Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTRUNG QUỐC ĐÓNG THÊM TÀU SÂN BAY - MỐI ĐE DỌA LỚN...

TRUNG QUỐC ĐÓNG THÊM TÀU SÂN BAY – MỐI ĐE DỌA LỚN ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC VEN BIỂN CỦA TRUNG QUỐC

BienDong.Net: Từ tháng 9/2012, Trung Quốc đưa tàu sân bay Liêu Ninh vào sử dụng, nhưng chủ yếu là để phục vụ công tác huấn luyện cho Hải quân Trung Quốc. Để thực hiện tham vọng làm bá chủ khu vực, xây dựng Trung Quốc thành cường quốc biển, Trung Quốc đã lên kế hoạch đóng thêm 3 tàu sân bay mới cho đến năm 2020. Trung Quốc hy vọng một khi sở hữu được 4 nhóm tác chiến tàu sân bay, hải quân Trung Quốc có thể mở rộng được ảnh hưởng tại Tây Thái Bình Dương.

Hiện đã có 2 dự án đóng tàu đang được triển khai song song với một chiếc ở Đại Liên và chiếc còn lại ở Thượng Hải.

Tàu sân bay ở Đại Liên được gọi là 001A, do Tập đoàn đóng tàu Trung Quốc thực hiện tại một xưởng bí mật. Nó sẽ được trang bị máy phóng thủy lực và lớn hơn tàu sân bay đầu tiên của nước này là Liêu Ninh. Trong khi đó, chiếc thứ hai mang số 002 đang được đóng tại xưởng tàu Giang Nam trên đảo Trường Hưng thuộc Thượng Hải. Kích thước của chiếc 002 sẽ tương tự như tàu sân bay USS Kitty Hawk của Mỹ với độ choán nước 61.351 tấn, lớn hơn 5% so với 001A.

Theo tiết lộ của báo chí Nga, tàu sân bay Liêu Ninh thuộc lớp Tàu đô đốc Kuznetsov được mua từ Ukraine vào năm 1998, còn 2 tàu sân bay đang đóng được dựa trên bản vẽ thiết kế của lớp tàu Ulyanovsk chưa được hoàn tất của Liên Xô. Đây là lớp siêu tàu sân bay chạy năng lượng hạt nhân (4 lò phản ứng hạt nhân KN – 3) với sức mạnh tương đương các lớp tàu sân bay của Mỹ và từng được kỳ vọng đóng vai trò chủ lực cho lực lượng hải quân viễn dương của Liên Xô. Tuy nhiên, sau các biến động ở Liên Xô cũ đầu thập niên 1990, dự án siêu tàu sân bay Ulyanovsk bị hủy bỏ và bản thiết kế lọt vào tay chính quyền Ukraine do xưởng đóng tàu nằm trên lãnh thổ nước này và có thể đã được bán lại cho Trung Quốc.

Theo tờ China Daily Mail, các dự án tàu sân bay của Trung Quốc đều có liên quan với Ukraine, từ tàu Liêu Ninh đến Ulyanovsk. Sau khi Liên Xô cũ sụp đổ, Ukraine đã đẩy mạnh quan hệ quân sự, kể cả xuất khẩu công nghệ với Trung Quốc để thu về nhiều khoản tiền lớn. Tính đến nay, Ukraine đã xuất khẩu khoảng 30 dạng công nghệ quân sự có liên quan đến tàu sân bay, tàu chiến các loại và thiết giáp cho Trung Quốc.

Một số nguồn tin cho biết tin tàu sân bay 001A của Trung Quốc có 2 máy phóng thủy lực để phóng máy bay còn tàu 002 sẽ được trang bị 4 máy phóng thủy lực để phóng máy bay. Tàu 001A nhiều khả năng sẽ được đặt tên chính thức theo tỉnh Sơn Đông và có thể bắt đầu gia nhập lực lượng hải quân Trung Quốc sớm nhất vào năm 2018. Tuy nhiên, cũng như trường hợp tàu Liêu Ninh, nhiều chuyên gia quân sự nước ngoài không đánh giá cao 2 tàu mới của Trung Quốc vì chúng vẫn dựa trên thiết kế xưa cũ từ thời Liên Xô và vẫn phải dùng mũi tàu hếch lên để cho máy bay cất cánh.

Trái với nhiều dự đoán của các nhà phân tích phương Tây, hai tàu sân bay mới của Trung Quốc sẽ sử dụng năng lượng thông thường, chứ không phải bằng hạt nhân. Các chuyên gia quân sự cho rằng, Trung Quốc sẽ không thử sức với tàu sân bay chạy bằng hạt nhân cho tới khi nào giải quyết được một loạt vấn đề, chẳng hạn như độ tin cậy của các động cơ điện hạt nhân, việc huấn luyện các thủy thủ và thiết lập cảng trong nước để duy tu con tàu. Đóng tàu sân bay năng lượng hạt nhân thực tế sẽ là một thách thức về công nghệ đối với Trung Quốc, bất chấp việc nước này có một hạm đội lớn tàu ngầm hạt nhân.

Ông Li Jie, một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, nói rằng Trung Quốc đã có kinh nghiệm với công nghệ hạt nhân trong hàng hải, nhưng cho tới nay thì công nghệ này vẫn còn hạn chế trong các hạm đội tàu ngầm của họ. Ông Li cho rằng “Tàu sân bay lớn hơn rất nhiều lần sau với tàu ngầm. Cần phải có thời gian cho các kỹ sư hạt nhân của Trung Quốc phát triển nên một động cơ mạnh và an toàn, đủ khả năng vận hành một hệ thống khổng lồ với hơn 100.000 tấn”.

Mặc dù các tàu sân bay mới của Trung Quốc có khả năng hải hành đến các đại dương, nhưng theo đánh giá của các nhà nghiên cứu quốc tế, “sân bay nổi này” sẽ được bố trí tại Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh đang có tranh chấp biển đảo với Philippines, Việt Nam và Nhật Bản. Đây sẽ là một mối đe dọa lớn đối với các nước ven Biển Đông và biển Hoa Đông. Khi các tàu sân bay của Trung Quốc được đưa vào Biển Đông sẽ tạo điều kiện cho họ mở rộng các hành động xâm lấn vùng biển của các nước này.

Các nước kể cả Mỹ đang rất lo ngại ngoài việc đóng thêm các tàu sân bay mới, Trung Quốc đang ráo riết tiến hành lấp biển, mở rộng quy mô lớn các cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông để tạo ra “những tàu sân bay đánh không chìm”. Một khi Trung Quốc hoàn thành các tàu sân bay nói trên và hoàn thành các căn cứ quân sự trên các cấu trúc ở Biển Đông thì sẽ làm thay đổi căn bản cán cân lực lượng trên Biển Đông nói riêng và ở khu vực nói chung. Khi đó, Trung Quốc có thể khống chế, kiểm soát toàn bộ Biển Đông, đe dọa và cản trở tự do hàng hải ở Biển Đông.

Một số nhà phân tích cho rằng với cách làm hiện nay, đến một lúc nào đó tàu của các nước, kể cả tàu của Mỹ đi ra vào Biển Đông phải “xin phép” Trung Quốc bởi đến nay Trung Quốc đã tự đưa ra những luật lệ đơn phương rất ngang ngược cho phép các lực lượng chấp pháp của họ kiểm tra, kiểm soát trên các tàu nước ngoài hoạt động ở Biển Đông trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của họ.

Mỹ đã nhận thức rõ được nguy cơ mà Trung Quốc đang tạo ra đối với lợi ích của Mỹ trên biển nói chung và ở Biển Đông nói riêng nên Mỹ ngày càng có thái độ mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Hiện cả chính quyền và Quốc hội Mỹ có sự đồng thuận cao trong chính sách ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc. Điều này thể hiện rõ qua các phát biểu của các quan chức chính quyền Mỹ về những hành vi của Trung Quốc từ đầu năm 2014 đến nay và việc cả Thượng viện lẫn Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết về vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông với những lời lẽ hết sức cứng rắn.

Chính sách “tái cân bằng chiến lược” của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương và sự can dự sâu hơn của Mỹ vào tranh chấp sẽ là nhân tố hết sức quan trọng để tạo đối trọng, kiềm chế, ngăn chặn sự bành trướng trên biển của Trung Quốc. Việt Nam cần cùng với Philippines, Nhật Bản và các nước khác ven Biển Đông tích cực ủng hộ Mỹ triển khai chính sách “xoay trục” Châu Á để đối phó với những thách thức mới do những hành động cứng rắn của Trung Quốc tạo ra.

Việt Nam cũng cần tranh thủ việc Mỹ nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương để tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ, trước mắt trong lĩnh vực hải quân và bảo vệ bờ biển, mua sắm một số vũ khí hiện đại của Mỹ để tăng cường sức mạnh quân sự chống lại chính sách cường quyền trên biển của Trung Quốc./.

                                                                                    BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới