Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNgười dân Indonesia mong muốn chính quyền tăng cường bảo vệ chủ...

Người dân Indonesia mong muốn chính quyền tăng cường bảo vệ chủ quyền quần đảo Natuna trên Biển Đông

BienDong.Net: “Chính quyền Indonesia biết là họ không có lựa chọn nào tốt. Họ không thể đánh lại Trung Quốc, nhưng nếu họ không thúc đẩy tuyên bố chủ quyền thì Indonesia sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ”. Đây là ý kiến của người dân Indonesia đối với chính quyền nước này. BDN xin giới thiệu bài phân tích về vấn đề này do Japan Times thực hiện.

“Thành phố ngủ quên” có thể là từ phù hợp nhất để mô tả về Ranai, thành phố lớn nhất của Indonesia tại quần đảo Natuna có dân cư thưa thớt.

Thành phố này có rất ít xe hơi và chỉ có hai ngã tư có đèn giao thông. Những ngọn núi mây phủ hiện lên ở phía xa xa, đằng sau ngọn núi lửa đã tắt. Bên cạnh đó là những bãi biển hoang sơ đợi chờ du khách tới thăm.

 

Quần đảo Natuna

Từ Raina có thể dễ dàng nhìn thấy Natuna – một quần đảo gồm 157 hòn đảo nhỏ, phần lớn không có người ở, nằm ở phía tây bắc ngoài khơi của đảo Borneo – như một điểm nóng tương lai trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên khu vực Biển Đông, một trong những tuyến đường biển tấp nập nhất thế giới.

Nhưng đó lại chính là những gì mà người dân nơi đây lo lắng.

Người dân ở đây biết rằng Natuna mang lại cho họ nhiều lợi ích. Các vùng biển có trữ lượng cá lớn ở đây thường xuyên bị đánh bắt trộm bởi các tàu đánh cá nước ngoài. Nằm ngay trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý là mỏ dầu Đông Natuna, một trong những mỏ dầu có trữ lượng lớn đến nay vẫn chưa được khai thác.

Bất cứ tranh cãi nào liên quan đến chủ quyền tại Natuna cũng sẽ làm mất cân bằng chiến lược mong manh ở nơi đây, làm mất vai trò của Indonesia với tư cách là trung gian trong cuộc tranh chấp lãnh thổ dai dẳng giữa các nước láng giềng Đông Nam Á và người khổng lồ Trung Quốc.

Ngoại trưởng Indonesia khẳng định rằng nước này không có vấn đề gì với Trung Quốc liên quan đến chủ quyền tại quần đảo Natuna, song giới quân sự Indonesia trong những tháng gần đây đã có giọng điệu cứng rắn hơn.

Vào tháng Tư, tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia Moeldoko đã chỉ trích Trung Quốc về việc nước này đưa Natuna vào bên trong cái gọi là “đường chín đoạn”, một ranh giới mập mờ được vẽ trên các bản đồ của Trung Quốc nhằm tuyên bố chủ quyền 90% diện tích Biển Đông.

Khi tình trạng căng thẳng trên biển gia tăng giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam, Moeldoko sau đó đã cam kết sẽ tăng cường lực lượng tới Natuna “nhằm giải quyết bất cứ sự bất ổn nào trên khu vực Biển Đông, đồng thời đóng vài trò là tiền tiêu cảnh báo cho Indonesia”.

Không quân Indonesia cũng có kế hoạch nâng cấp căn cứ tại Ranai để tăng cường khả năng cho các máy bay tiêm kích và máy bay phản lực chiến đấu.

Về mặt chính thức, Trung Quốc và Indonesia không có tranh chấp chủ quyền tại các đảo này: hai nước đồng ý nơi đây là một phần của tỉnh Riau thuộc Indonesia. Trong khi đó, Indonesia cũng không chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông như năm nước khác là Malaysia, Philippines, Việt Nam, Đài Loan và Brunei.

Điều đó đã tạo điều kiện cho Indonesia đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc tranh chấp ngày càng quyết liệt này.

Tuy nhiên, vấn đề ở Natuna đã phản ánh “sự lo ngại ngày càng gia tăng trong nội bộ Indonesia liên quan tới hành động của Trung Quốc trong phạm vi đường chín đoạn”, Ian Storey, một chuyên gia an ninh tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) có trụ sở tại Singapore cho biết.

Sự căng thẳng trên biển với Trung Quốc gia tăng đã khiến nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á tìm kiếm mối quan hệ chiến lược gần gũi hơn với Mỹ.

Từ năm 2010, Indonesia đã tìm cách làm rõ cơ sở pháp lý của đường chín đoạn thông qua Liên Hợp Quốc song đến nay vẫn chưa có kết quả. Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa hồi tháng Tư cho biết chính quyền nước này đã “suy luận” rằng đường chín đoạn không đi qua lãnh thổ Indonesia.

Tuy nhiên lời giải thích này vẫn chưa thuyết phục được người dân địa phương.

“Chúng tôi lo ngại rằng người Trung Quốc sẽ chiếm khu vực này”, Ilyas Sabli, trưởng quận Natuna cho biết. “Đó là lý do tại sao mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là phải bảo vệ vùng đất này”.

Có khoảng 80.000 người sống trên 27 hòn đảo thuộc quần đảo Natuna, phần lớn tại Ranai và một số nơi khác trên hòn đảo chính Natuna Besar.

Căn cứ không quân Ranai được xây dựng sau khi Indonesia giành độc lập vào năm 1949 và thành phố được hình thành xung quanh căn cứ này. Ngày nay, một cảng hàng không dân sự đang được xây dựng với hi vọng thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch.

Vẫn chưa có dấu hiệu về việc Indonesia tăng cường lực lượng quân sự tại đây. Hai chiếc tàu hải quân Indonesia vẫn nằm trơ tại một bến cảng gần đó.

Kế hoạch nâng cấp căn cứ không quân “không phải vấn đề mới” song đây là một phần của chiến lược dài hạn nhằm nâng cấp các cơ sở của lực lượng không quân, trung tá Adri Gandhy, lãnh đạo lực lượng quân đội Indonesia tại đây cho biết.

Kế hoạch này bao gồm việc kéo dài đường băng Ranai để có thể tiếp nhận các máy bay lớn hơn. Dự án này sẽ bắt đầu vào năm 2015 hoặc 2016 tùy thuộc vào nguồn ngân sách.

Bất cứ kế hoạch tăng cường tiềm lực quân sự nào cũng gặp cản trở bởi ngân sách hạn hẹp và sự lo ngại về Trung Quốc, Yohanes Sulaiman, một nhà phân tích an ninh thuốc Đại học Quốc phòng Indonesia cho biết.

Quân đội Indonesia rất muốn bảo vệ các hòn đảo này, nhưng bằng cái gì? “Làm sao họ có thể đánh lại Trung Quốc?”, ông cho biết thêm.

Nước láng giềng Malaysia có một kế hoạch thuyết phục hơn về việc tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông.

Hồi tháng Mười, Malaysia công bố kế hoạch xây một căn cứ hải quân tại Bintulu thuộc bang Sarawak, thành phố lớn nhất gần James Shoal – một bãi đá ngầm cách đảo Sarawak 80 km hiện đang thuộc diện tranh chấp giữa Malaysia, Trung Quốc và Đài Loan. Tàu chiến Trung Quốc đã tập trận gần khu vực này cả năm ngoái và năm nay.

Căn cứ này sẽ là nơi đóng quân của một đơn vị lính thủy đánh bộ của Malaysia được xây dựng trên mô hình của quân đội Mỹ và do các đối tác Mỹ đào tạo. Mặc dù không đề cập đến Trung Quốc song Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia tuyên bố mục đích của việc thành lập đơn vị này là để bảo vệ các mỏ dầu của Malaysia.

Trung Quốc chưa bao giờ phản đối Indonesia thăm dò dầu khí tại các vùng biển quanh khu vực Natuna, Storey cho biết. Công ty dầu lửa của nhà nước Indonesia là Pertamina đang cùng hợp tác khai thác với các tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ, Total của Pháp và PTT của Thái Lan tại khu vực mỏ dầu Đông Natuna.

Cũng giống như Việt Nam và Philippines, các ngư dân Indonesia là những người cảm thấy sự tăng cường hiện diện của Trung Quốc trên Biển Đông rõ ràng nhất.

Trữ lượng cá tại Natuna giảm mạnh với sự xuất hiện của các tàu đánh cá từ Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan, Rusli Suhardi, 40 tuổi, lãnh đạo hợp tác xã nghề cá tại địa phương cho biết.

“Trước năm 2010, chúng tôi có thể đánh bắt được trên một tạ cá mỗi ngày”. “Nay chúng tôi cần ba ngày để khai thác được lượng cá như vậy”, ông cho biết.

Việc không có tàu cá nào của Trung Quốc bị bắt tại đây là một dấu hiệu cho thấy sức mạnh trên biển của Trung Quốc.

Vào tháng 3/2013, các tàu vũ trang của Trung Quốc đã đối đầu với một tàu tuần tra của Indonesia và ra yêu cầu đòi thả các ngư dân Trung Quốc bị bắt tại vùng biển Natuna. Vì sự an toàn của bản thân, vị thuyền trưởng trên tàu của Indonesia đã phải chấp hành yêu sách này.

Tương tự như vậy, trong năm 2010, một tàu hải giám Trung Quốc đã chặn một tàu tuần tra Indonesia với yêu cầu đòi thả một tàu đánh cá bất hợp pháp khác của Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Storey thuộc ISEAS cho rằng Indonesia đã coi nhẹ những sự kiện này, không muốn những sự kiện này làm ảnh hưởng tới mối quan hệ với Trung Quốc.

Những mối quan hệ này có tính chất lịch sử. Trước khi căn cứ không quân Ranai được xây dựng, có một cộng đồng người Hoa sống tại làng Penagi ở khu vực này. Một trong những người dân nhiều tuổi nhất là ông Oim Po Eng, 78 tuổi, là công nhân nghỉ hưu, cho biết làng Penagi được xây dựng bởi ông nội ông và những người khác chạy trốn sự hỗn loạn và nghèo đói ở Trung Quốc.

Chúng tôi định cư tại đây và xây dựng khu vực này. Hòn đảo này cũng có thổ dân sinh sống nhưng “họ sống trong các bụi cây”, ông Lim cho biết.

Vào mỗi buổi sáng, lá cờ Indonesia được kéo trên cầu tàu ở Penagi. Nhiều người dân nơi đây cho biết chính quyền Indonesia ít quan tâm tới số phận của Natuna, nơi nằm gần hơn thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia so với Jakarta.

Nhưng sự lạnh nhạt này một phần do chính quyền Indonesia muốn giữ nguyên hiện trạng, nhà phân tích an ninh Sulaiman cho biết.

“Chính quyền Indonesia biết là họ không có lựa chọn nào tốt”, ông cho biết thêm. “Họ không thể đánh lại Trung Quốc, nhưng nếu họ không thúc đẩy tuyên bố chủ quyền thì Indonesia sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ”.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới