Saturday, October 5, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNHỮNG ĐỘNG THÁI MỚI CỦA MỸ LIÊN QUAN ĐẾN BIỂN ĐÔNG

NHỮNG ĐỘNG THÁI MỚI CỦA MỸ LIÊN QUAN ĐẾN BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Trước những hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian qua, nhất là việc Trung Quốc đang ráo riết lấn biển mở rộng các bãi, xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa để xây dựng căn cứ quân sự làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, gần đây Mỹ có nhiều biểu hiện tỏ ra cứng rắn hơn trên vấn đề Biển Đông.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 12/11/2014, bên lề Hội nghị cấp cao APEC, Tổng Thống Mỹ Barack Obama khẳng định Mỹ có lợi ích cơ bản trong vấn đề tự do hàng hải và tranh chấp lãnh thổ ở khu vực cần được giải quyết hòa bình theo luật pháp quốc tế.

Chỉ 3 ngày sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, phát biểu tại Đại học Queensland, Australia, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 8 Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ngày 15/11/2014, Tổng thống Barack Obama cảnh báo về nguy cơ xung đột nhãn tiền ở khu vực Châu Á, khi Trung Quốc tranh giành chủ quyền với các nước láng giềng. Ông Obama nhận định vấn đề tranh chấp lãnh thổ, trên các hòn đảo hay bãi đá, có thể bùng phát thành nguy cơ đối đầu. Trong đó, Trung Quốc hiện là quốc gia liên quan đến một loạt tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi với các quốc gia Đông Nam Á trên Biển Đông và với Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Đồng thời, ông Obama nhấn mạnh Trung Quốc “phải tuân thủ các quy tắc và luật lệ giống như các quốc gia khác, dù trong lĩnh vực thương mại hay các vấn đề trên biển” và phản đối sự ép buộc, đe dọa của các nước lớn đối với các nước nhỏ.

Ngày 20/11/2014, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thông qua một loạt nghị quyết, trong đó có nghị quyết tái khẳng định sự cần thiết phải tìm giải pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, cho các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nghị quyết mang mã số H.Res – 714, do Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Eni Faleomavaega bảo trợ, đã được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nhất trí thông qua, trong đó tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ và Quốc hội Mỹ đối với các nỗ lực tìm giải pháp hòa bình và trên cơ sở các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được các nước công nhận đối với các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Nghị quyết một lần nữa khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với tự do hàng hải, sử dụng các vùng biển và vùng trời ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương theo luật pháp quốc tế. Nghị quyết H.Res – 714 cũng lên án mọi hành động cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực gây cản trở các quyền tự do tại các vùng biển và không phận quốc tế; hối thúc Trung Quốc kiềm chế thực thi quyết định Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, coi đây là một hành động đi ngược quyền tự do bay qua không phận quốc tế, đồng thời yêu cầu nước này không có các hành động tương tự tại các vùng biển khác của Châu Á – Thái Bình Dương.

Nghị quyết kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các đồng minh, bạn bè của Mỹ và các nước có tranh chấp cùng nhau nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, thông qua việc thiết lập một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Đây là lần đầu tiên Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua một nghị quyết về Biển Đông. Các năm trước, nghị quyết về Biển Đông đã được trình ra Hạ viện Mỹ nhưng chưa được thông qua. Trong năm 2014, đây là lần thứ hai Quốc hội Mỹ thể hiện thái độ mạnh mẽ đối với sự leo thang căng thẳng của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp. Hồi tháng 7/2014, với toàn bộ phiếu thuận, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua Nghị quyết mang mã số S.Res 412 về Biển Đông, phê phán việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc quay lại nguyên trạng trước ngày 01/5/2014.

Cùng thời điểm Nghị quyết H.Res – 714 được thông qua, Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ – Trung (USCC) công bố Báo cáo nói rằng các chính sách của Trung Quốc làm căng thẳng quan hệ song phương. Báo cáo chỉ rõ quan hệ an ninh giữa 2 cường quốc thế giới đã xấu đi trong năm 2014 trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông, các tranh chấp lãnh thổ gia tăng và tiềm năng Mỹ – Trung đối đầu gây thương vong có nguy cơ leo thang thành “một cuộc khủng hoảng chính trị lớn”.

Báo cáo nhấn mạnh các máy bay và tàu quân sự Trung Quốc đã đối đầu với máy bay và tàu Mỹ “nhiều lần kể từ cuối năm 2013…, trong đó quân nhân Trung Quốc đã có cách hành xử không an toàn, không chuyên nghiệp và hung hăng có thể dẫn đến thiệt hại về người hay một cuộc khủng hoảng chính trị lớn”.

Báo cáo của USCC kêu gọi Quốc hội Mỹ tăng ngân sách cho Hải quân Mỹ hiện diện ở Châu Á – Thái Bình Dương nhằm duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu và “đối trọng với năng lực quân sự ngày càng tăng lên của Trung Quốc”.

Ngày 21/11/2014, Washington một lần nữa chính thức lên tiếng trước động thái bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông, kêu gọi Trung Quốc dừng ngay lập tức mọi hành vi xây dựng đảo nhân tạo thông qua phát biểu của Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Jeffrey Pool. Ông Pool cho rằng dự án lấp biển xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh tại khu vực Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa là một hành động phi pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Ông Pool bày tỏ: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc dừng ngay kế hoạch xây đảo nhân tạo và thực hiện các sáng kiến ngoại giao nhằm khuyến khích tất cả các bên kiềm chế đối với những hành động tương tự”.

Những động thái trên đây cho thấy Mỹ hết sức lo ngại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông ảnh hưởng đến việc triển khai chính sách “tái cân bằng chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương” nói chung và lợi ích của Mỹ ở Biển Đông nói riêng./.

                                                                                    BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới