Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCẢM NHẬN VỀ HOÀNG SA, TRƯỜNG SA

CẢM NHẬN VỀ HOÀNG SA, TRƯỜNG SA

BienDong.Net: Là một người Việt Nam sống xa đất nước, tôi may mắn được tham gia Đoàn của những Việt Kiều ra thăm quần đảo Trường Sa tháng 5/2014. Tôi muốn viết ra một vài suy nghĩ của mình trong chuyến đi này.

Sóng, gió trên hải trình từ cảng Cát Lái của Sài Gòn, ra quần đảo Trường Sa dường như êm hơn, 48 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển cả mênh mông mới thấy hết biển trời của đất Việt của ta, đất của ta vĩ đại đến nhường nào.

Trong sâu thẳm của đại dương là cả những câu chuyện huyền bí về đời sống của biển, nhưng những đợt sóng êm ả kia dường như lại muốn kể về những sự hy sinh của bao lớp thế hệ người Việt đã quên mình trong sóng to gió lớn, trong đạn bom để ôm trọn lời thề giữ đảo.

Trên boong tàu HQ 571 nhiều con người ở khắp các quốc gia đang hiện diện ở đây, trong số đó có những người con của những người lính hải quân chính quyền Sài Gòn trước năm 1975, mỗi người, mỗi ánh mắt lại có những cảm xúc khác nhau. Cảm xúc đó được thăng hoa với vũ điệu sóng, gió, tất cả cứ trôi theo hồi tưởng về một khát vọng hòa bình, khát vọng thiêng liêng về chủ quyền biển đảo. Trong số đó có một ái nữ của cố thiếu tá hải quân chính quyền Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Thành Trí. Tên của chị là Nguyễn Thanh Thảo.

Sóng biển vẫn dạt dào thổi, một người họa sỹ đang cần mẫn để họa vào giấy, họa trong vị mặn của biển để khắc họa đôi mắt đượm buồn của người phụ nữ đó. Đôi mắt đó đã triền miên rơi lệ, đã từng khắc khoải về người cha của mình đã nằm xuống tại Biển Đông trong trận chiến thư hùng với hải quân Trung Quốc năm 1974. Báo chí đã viết, đã đăng tải nhiều về cuộc chiến Hoàng Sa nhưng để có mặt trong chuyến hải trình này là điều không tưởng.

Những nét họa đồng điệu như thả chút thần sắc vào đó, thả những câu chuyện bi hùng về những người con đất Việt đã hòa dòng máu vào biển cả để làm nên những điều kỳ diệu của những người con mang dòng máu Lạc Hồng.

Có lẽ trong giây phút đầy cảm động này chị Nguyễn Thanh Thảo dường như không kể được, bởi chị cũng không thể mơ được có những giây phút như thế này, giây phút được hòa mình vào chuyến đi lịch sử. Ở đâu đó vong linh của bố chị – ông Nguyễn Thành Trí, chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng hòa vẫn dõi theo, vẫn lặng lẽ đi theo người con gái của mình để được chia sẻ trong nước mắt, trong sự nhớ nhung dẫu vẫn biết âm dương cách trở, gặp lại là điều không tưởng.

Tuy nhiên, qua lời kể của đồng đội của cha mình thì hình ảnh đó vẫn ám ảnh, vẫn hiện diện như một thước phim quay chậm. Trong nỗi nhớ bất chợt, chị lại nhớ về Bạc Liêu nơi có một người đang gìn giữ những hình ảnh về cha mình. Ông Trần Văn Hà, 61 tuổi, đang sinh sống ở chợ Láng Tròn huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu kể lại rằng khi con tàu Nhật Tảo HQ – 10 của Việt Nam Cộng hòa không còn hoạt động được nữa, hệ thống thông tin liên lạc cũng bị cắt đứt, lúc này, Hạm phó Nguyễn Thành Trí ra lệnh đào thoát khỏi tàu để bảo toàn tính mạng cho anh em. Hạm phó Trí đã bị thương rất nặng. “Ban đầu ông không chịu rời tàu. Nhưng anh em chúng tôi cương quyết thuyết phục ông, vì nếu không có ông chúng tôi không xuống bè…”

Theo ông Hà, thật ra trận chiến của tàu Nhật Tảo với tàu Trung Quốc chưa kết thúc ở đó. Ông nhớ lại, khi các bè chở quân nhân tàu Nhật Tảo rời tàu thì 2 tàu chiến Trung Quốc chi viện cũng xuất hiện nhưng hai tàu này đã phải bỏ mục tiêu vì bất ngờ tàu Nhật Tảo lại tiếp tục khai hỏa. “Những người bị thương nặng ở lại tàu tiếp tục nhả đạn về phía tàu chiến Trung Quốc khiến chúng phải quay lại đối phó, mãi cho tới tối, lúc bè của chúng tôi trôi xa vẫn còn nghe tiếng súng của HQ – 10, mãi đến khi tàu này chìm hẳn…

Tuy không còn bị tàu Trung Quốc truy đuổi, nhưng các quân nhân đào thoát khỏi tàu Nhật Tảo đã phải lần lượt làm những cuộc thủy táng đồng đội chết do bị thương mất máu, do kiệt sức sau nhiều ngày trôi lênh đênh trên biển. Hạm phó Trí cũng nằm lại biển khơi. Chúng tôi phải đau đớn tháo dây cho đồng đội tách khỏi bè. Trên bè, vẫn có nhiều anh em bị thương chảy máu nên cá theo nhiều. Sau 4 ngày trôi dạt, tàu chúng tôi được một tàu buôn của Hà Lan cứu vớt, chứ nếu không có lẽ chúng tôi cũng đã làm mồi cho cá…”

Bức họa gần xong nhưng những hồi ức về tâm linh về giây phút ngắn ngủi mà lắng đọng luôn thường trực bên chị Thảo, nó hiện về như một định mệnh.

Ngày mà những người lính hải quân Việt Nam Cộng hòa ngã xuống ở Hoàng Sa, ngày mà chiến sĩ hải quân Nguyễn Thành Trí hóa thân vào biển cả cách đây hơn 40 năm. Trên đất liền một sinh linh bé nhỏ chào đời, cậu bé đó mang một cái tên, tên của quần đảo Hoàng Sa.

Và cứ thế con tàu cứ lao về phía trước, biển xanh, xanh ngắt tận chân trời, bức ký họa cũng vừa xong. Từng đó thời gian thôi cũng đủ để lắng đọng câu chuyện cảm động về những con người đã hy sinh để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Những con người đất Việt qua nhiều thế hệ đã dũng cảm chiến đấu với quân xâm lược để vùng biển này thêm xanh, thêm một mùa cá bội thu để trong tiếng sóng dâng trào là khát vọng hòa bình của lớp lớp thế hệ người Việt Nam. Khát vọng linh thiêng đó luôn là khát vọng cháy bỏng để hành tinh này mãi mãi không tiếng súng, để trong tiếng ru của biển là khúc hát tình ca về những con người đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước trên Biển Đông.

                                                                        BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới