Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHÃY CÙNG NHAU NGĂN CHẶN HÀNH VI LẤN BIỂN XÂY DỰNG CĂN...

HÃY CÙNG NHAU NGĂN CHẶN HÀNH VI LẤN BIỂN XÂY DỰNG CĂN CỨ QUÂN SỰ Ở TRƯỜNG SA CỦA TRUNG QUỐC

BienDong.Net: Từ đầu năm 2014 trở lại đây, Trung Quốc ráo riết lấn biển mở rộng các bãi mà họ đã dùng vũ lực đánh chiếm trong cuộc hải chiến năm 1988 ở Trường Sa (Ga Ven, Huy Gơ, Chữ Thập, Châu Viên, Xu Bi, Gạc Ma) nhằm phục vụ cho mục tiêu xuyên suốt độc chiếm Biển Đông.

Đặc biệt nghiêm trọng là Trung Quốc đang biến Gạc Ma thành một công trường xây dựng rộng hàng chục héc ta. Hàng chục máy xúc, máy ủi, cần cẩu với cả chục tàu bè lớn nhỏ ngày đêm bơm hút một lượng cát khổng lồ lên Gạc Ma.

Gạc Ma là bãi có vị trí chiến lược ở Trường Sa, nơi đây đã diễn ra cuộc chiến ác liệt nhất giữa quân đội Trung Quốc và những người lính Việt Nam. Gạc Ma là nút thắt của cả cụm đảo Sinh Tồn và cụm đảo phía Bắc (Song Tử); nằm án ngữ trên các tuyến hải trình ra Trường Sa, và đi qua khu vực Biển Đông, rất gần với bờ biển Việt Nam (chỉ khoảng 250 km về phía Đông).

Chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm, từ một bãi đá ngầm nửa nổi nửa chìm, Gạc Ma hiện nay đã trở thành một hòn đảo nhân tạo với những kết cấu rất rõ ràng của một cảng nước sâu, một cầu tàu quy mô lớn, một sân đỗ rộng với đường băng khá dài… Theo như bản quy hoạch do báo chí Trung Quốc tiết lộ, quân đội Trung Quốc đang có ý định biến Gạc Ma trở thành một căn cứ quân sự hỗn hợp không thể chìm với đầy đủ cơ sở vật chất, hậu cần, kỹ thuật, thông tin… trở thành tiền đồn cho cuộc xâm lấn mới của Trung Quốc ở phía Nam Biển Đông. Việc Trung Quốc lấp biển, mở rộng các bãi ở Trường Sa nhằm 2 mục đích:

Một là, xây dựng căn cứ quân sự về không quân, hải quân, tạo bàn đạp cho Trung Quốc mở rộng các hành động xâm lấn xuống vùng biển ở phía Nam. Một khi hoàn thành, những căn cứ này đủ lớn để bố trí các lực lượng tấn công mạnh. Điều này cũng sẽ giúp Trung Quốc khắc phục được những điểm yếu trước đây như tham vọng lớn nhưng bố trí lực lượng không phù hợp, cải thiện về căn bản khâu tiếp liệu, vận tải, phối hợp tác chiến không biển… Trung Quốc sẽ nâng cao đáng kể khả năng kiểm soát cả trên không, trên biển và dưới mặt nước.

Tân Hoa xã ngày 11/9 đăng bài “Trung Quốc xây dựng mở rộng đảo Gạc Ma nhằm thay đổi thế yếu của quân đội Trung Quốc – máy bay tiêm kích J-11 có thể đến Trường Sa tác chiến”, trong đó cho rằng động thái này nhằm tạo điều kiện để không quân Trung Quốc kiểm soát toàn bộ quần đảo Trường Sa. Bài báo viết Trung Quốc muốn thay đổi cục diện “thế yếu” của không quân nước này bởi trước đây dù Trung Quốc đã trang bị máy bay chiến đấu J-10 và J-11 nhưng tầm hoạt động không vượt bán kính 2.000 km. Mở rộng đảo Gạc Ma là bước đệm để máy bay chiến đấu của Trung Quốc có thể “xâm nhập” toàn bộ khu vực Trường Sa.

Hai là, biến các bãi ngầm lúc nổi lúc chìm này của Trung Quốc thành các đảo lớn để từ đó yêu sách vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa tạo ra vùng biển tranh chấp với các nước ven Biển Đông, biến vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước này không có tranh chấp thành các vùng biển tranh chấp để rồi đòi “cùng khai thác” theo điều kiện của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã ngang nhiên biện hộ cho những hành động phi pháp của mình khi trả lời báo chí rằng: “việc cải tạo bãi đá ngầm để phục vụ đời sống nhân dân trên đảo”. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ ngụy biện cho rằng các đảo nhân tạo này là nơi có đủ khả năng duy trì sự sống, có quy chế như những đảo tự nhiên khác và họ sẽ căn cứ vào đó để vẽ đường cơ sở, tuyên bố lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế theo như quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Nếu điều đó xảy ra, họ sẽ dần tạo lập một cơ sở pháp lý mới cho yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý hiện nay của họ, chiếm toàn bộ Biển Đông.

Hành động lấn biển mở rộng các bãi ở Trường Sa đang làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN năm 2002, đe dọa hòa bình, ổn định và tự do, an ninh an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Hành động này của Trung Quốc đang tạo mối lo ngại đối với các nước trong và ngoài khu vực.

Nhằm đối phó với những hành động táo tợn và nguy hiểm nói trên của Trung Quốc, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Myanmar tháng 8 vừa qua, Philippines đã đưa ra Kế hoạch 3 bước, trong đó quy định về những việc mà các nước không được làm ở Biển Đông là: (i) không đánh chiếm các đảo, bãi đang do bên khác chiếm đóng và quản lý; (ii) không chiếm các bãi mới chưa có nước nào chiếm đóng; (iii) không lấp biển, mở rộng các bãi mình đang quản lý.

Tại Diễn đàn An ninh khu vực, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đưa ra sáng kiến “đông kết” các hoạt động có thể dẫn đến căng thẳng ở Biển Đông với những nội hàm tương tự như Kế hoạch 3 bước của Philippines. Mục tiêu trong Kế hoạch của Philippines cũng như Sáng kiến của Mỹ là nhằm ngăn chặn những hành động ngang ngược của Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông.

Đánh giá về hành động này của Trung Quốc, chuyên gia Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về các vấn đề Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho biết mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc là “tạo thực tế mới trên Biển Đông”. Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 quy định các nước không thể đòi chủ quyền các bãi đá ngầm và “bãi đá không duy trì sự định cư của con người hay không có đời sống kinh tế sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”. Bà Glaser cho rằng việc Trung Quốc biến các bãi thuộc quần đảo Trường Sa thành các đảo nổi để rồi Bắc Kinh sẽ viện “thực tế mới” này để khẳng định chủ quyền bất hợp pháp và quản lý khu vực “đặc quyền kinh tế” 200 hải lý tính từ đảo nổi mới dựng ra. Theo bà Glaser, mục tiêu thứ hai của Bắc Kinh là xây dựng trên bãi đá Gạc Ma các cơ sở quân sự như đường băng, lắp đặt hệ thống rađa để thu thập thông tin tình báo…

Tạp chí quốc phòng Canada Kanwa Defense Review cảnh báo cơ sở quân sự của Trung Quốc trên đá Gạc Ma sẽ có chức năng theo dõi các hoạt động của hải quân Mỹ và các nước khu vực. Kanwa cho biết có khả năng Trung Quốc đang xây đường băng dài 2.000 m trên đảo mới để lập căn cứ triển khai các máy bay quân sự. Khi đó, Bắc Kinh sẽ đủ sức tổ chức thực hiện các chiến dịch trên không ở toàn eo biển Malacca, phục vụ chiến lược kiểm soát Biển Đông, điều mà trước đây quốc gia này không thể làm được. Kanwa đánh giá đây không chỉ là mối đe dọa đối với các nước ven Biển Đông mà còn là mối đe dọa trực tiếp tới các lợi ích của Mỹ.

Chuyên gia Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cũng cho rằng Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên các bãi ở Trường Sa chủ yếu để hiện thực hóa giấc mơ “đường chín đoạn” và mở rộng hiện diện quân sự tại quần đảo Trường Sa. Ông Storey nhấn mạnh: “Theo quan điểm của tôi, đây là hành vi gây bất ổn và vi phạm trắng trợn Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký với ASEAN năm 2002”.

Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, đánh giá đây là hành vi thay đổi hiện trạng trên Biển Đông, nằm trong chiến lược chiếm đoạt chủ quyền của Trung Quốc. Ông Carl Thayer nhận định: “Hành động đó chắc chắn sẽ khiến căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục leo thang”.

Chuyên gia Raul Pedrozo, cựu luật sư thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cảnh báo việc Trung Quốc xây đảo nổi trên bãi Gạc Ma là nằm trong ý đồ xây một “Vạn lý trường thành” trên Biển Đông nhằm chiếm đoạt hoàn toàn vùng biển này. Ông Pedrozo khẳng định nghiên cứu kỹ lịch sử khu vực và luật pháp quốc tế cho thấy Trung Quốc không có bất cứ cơ sở gì để đòi chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Pedrozo kêu gọi “Xung đột trong khu vực sẽ khiến cả nền kinh tế thế giới bất ổn. Mỹ phải thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ phản ứng chống lại Trung Quốc và khuyến khích các nước đồng minh hành động tương tự. Việt Nam nên tiếp bước Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế”.

Sau khi khống chế bãi cạn Scarborough của Philippines (ở phía Đông Biển Đông), cùng với việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam (phía Tây Biển Đông) việc lấn biển mở rộng bãi Gạc Ma, xây dựng căn cứ quân sự trên bãi này là nhằm tạo ra tam giác chiến lược khống chế Biển Đông theo “đường lưỡi bò”, thực hiện tham vọng bành trướng, độc chiếm Biển Đông. Đây là một âm mưu hết sức nham hiểm của những người cầm quyền ở Bắc Kinh.

Rõ ràng những hành động ngang ngược của Bắc Kinh đang phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông tạo ra một cục diện mới có lợi cho Trung Quốc. Để đối phó với hành động nham hiểm của Bắc Kinh, Việt Nam cần phối hợp với Philippines, Mỹ và các nước ASEAN khác tích cực thúc đẩy sáng kiến “đông kết” của Mỹ và Kế hoạch 3 bước của Philippines; đồng thời vận động các nước lên án mạnh mẽ những hành động đơn phương bất chấp luật pháp quốc tế này của Trung Quốc.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới