Monday, September 9, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnHiếu khách và rắn chắc như lính đảo An Bang, Trường Sa

Hiếu khách và rắn chắc như lính đảo An Bang, Trường Sa

BienDong.Net: “Khi còn cách đảo An Bang khoảng 2 hải lý, chúng tôi được lệnh xuống xuồng chuyển tải để tiến vào đảo. Lúc này, những con sóng dữ cứ xô nhau đập vào thân xuồng, đợt này chưa qua đợt khác đã tới.”

Đó là cảm nhận của tác giả Đặng Tùng trong chuyến thăm đảo An Ban, quần đảo Trường Sa.


Ở đây thời tiết quanh năm khô nóng, cấu tạo địa hình hiểm trở gây khó khăn cho việc ra vào đảo, vì vậy trong năm rất nhiều đoàn công tác muốn vào thăm cán bộ, chiến sĩ nhưng chỉ đành bó tay trước sóng gió An Bang. Vượt qua những khó khăn, cán bộ, chiến sĩ vẫn kiên cường bám trụ, xây dựng An Bang trở thành một hòn đảo “xanh, sạch, đẹp”, một lần đến thăm chẳng muốn về.

 

Cán bộ chiến sĩ đảo An Bang đón khách thăm đảo trong điều kiện sóng lớn. Ảnh: Đặng Tùng

Con tàu HQ 561, đang đưa đoàn công tác chúng tôi tiến thẳng đến đảo An Bang, một nơi nổi tiếng của huyện đảo Trường Sa về độ khắc nghiệt của thời tiết cũng như sự hiếu khách của những người lính đảo. Các thành viên trong đoàn công tác ai cũng háo hức, mong sớm đến với nơi này.

Khi còn cách đảo khoảng 2 hải lý, chúng tôi được lệnh xuống xuồng chuyển tải để tiến vào đảo. Lúc này, những con sóng dữ cứ xô nhau đập vào thân xuồng, đợt này chưa qua đợt khác đã tới. Sóng dữ như gào thét, như muốn nuốt chửng chiếc xuồng bé nhỏ. Tới gần đảo, người trưởng xuồng chuẩn bị sẵn một sợi “dây mồi” dài vài chục mét, một đầu buộc một cục đá to bằng nắm tay và quăng nhanh về phía bãi cát.

 

Đảo An Bang luôn vững vàng giữa trùng khơi. Ảnh: Lao Động

 

Trên bãi cát, hơn 40 cán bộ, chiến sĩ đang chờ sẵn ở mép nước đợi xuồng vào bất chấp những con sóng đang “táp” thẳng vào mặt. Một chiến sĩ, tay cầm 2 cây cờ hiệu màu đỏ hướng dẫn cho xuồng máy kéo xuồng chuyển tải nhích dần vào bãi cát. “Ném dây đi! ” Khẩu lệnh ngắn gọn, dứt khoát của trung tá Đặng Ngọc Nam – Chỉ huy trưởng đảo An Bang được phát ra cũng là lúc sợi “dây mồi” được ném vào bãi cát. Hai chiến sĩ “thiện nghệ” nhất ngay lập tức nhảy xuống nước chụp lấy sợi “dây mồi” kéo xuồng vào. Cán bộ, chiến sĩ vần theo sức của con sóng và kéo xuồng. Động tác kéo, ghì, đè dây khéo léo và thuần thục của các anh đã đưa đoàn công tác vào đảo an toàn.

Lên đảo, chúng tôi cảm nhận được ngay không khí vui vẻ, đầm ấm và những nụ cười giòn tan hiện trên khuôn mặt những chiến sĩ trẻ. Thấy đoàn công tác đến, các anh xúm lại hỏi han đủ chuyện ở đất liền. Mấy em văn công đoàn Hải Đăng tỉnh Khánh Hòa được các anh lính đảo chào đón nồng nhiệt nhất. Ngồi dưới tán cây bàng vuông, các thành viên của đoàn công tác và những người lính nhanh chóng hòa nhịp vào với nhau qua những lời hát, điệu múa, những lời tâm sự của tuổi trẻ.

Đi thăm một vòng nơi ăn, chốn ở của cán bộ, chiến sĩ chúng tôi thấy nơi nào cũng ngăn nắp, gọn gàng. Trên những chiếc giường gỗ đơn sơ ngoài bộ chăn màn gấp vuông chằn chặn là những con ốc biển, là những bông hồng làm từ ốc và san hô thật đẹp. Đây có lẽ là những món quà mà những người lính An Bang dự định giành cho những người thân nơi quê nhà.

Đến phân đội chiến đấu số 2 đúng lúc anh em đang cắt tóc cho nhau, vừa cắt vừa cười đùa, bình phẩm vui nhộn. Thấy mái tóc của tôi rất dài các anh đề nghị cắt cho tôi và hóm hỉnh bảo: “Nếu lỡ có cắt hỏng mái tóc của nhà báo thì anh đừng giận nhé, đây cũng coi như một kỷ niệm để khi trở về đất liền các anh lại nhớ đến những người lính đảo chúng tôi”. Vừa cắt tóc tôi vừa được thấy cảnh sinh hoạt của anh em trên đảo. Ở đây nước ngọt rất hiếm, khi các anh đi tắm đều dội 1 gáo nước ngọt lên đầu rồi ra giếng nước lợ hoặc ra biển tắm sau đó về tráng bằng nước lợ và nước đó dùng để tưới rau. Ấy vậy mà khi đoàn công tác đến các anh vẫn dùng những chậu nước ngọt quý giá giành cho đoàn rửa mặt, rửa chân tay cho mát. Thật trân trọng biết bao những tình cảm của các anh giành cho những người khách đất liền.

 

Cán bộ chiến sĩ đảo An Bang chuẩn bị đón khách thăm đảo. Ảnh: Đặng Tùng

Công tác ngoài đảo xa, cán bộ, chiến sĩ đều coi nhau như anh em một nhà, mọi chuyện vui buồn trong cuộc sống của mỗi người đều được cán bộ, chiến sĩ chia sẻ, động viên kịp thời. Vì vậy, ở trên đảo luôn có một bầu không khí phấn khởi, đoàn kết, giúp những người lính An Bang yên tâm bám trụ, xây dựng đảo. Điều này có được do sự đoàn kết của toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên đảo trong đó có sự gương mẫu đi đầu của Ban chỉ huy đảo.

Được biết, tuy là đảo tiền tiêu của Tổ quốc, đảo còn nhiều khó khăn nhưng các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” hay ủng hộ quỹ chất độc màu da cam… các anh đều hưởng ứng rất nhiệt tình và có trách nhiệm. Thiếu tá Vũ Hồng Quân – chính trị viên đảo An Bang cho biết: Tuy đóng quân ở đảo xa nhưng cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang rất tích cực hưởng ứng những nghĩa cử cao đẹp, giúp đỡ đồng bào đồng chí khó khăn. Những việc làm tuy nhỏ nhưng thể hiện tình cảm, sự trân trọng của chúng tôi đối với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đối với những người lính đảo trong những năm qua.

Một ngày trôi qua thật nhanh và đến lúc đoàn công tác rời đảo. Lúc này, việc đưa đoàn ra lại càng khó khăn hơn gấp bội. Các chiến sĩ đầu trần, chân đất lại dẫm lên sỏi đá, đẩy xuồng đưa chúng tôi rời đảo. Những tiếng hò dô “hai, ba” của người đội trưởng như tiếp thêm sức mạnh và ý chí cho các thành viên. Chiếc xuồng nhích từng chút, từng chút một trên bãi cát, mồ hôi đổ ướt đẫm trên vai, trên mặt các chiến sĩ. Tâm trạng xúc động là thứ duy nhất hiện hữu trong từng thành viên đoàn công tác. Chiếc xuồng từ từ thoát khỏi bãi cát rồi bất ngờ lao nhanh ra biển, để lại đằng sau là những cánh tay rắn chắc của những người lính đang vẫy chào chúng tôi.

Khi khi con xuồng nhỏ bé nhấp nhô theo từng cơn sóng rời ra xa, những con người trên đảo chỉ còn là những chấm li ti trong ánh chiều tà trong tim tôi vẫn vang mãi lời của trung tá Đặng Ngọc Nam: Với chúng tôi, đây không chỉ là nhiệm vụ là một lời tri ân đối với đoàn công tác – những người đã mang hơi ấm, mang tình cảm từ đất liền ra với những người lính đảo xa.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới