Wednesday, April 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamNHÀ NƯỚC PHONG KIẾN VIỆT NAM THỰC THI CHỦ QUYỀN ĐỐI VỚI...

NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN VIỆT NAM THỰC THI CHỦ QUYỀN ĐỐI VỚI BIỂN ĐẢO TÂY NAM ĐẤT NƯỚC

BienDong.Net: Triều Nguyễn luôn coi biển đảo là vấn đề hết sức quan trọng của đất nước. Với tư cách là triều đại phong kiến Việt Nam đầu tiên thống nhất đất nước, triều đình nhà Nguyễn đã xây dựng chiến lược để quản lý lãnh thổ, lãnh hải biển đảo từ Móng Cái đến Hà Tiên.

Mở đầu cho công cuộc xác lập chủ quyền của chính quyền Đàng Trong tại vùng biển đảo từ Hòn Khoai đến mũi Nai là sự kiện năm 1708.

Sau nhiều năm sinh sống tại Chân Lạp và Xiêm, Mạc Cửu trốn đến vùng Long Kỳ, “mở tiệm hút, trưng mua việc thu thuế hoa chi các sòng bạc lớn để làm giàu”, “chiêu tạp dân xiêu dạt đến các nơi Phú Quốc, Cần Bột, Gia Khê, Luống Cày, Hương Úc, Cà Mau lập thành 7 xã thôn”. 7 địa điểm này là những khu vực ven biển, trải dài từ mũi Cà Mau sang cả một phần đất thuộc Campuchia ngày nay. Hiểu rõ tương quan lực lượng giữa Chân Lạp – Đàng Trong – Xiêm, Mạc Cửu dâng vùng biển đảo và đất liền Hà Tiên cho chúa Nguyễn vào năm 1708. Hành động của Mạc Cửu và sự đồng ý của chính quyền Đàng Trong là chính sách có tầm chiến lược cho cả hai bên. Cần phải nói thêm rằng vùng đất từ mũi Cà Mau đến Hà Tiên đến cuối thế kỷ XVII, trên danh nghĩa, thuộc Chân Lạp nhưng trên thực tế, vương quốc hưng thịnh một thời này không có khả năng quản lý những vùng đất thuộc Nam bộ. Vì vậy, đây vẫn là vùng đất hoang vu, dân cư rất thưa thớt.

Chính sách của chúa Nguyễn đối với Hà Tiên là để “một khoảng không gian tự do để xây dựng và phát triển” và chỉ thực sự can thiệp khi cần thiết. Chính quyền Đàng Trong giữ quyền bổ nhiệm quan tổng trấn, chia đơn vị lãnh thổ đất liền và biển đảo, viện trợ quân sự, lương thực,… những quyền quan trọng nhất xét về phương diện chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải. Đặc biệt, việc thành lập đội Bắc Hải ở vùng biển phía Nam cho thấy vùng biển đảo này đã thực sự nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Đàng Trong.

Được chúa Nguyễn giao quyền về kinh tế, quân sự và chủ động trong ngoại giao, hai thế hệ đầu của dòng họ Mạc lãnh trách nhiệm trấn áp cướp biển, chống quân xâm lược và phát triển kinh tế. Mạc Cửu đã “…dựng thành quách, lập doanh ngũ, đặt tiêu cá, làm nhiều nhà khách để đón tiếp hiền tài”. Đến thời Mạc Thiên Tứ, ông tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội, “đặt nha thuộc, kén bổ quân ngũ, đắp thành xây lũy”. Thành lũy do họ Mạc xây dựng khá chắc chắn.

Vào năm 1834, trong lời tâu của Tham tán Hồ Văn Khuê từ Hà Tiên về Gia Định, thành trì này vẫn còn. Một hệ thống phòng thủ hai vòng gồm các lũy ven bờ và trên các đảo như Phú Quốc, Kim Dữ đã được xây dựng. Hơn 60 năm đầu của thế kỷ XVIII, vùng biển, ven biển và hải đảo Tây Nam, đặc biệt là khu vực Hà Tiên, Rạch Giá, Phú Quốc ghi nhận sự đóng góp lớn lao của dòng Mạc trên nhiều mặt.

Hoàng đế Gia Long đã trực tiếp kiểm soát vùng biển đảo này. Có thể nói, từ vai trò người “bảo hộ”, chính quyền Đàng Trong đã xác lập được chủ quyền trên vùng biển đảo Tây Nam bộ một cách hòa bình và tự nhiên nhất. Quá trình thụ đắc vùng đất Nam bộ của chúa Nguyễn chủ yếu thông qua khai phá hoà bình kết hợp với đàm phán ngoại giao để khẳng định chủ quyền. Đó là phương thức được thừa nhận là phù hợp với thông lệ lịch sử và các văn bản quốc tế hiện hành”.

Năm 1802, vương triều Nguyễn được thành lập. Tầm quan trọng của khu vực biển đảo Tây Nam được các vua Nguyễn ý thức rõ ràng. Trong bức thư gửi vua Xiêm năm 1809, Nguyễn Ánh khẳng định “Hà Tiên vốn là bờ cõi của triều đình, từ các vua trước của ta dựng cờ lập trấn tiết, cha con Mạc Thiên Tứ đều hãy giữ tròn chức vụ nên trao chức cho, chứ đây không phải là khuê điền thái ấp (ruộng đất cấp cho chư hầu), không thể viện làm thế nghiệp được”.

Năm 1832, sau khi đánh diệt giặc Chà Và, Minh Mạng nghĩ: “Côn Lôn thủ và Hà Tiên Phú Quốc thủ đều là những nơi xung yếu, dân ở đông đúc, thế mà thường có giặc biển ẩn hiện. Liền truyền dụ cho quan thành chọn đất 2 chỗ thủ ấy, xây đặt pháo dài, liệu cấp súng đạn, khí giới, thuyền bè, phái quân đóng giữ”.

Chính sách khai khẩn đất hoang bằng đồn điền trên vùng đất liền nói chung và vùng biển, ven biển và hải đảo nói riêng là một biện pháp hiệu quả của nhà Nguyễn. Bởi, về mục tiêu kinh tế, việc khai hoang sẽ tăng cường diện tích đất nông nghiệp, lượng lúa gạo và các mặt hàng khác nhiều hơn, đảm bảo nhu cầu của người dân ven biển và hải đảo. Về mục tiêu chính trị, khẩn hoang, lập ấp là một biện pháp nhằm khẳng định và khai thác chủ quyền hiệu quả. Vấn đề an ninh – quốc phòng của vùng biên giới đất liền và biển đảo Tây Nam cũng được đảm bảo nhờ vào hệ thống làng ấp và cộng đồng dân cư.

Suốt hơn năm mươi năm, chính quyền nhà Nguyễn đã hoàn thành nhiệm vụ trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tây Nam. Đó là tiến hành phân chia các đơn vị hành chính, quản lý dân cư đẩy mạnh và quản lý các hoạt động kinh tế, trấn áp cướp biển, đẩy lùi các cuộc xâm lược của Xiêm. Đặc biệt, những ghi chép từ địa bạ triều Nguyễn cho thấy rõ việc phân chia đơn vị hành chính và quản lý dân cư được tiến hành khá chặt chẽ.

Năm 1819, sở Phú Quốc được đặt lệ thuộc quản hạt của trấn Hà Tiên vì có đường biển gần Hà Tiên, Lê Văn Ý làm Thủ ngự sở. Năm 1819 – 1820, sở này có các xã thôn Dương Cảng Đông thôn, Vĩnh Thạnh thôn, Tân Qui thôn, Phước Sơn thôn, An Hòa thôn, Phước Lộc thôn, Cẩm Sơn thôn, Tiên Tỉnh thôn Thái Thạch thôn, Phú Đông thôn, Mỹ Thạnh thôn, Minh Hương thuộc. Đến năm 1836, tổng Phú Quốc gồm 10 thôn: An Thới thôn, Hàm Ninh thôn, Phú Đông thôn, Thới Thạnh thôn, Cẩm Sơn thôn, Mỹ Thạnh thôn, Phước Lộc thôn, Dương Đông thôn, Tân Tập thôn, Tiên Tỉnh thôn.

Năm 1835, nhà Nguyễn phân chia các đảo trong vịnh thuộc về các ba huyện trong tỉnh Hà Tiên. Cách chia là căn cứ vào vị trí của đảo rồi đối ngang với đất liền để sát nhập cho thuận tiện. Theo đó, Hòn Khoai, Hòn Chuối thuộc về huyện Long Xuyên (Cà Mau ngày nay), Hòn Tre, Hòn Rái, Hòn Son,..thuộc về huyện Kiên Giang. Phú Quốc thuộc về huyện Hà Châu (tức huyện Hà Tiên trước khi đổi tên). Đại Nam thực lục ghi lại sự kiện này như sau: “tuần phủ Hà Tiên, Trần Chấn, tâu nói: Các đảo ngoài biển thuộc tỉnh (Hà Tiên) từ trước đều lệ thuộc vào tỉnh Long Xuyên. Vậy xin xét xem đảo lớn nhỏ nào đối ngang với huyện hạt nào, thì đổi thuộc vào huyện ấy, cho đúng với tên trong sổ sách. Vũ Dữ [Hòn Khoai], Ba Tiêu dữ [Hòn Chuối] thuộc huyện Long Xuyên; Trúc Dữ [Hòn Tre], Thát Dữ [Hòn Rái], Nghệ Dữ, Cổ Luân dữ đều thuộc huyện Kiên Giang; Hỏa thạch dữ, Luân dữ, Xưởng Dữ, Tranh Dữ, Phú Quốc dữ, Thổ Châu Dữ [Hòn Son], Kích Sơn đều thuộc huyện Hà Châu. Kích Sơn nguyên tên là hòn Chông. Lại nữa, các xã thôn ở đảo Phú Quốc trước thuộc tổng Quảng Xuyên, huyện Long Xuyên, nay đổi thuộc Hà Châu. Vậy xin nhân tên đất, gọi là tổng Phú Quốc, vua chuẩn y lời tâu”.

Việc phân chia và quản lý đơn vị lãnh thổ, dân cư đi liền với việc điều tra nghiên cứu, vẽ bàn đồ và hải trình đường biển của các vua Nguyễn. Việc phát hiện Xiêm La Quốc lộ trình tập lục và Hải trình chí lược của Phan Huy Chú… cho thấy, về cơ bản, chính quyền nhà Nguyễn đã nắm được thông tin về điều kiện địa lý tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, dân cư và hoạt động kinh tế trong vùng biển đảo này.

Trong suốt hơn 50 năm, chiến tranh tại vùng Hà Tiên xảy ra liên miên. Sau mỗi lần như vậy, chính quyền nhà Nguyễn cử người xây việc xây dựng lại các pháo đài, chốt canh ở vùng cửa biển và trên đảo. Hệ thống ven bờ biển gồm lũy Thị Vạn, các pháo đài Kim Dữ, pháo đài Phú An, các bảo Lô Khê, Giang Thành, Tiên Thới, Đàm Chiết thuộc huyện Hà Châu; huyện Kiên Giang thì có cửa tấn Kiên Giang, cửa tấn Đại Môn, Hoàng Giang, Hiệp Phố… Đặc biệt, trên đảo Phú Quốc, Minh Mạng cho xây dựng hai thành Phú Quốc (năm 1833) và Hàm Ninh (năm 1838) với quy mô lớn, được trang bị vũ khí và có suất đội cùng vài chục biền binh.

Để đảm bảo vững chắc công cuộc bảo vệ vùng biển đảo này, nhà Nguyễn thành lập các đội Phú Cường ở Phú Quốc để bảo vệ đảo, làm nhiệm vụ tuần tra và 5 các đội khác nhằm khai thác một số tài nguyên trên đảo. Đặc biệt, Minh Mạng nhiều lần chỉ dụ những đợt tập dợt cho nhân dân Phú Quốc về mặt quân sự để người dân tự bảo vệ mình trước giặc biển.

Hệ thống lũy Giang Thành, sông Vĩnh Tế, các pháo đài Kim Dữ, Hòn Tre… cùng đồn Phú Quốc và Hàm Ninh… tạo thành một hệ thống phòng thủ đất liền – hải đảo. Điều này cho thấy, tầm nhìn của người đứng đầu và một bộ phận quan lại của chính quyền cai trị thời đó. Sự kết hợp của hệ thống phòng thủ và sức mạnh của thủy quân đã giúp nhà Nguyễn đánh bại tất cả các cuộc tấn công của hải tặc, đảm bảo cho các thuyền buôn và đời sống của người dân vùng biển, ven biển và trên các đảo vào năm 1805, 1817, 1822, 1825, 1828, 1830, 1837… Hệ thống phòng thủ biển đảo cũng góp phần không nhỏ trong công cuộc chống Xiêm thành công và giành ảnh hưởng lớn trên đất Chân Lạp. Đỉnh điểm là việc thành lập Trấn Tây thành và tiến hành điều tra vùng đất ngoài biên giới này.

Quá trình xác lập chủ quyền đi liền với công cuộc khai thác các vùng biển đảo Tây Nam trong vịnh Thái Lan. Hai quá trình này diễn ra song song và có sự tương hỗ lẫn nhau. Chính quá trình khai thác là hình thức khẳng định chủ quyền hiệu quả nhưng chính việc xây dựng các đơn vị hành chính và quân đội đã giúp người dân có được sự đảm bảo, bảo vệ những thành quả khai thác tốt nhất. Đối với một khu vực thường xuyên có chiến tranh, thì việc chính quyền nhà Nguyễn xác lập được chủ quyền, ổn định dân cư không chỉ có ý nghĩa lớn đối với việc thực thi chủ quyền biển đảo ở Tây Nam.

Trong giai đoạn đầu của công cuộc này, người dân đến trước, chính quyền đến sau. Trong giai đoạn sau, khi chính quyền thành lập các đơn vị hành chính, xây dựng đồn lũy bảo vệ thì nhân dân đến càng đông, quá trình khai thác diễn ra mạnh mẽ hơn. Chính sự kết hợp giữa chính quyền và nhân dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đảm bảo cho công cuộc xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo đạt hiểu quả cao nhất.

Do có một lực lượng thủy quân hùng mạnh, triều đình nhà Nguyễn đã thực hiện nhiều hoạt động xác lập, thực thi chủ quyền một cách hiệu quả đối với các vùng biển đảo phía Nam đất nước. Điều này đã được ghi chép lại trong các Châu bản và các tư liệu khác của triều đình nhà Nguyễn.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới