh đạo ở Bắc Kinh do Tập Cận Bình đứng đầu, chủ nghĩa dân tộc tăng cao, cộng với sự vận động của các nhóm lợi ích chính là nguyên nhân thúc đẩy Trung Quốc hành xử cứng rắn và thô bạo trong quan hệ với các nước láng giềng ven biển của Trung Quốc thời gian qua.

Tiến sĩ Philip Sounders thuộc Viện Chiến lược, Học viện Quốc phòng Mỹ cho rằng Trung Quốc theo đuổi đồng thời 2 mục tiêu chiến lược: duy trì hòa bình, ổn định và bảo vệ chủ quyền, lợi ích biển. Chính sách của Trung Quốc gồm nhiều thành tố nhằm đảm bảo “căng thẳng có thể kiểm soát”: một là, dùng chủ yếu lực lượng chấp pháp, hạn chế dùng lực lượng quân sự nhằm “giảm giá phải trả về chính trị” và hạn chế leo thang thành xung đột quân sự; hai là, răn đe các nước khác về hậu quả trong quan hệ, kinh tế, an ninh nhằm buộc các nước phải nhân nhượng và phục tùng Trung Quốc; ba là, Trung Quốc tập trung cải thiện quan hệ với Mỹ nhằm hạn chế sự ủng hộ của Mỹ đối với các nước có tranh chấp biển với Trung Quốc; bốn là, thực hiện phương châm đàm phán song phương riêng rẽ với từng nước có tranh chấp để gây sức ép với từng nước, không để các nước thống nhất trong “mặt trận” đối phó với Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng thời gian càng về sau thì càng có lợi cho Trung Quốc do cán cân khu vực sẽ ngày càng nghiêng về Trung Quốc; Trung Quốc không cần nhân nhượng bây giờ mà dần dần các nước khác sẽ phải nhân nhượng Trung Quốc và chấp nhận vai trò chi phối của Trung Quốc.

Các ý kiến tại Hội thảo cho rằng với việc Trung Quốc ngày càng hành động cứng rắn và thô bạo ở Biển Đông thì các nước bị liên quan trực tiếp bởi yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý sẽ có sự đồng thuận cao hơn trên vấn đề Biển Đông; nếu các nước này phối hợp tốt có thể chi phối “lập trường chung” của ASEAN trên vấn đề Biển Đông tạo sức ép lớn đối với Trung Quốc.

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia cao cấp của CSIS cho rằng sau phát biểu về Biển Đông của Ngoại trưởng Mỹ Clinton tại Hà Nội tháng 7/2010, Mỹ ngày càng can dự nhiều hơn vào Biển Đông. Đặc biệt, gần đây Trung Quốc liên tiếp có các hành động hung hăng như việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông; gây căng thẳng với Philippines tại bãi Cỏ Mây; hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam; lấn biển, mở rộng bãi Gạc Ma ở Trường Sa nhằm xây dựng đường băng máy bay. Điều này đang thách thức nỗ lực của Mỹ nhằm duy trì nguyên trạng ở Biển Đông. Trước những thách thức này, Mỹ buộc phải điều chỉnh chiến lược để buộc Trung Quốc “bớt hung hăng” với các nước láng giềng ven biển, thúc đẩy Trung Quốc thay đổi chính sách, qua đó giảm căng thẳng ở khu vực. Chiến lược của Mỹ đa chiều và được triển khai theo 9 hướng: (i) công khai phê phán trực diện các hành vi của Trung Quốc làm mất ổn định khu vực; (ii) chủ động vận động cho sự ủng hộ việc sử dụng cơ chế tài phán quốc tế để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông; (iii) tăng cường tần suất và sự hiện diện của Hải quân Mỹ ở khu vực; (iv) tăng cường năng lực cho các đồng minh và đối tác; (v) khuyến khích các nước ASEAN, nhất là các nước liên quan trực tiếp tranh chấp ở Biển Đông, phối hợp với nhau; (vi) ủng hộ các cơ chế đa phương nhằm giảm nguy cơ, quản lý tranh chấp và thúc đẩy hợp tác; (vii) chủ động đề xuất các sáng kiến nhằm giảm căng thẳng; (viii) củng cố các cơ chế an ninh và kinh tế ở khu vực; (ix) củng cố ASEAN và quan hệ Mỹ – ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế khu vực. Mỹ nói rõ quan điểm của Mỹ trực tiếp với các cấp của Trung Quốc trong các cuộc tiếp xúc song phương Mỹ – Trung và tại các diễn đàn khu vực. Chính sách này của Mỹ nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nước khu vực.

Tại cuộc Hội thảo, Tiến sĩ Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ đưa ra một số đề xuất nhằm góp phần làm thay đổi các hành xử gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông: Mỹ cần duy trì sự hiện diện ở khu vực qua các hoạt động tập trận chung; cho phép tàu chiến Mỹ ghé thăm các cảng trong khu vực nhiều hơn; giúp đỡ các nước trong khu vực tăng cường năng lực tự bảo vệ, nhất là các lực lượng chấp pháp; hỗ trợ các hợp tác của khối ASEAN; chia sẻ thông tin tình báo. Ông Patrick Cronin còn đề nghị Mỹ xem xét bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, coi đây như một động thái để cảnh báo Trung Quốc.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Michael Fuchs cho rằng việc Mỹ can dự vào tranh chấp Biển Đông khiến các nước tuân thủ luật pháp quốc tế cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ quyền lợi của Mỹ tại khu vực này. Ông Michael Fuchs kêu gọi các bên ngưng ngay lập tức các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình ở Biển Đông, không có thêm bất cứ hành động nào làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Ông nhấn mạnh đây là bước đi cần thiết đầu tiên để giảm căng thẳng, tránh xung đột.

Hội thảo của CSIS tổ chức đã thu hút sự tham gia của đông đảo chính giới và học giả Mỹ (Hội đồng An ninh quốc gia, Bộ Ngoại giao, Bộ quốc phòng, Bộ Năng lượng, Quốc hội Mỹ) và hàng trăm học giả, chuyên gia nghiên cứu và luật gia đến từ các nước Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc và Châu Á. Qua Hội thảo có thể thấy cộng đồng quốc tế đang hết sức lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Các học giả của Trung Quốc đã trở nên lạc ng và cô độc tại Hội thảo.

BDN

 

RELATED ARTICLES

Tin mới