Thursday, April 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỸ KHÔNG “XUỐNG THANG” TRÊN VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

MỸ KHÔNG “XUỐNG THANG” TRÊN VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Có ý kiến cho rằng sau khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981, Mỹ không còn thái độ mạnh mẽ trên vấn đề Biển Đông nữa. Nhưng hoàn toàn không phải vậy mà Mỹ vẫn tiếp tục giữ “nhịp độ” trong phản ứng trên vấn đề Biển Đông, tỏ thái độ kiên quyết với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông qua cả lời nói và lẫn hành động cụ thể.

Ngày 16/7/2014, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ hoan nghênh việc Trung Quốc rút giàn khoan, đồng thời tiếp tục yêu cầu “các bên tranh chấp làm rõ yêu sách của mình dựa trên luật pháp quốc tế”.

Ngày 24/7/2014, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục phát biểu về Biển Đông và cho rằng căng thẳng có giảm đi “chút ít” nhưng “trên thực tế, Trung Quốc đang ngày càng có nhiều bước đi gây căng thẳng, gây bất ổn và tìm cách thay đổi nguyên trạng”.

Đáng chú ý là chỉ trong vòng 1 tuần cuối tháng 7 và đầu tháng 8, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel liên tiếp có các phát biểu về vấn đề Biển Đông. Ngày 27/7/2014, ông Daniel Russel nhận định “còn quá sớm để nói rằng việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 là thay đổi chính sách”; ngày 28/7/2014, ông Daniel Russel cho rằng việc Trung Quốc nhấn mạnh căng thẳng ở Biển Đông là thách thức an ninh chính của ASEAN, đồng thời chỉ trích Trung Quốc không thể hiện trách nhiệm nước lớn, hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 với các tàu vũ trang, phá hỏng tàu, đâm chìm tàu cá Việt Nam, nâng cấp các cấu trúc ở Biển Đông vượt xa tất cả các các nước yêu sách khác, gây sức ép và cô lập ngoại giao với Philippines; ngày 04/8/2014, ông Daniel Russel cho rằng việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 tuy “loại bỏ một phiền toái” nhưng khiến các nước láng giềng đặt câu hỏi về chiến lược lâu dài của Trung Quốc.

Trước việc Trung Quốc tiến hành liên tiếp các cuộc tập trận, ngày 29/7/2014, Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ Locklear khẳng định “luôn theo dõi” các cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có các cuộc tập trận ở Vịnh Bắc Bộ.

Tại Diễn đàn An ninh khu vực ARF ngày 10/8/2014, Ngoại trưởng John Kerry đưa ra đề xuất kêu gọi các bên “đóng băng” mọi hành động gây căng thẳng ám chỉ các hành động lấn biển mở rộng các bãi Trung Quốc đang chiếm đóng ở Trường Sa. Ông Kerry nói Mỹ chia sẻ trách nhiệm chung với khối ASEAN để đảm bảo an ninh hàng hải của đường biển và cảng có tầm quan trọng toàn cầu này, đồng thời nhấn mạnh “Những gì xảy ra ở đây không chỉ là vấn đề của khu vực và Mỹ, mà còn là vấn đề với tất cả mọi người trên thế giới, thấy một Đông Nam Á tiếp tục phát triển dựa trên quy tắc, dựa trên luật pháp quốc tế”. Trong phát biểu của mình tại ARF, Ngoại trưởng Mỹ lần đầu tiên nhấn mạnh quần đảo Hoàng Sa là có tranh chấp. Đây là một động thái mới của Mỹ để bác bỏ quan điểm của Trung Quốc cho rằng “Hoàng Sa là của Trung Quốc, không có tranh chấp”.

Tiếp đó, Thông cáo chung Mỹ – Úc sau cuộc Đối thoại thường niên 2+2 cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng ngày 12/8/2014 đã nêu rất mạnh về vấn đề Biển Đông, khẳng định sự ủng hộ đối với đề xuất “đóng băng” các hoạt động có thể gây căng thẳng ở Biển Đông mà Mỹ đã đề xuất tại Diễn đàn ARF tại Myanmar.

Mặt khác, trong Thông cáo chung Mỹ và Úc khẳng định cam kết xây dựng quan hệ tích cực mang tính xây dựng với Trung Quốc thông qua việc tiến hành đối thoại về các vấn đề an ninh chiến lược cũng như mở rộng hợp tác thực tiễn nhằm ủng hộ lợi ích chung của Mỹ và Úc đối với việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Phát biểu với báo chí bên lề cuộc đối thoại, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Bishop cho biết thỏa thuận mới ký giữa Úc và Mỹ về việc cho phép Mỹ triển khai 2.500 quân đến Úc không nhằm kiềm chế Trung Quốc; Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Mỹ và Úc hoan nghênh Trung Quốc trỗi dậy trở thành cường quốc kinh tế, Mỹ không tìm kiếm đối đầu với Trung Quốc và hy vọng Trung Quốc trở thành đối tác của Mỹ.

Nội dung rất đậm đà và mạnh mẽ liên quan đến Biển Đông trong Thông cáo chung Mỹ – Úc thể hiện rõ sự quan tâm lớn của hai nước này đối với tình hình Biển Đông cũng như mối lo ngại của hai nước này trước các hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua.

Trong các chuyến thăm Việt Nam và Philippines nửa đầu tháng 8/2014, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse và Thượng nghị sĩ Robert Corker đã trao đổi nhiều với các nhà lãnh đạo của 2 nước này về vấn đề Biển Đông; khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực và bày tỏ quan ngại trước những hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 13 đến 16/8/2014, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey nhấn mạnh Việt Nam là một thành tố quan trọng trong việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề ở Biển Đông; Việt Nam có thể có ảnh hưởng đối với Biển Đông hơn bất kỳ một nước nào khác. Đồng thời, Mỹ phát đi tín hiệu về việc Mỹ bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Đây là một lời cảnh báo cho Trung Quốc về hợp tác quân sự Việt Mỹ.

Trên thực địa, Mỹ tăng cường sự hiện diện ở khu vực; triển khai tập trận với Singapore trong khuôn khổ cuộc tập trận CARAT (từ 29/7 đến 08/8/2014). Tàu chiến Mỹ tăng cường ghé thăm các cảng của các nước ven Biển Đông. Mỹ còn tăng thêm lực lượng trên thực địa ở khu vực bằng việc điều thêm tàu sân bay đến hoạt động ở khu vực. Thông cáo đăng trên website hải quân Mỹ cho biết Mỹ đã quyết định triển khai đội tác chiến do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu đến Châu Á – Thái Bình Dương nhằm “thực hiện các chiến dịch nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh và đảm bảo tự do hàng hải”. Như vậy, Mỹ có 2 tàu sân bay hoạt động ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương bởi trước đó Mỹ đã có tàu sân bay USS George Washington hoạt động thường xuyên trong khu vực này.

Những động thái trên cho thấy chính quyền Mỹ vẫn lo ngại về tình hình Biển Đông và hoàn toàn không “xuống thang” với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Các nhà nghiên cứu quốc tế đều cho rằng những hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông thời gian qua chính là nguyên nhân khiến Mỹ phải có thái độ kiên quyết, mạnh mẽ hơn trên vấn đề Biển Đông và gia tăng sự hiện diện ở khu vực.

Với việc Trung Quốc tiếp tục thi hành chính sách cứng rắn với các nước ven biển, đẩy mạnh các hoạt động gây hấn trên thực địa để khống chế, kiểm soát “đường lưỡi bò” và độc chiếm Biển Đông thì chính sách tăng cường can dự và hiện diện ở Biển Đông của Mỹ sẽ không thay đổi. Mỹ sẽ phải hành động kiên quyết hơn để ngăn chặn sự bành trướng trên biển của Trung Quốc, bảo vệ lợi ích của Mỹ ở Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung. Đây là nhân tố có lợi cho hòa bình ổn định khu vực và có lợi cho các nước ven Biển Đông trong cuộc đối đầu với sự xâm lấn của Trung Quốc. Các nước ven Biển Đông cần tranh thủ nhân tố này để bảo vệ các lợi ích của mình trước sự bành trướng trên biển của các nhà cầm quyền có tư tưởng dân tộc Đại Hán ở Bắc Kinh.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới