Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTRIỀU ĐÌNH NHÀ NGUYỄN PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG THỦY QUÂN ĐỂ THỰC...

TRIỀU ĐÌNH NHÀ NGUYỄN PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG THỦY QUÂN ĐỂ THỰC THI VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO

BienDong.Net: Có rất nhiều tài liệu lịch sử chép về thủy quân triều Nguyễn, trong đó có cuốn Hổ Trướng Khu Cơ của Đào Duy Từ. Ông là quân sư của chúa Nguyễn người đã có công xây dựng Định Bắc Trường Thành lẫy lừng ở phương Nam.

Cuốn sách này có đề cập đến các trận thủy chiến của thủy quân nhà Nguyễn. Đến triều Minh Mạng, bộ sách sử Đại Nam hội điển sự lệ đã ghi chép rất rõ số lượng tàu thuyền lúc bấy giờ và đã phát triển rất mạnh những năm tiếp theo. Ví như năm 1828, chỉ riêng ở kinh thành Huế đã có 379 chiếc thuyền định ngạch, còn các tỉnh thành lớn như Gia Định có 105 chiếc, Nam Định 85 chiếc, Nghệ An 40 chiếc, Quảng Nam 40 chiếc, Quảng Ngãi 25 chiếc…

Tuyến phòng thủ bờ biển dưới thời các chúa Nguyễn và vua Nguyễn được thiết lập dọc theo chiều dài đất nước. Trong cuốn Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792 – 1793, J. Barrow đã ghi lại một bảng thống kê về quân đội nhà Nguyễn dưới thời vua Gia Long: Tổng quân số 139.800 người, riêng thủy quân có 26.800 người. J. Barrow còn chép về việc hiện đại hóa lực lượng thủy quân dưới thời vua Gia Long… Ông đã cho đóng ít nhất 300 pháo thuyền lớn hoặc loại thuyền dùng chèo, 5 thuyền có cột buồm và một chiến hạm đúng theo kiểu tàu Châu Âu

Những nhà hàng hải nước ngoài đã đánh giá thủy quân nhà Nguyễn có những bước tiến lớn mạnh đặc biệt dưới thời Hoàng đế Gia Long. Thủy quân nhà Nguyễn được kế thừa truyền thống hiển hách từ thời các chúa Nguyễn. Đó là những trận thủy chiến ở cửa Eo, Thuận An năm 1644. Dưới sự chỉ huy của chúa Nguyễn Phúc Lan, thủy quân thời đó đã đánh tan những đội tàu hiện đại của phương Tây như Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh quốc…

Sự phát triển mạnh mẽ của thủy quân triều Nguyễn được các nghệ nhân thể hiện trên bộ Cửu đỉnh đang được trưng bày ở kinh thành Huế. Đó là hình ảnh minh họa những chiến thuyền nổi tiếng được trang bị những vũ khí lợi hại như Hỏa Phún Đồng gắn với những vũ khí đánh gần như Phác Đao.

Trên các Cửu đỉnh, các chiến thuyền này được miêu tả rất kỹ như: Cao đỉnh là Đa tác thuyền 3 cột buồm, có nhiều giây; Nhân đỉnh là Lâu thuyền tính từ hầm thuyền lên có 2 tầng lầu; Chương đỉnh là sự hiện diện của thuyền chiến Đồng Mông thuyền có 8 cặp chèo; Trên Nghị đỉnh là thuyền vận tải Hải Đạo có 7 cặp chèo; Thuần đỉnh là thuyền Đĩnh nhỏ có 9 cặp chèo; Trên Tuyên đỉnh là thuyền Lê có 6 cặp chèo. Đó chính là niềm tự hào, là niềm kiêu hãnh của lực lượng thủy quân hung mạnh triều Nguyễn lúc bấy giờ.

Trong số tuấn kiệt của Biển Đông phải kể đến nhà canh tân hàng hải Bùi Viện dưới thời vua Tự Đức. Ông là bậc kiệt hiệt của Thái Bình Dương, người có chí khí và có tài xoay trời đảo biển. Với Bùi Viện, thủy quân của triều Nguyễn không chỉ tuần tiễu trên sông lạch, mà đã tung hoành trên biển xa, đã vươn lên những đội Tuần dương quân, bằng những hải đội hùng mạnh hoạt động khắp trên Biển Đông, đặc biệt quản lý và khai thác liên tục trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bùi Viện đã từng dâng biểu chép về nhiệm vụ của đội Tuần dương quân: …Đội hải quân này sẽ đi tuần khắp miền duyên hải nước ta, đồng thời họ phải làm cả ba việc: vận tải lương tiền của nhà nước, hộ vệ cho các nhà buôn và trừ diệt những giặc biển hiện đương hoành hành ở Biển Đông Hải. Với cương vị là Chánh quản đốc Nha tuần tải Bùi Viện tự soạn quy chế hoạt động, đặt chế độ thưởng phạt nghiêm minh. Bằng tài năng của mình, ông đã thu phục được nhiều lực lượng trong đó có cả hải tặc vốn là đầu đảng của giặc Tàu ô chuyên cướp phá trên Biển Đông về tham gia Tuần dương quân… Nhờ đó nhiều điều bí ẩn của biển cả được khám phá, lợi thế nhiều mặt cũng được mở mang.

Trở lại với niềm tự hào của thủy quân triều Nguyễn, sách Liệt Truyện chép rằng: Hoàng đế Gia Long thường nói trước triều đình …Thủy chiến là sở trường của ta… Thủy quân triều Nguyễn được tác chiến chặt chẽ giữa bộ binh và thủy quân. Sử gia Tạ Chí Đại Trường đã từng chép …quân ngoài biển không những luôn luôn đi tiên phong mà nhiều khi còn phải làm thế nương tựa cho quân bộ chiến có khả năng tiến lên nữa…

Sách Đại Nam thực lục chính biên đã chép về thưởng phạt rõ ràng …thủy quân là quan trọng, giá tiền thưởng khi bắt lính đào ngũ có sự cách biệt rõ rệt: quân nào bắt được lính bộ thì thưởng 30 quan, còn được thủy binh thì được hưởng tới 40 quan…

Triều Nguyễn đã đầu tư mạnh về thủy quân điều đó đã được Sử gia Tại Chí Cường chép …Năm 1797, trong lực lượng xuất phát vào tháng 4 – 1797 có 447 chiến thuyền và 42.000 chiến binh, vẫn còn những thoại hạm (fregate và corvette) do người Âu chỉ huy. Thế mà chỉ đến năm 1801, Chaigneau Vannier chỉ làm nhiệm vụ lấy lương tiếp tế cho Qui Nhơn, Phú Xuân mà thôi…

Trong cuốn Storia delle Indie Orientali của Felice Ripamonti xuất bản tại Milano năm 1825 có viết về xứ Đàng Trong …Thuyền trưởng các tàu buôn qua lại vùng này thích cập cảng Hội An hơn, cảng này không xa thủ đô Huế. Những người đi biển ở 3 cảng này (tức cảng Huế, Hội An và Đà Nẵng) là những người lão luyện nhất của quốc gia này và hàng năm có chuyến đi biển đến chuỗi đảo và bãi đá nhỏ có tên là Hoàng Sa (Paracels) nằm cách bờ biển Đàng Trong khoảng 20 – 30 dặm…

Dưới triều vua Minh Mạng, thủy quân nhà Nguyễn được tổ chức chặt chẽ và quy củ. Ngoài nhiệm vụ đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ thủy quân nhà Nguyễn còn phải thực thi nhiệm vụ quan trọng đó là cắm mốc, dựng bia chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Lực lượng thủy quân nhà Nguyễn được vua Minh Mạng cải tiến, ông định kích thước và kiểu dáng cho từng hạng thuyền làm chuẩn mực để các xưởng thuyền theo các quy thức đó mà đóng. Hoàng đế Minh Mạng đã cho đóng một số thuyền máy hơi nước theo kiểu phương Tây và mua một số tàu hơi nước đi biển của phương Tây để tăng cường cho lực lượng phòng thủ biển ở các vị trí then chốt.

Năm Nhâm Ngọ 1822, vua Minh Mạng cho mua một chiếc thuyền bọc đồng của Pháp đặt tên là Điện Dương tức là sấm sét để làm mẫu cho các xưởng đóng thuyền nghiên cứu và đóng theo mẫu thuyền này. Sách Đại Nam thực lục chính biên chép: “Tháng 6 năm ấy, vua sai Thống chế thủy sư Phan Văn Trường coi đóng thuyền hiệu theo kiểu Tây dương”. Chiếc thuyền bọc đồng đầu tiên hoàn thành được đặt tên là Thụy Long tức điềm lành, sau đó hàng loạt thuyền bọc đồng được đóng thêm chủ yếu là thuyền chiến, một số là thuyền dùng trong các chuyến tuần du trên Biển Đông.

Với việc hết sức coi trọng phát triển lực lượng thủy quân, triều đình nhà Nguyễn đã có được một lực lượng thủy quân đủ mạnh để thực hiện những chuyến hải trình đi khai thác, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này đã được ghi chép lại trong các văn bản chính thức của triều đình nhà Nguyễn và các tài liệu nước ngoài.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới