Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCÂU CHUYỆN VỀ MỘT CHUYẾN ĐI ĐẦY Ý NGHĨA

CÂU CHUYỆN VỀ MỘT CHUYẾN ĐI ĐẦY Ý NGHĨA

BienDong.Net: Mỗi người con đất Việt có những cảm xúc khác nhau đối với biển đảo quê hương, nhất là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, những người con xa xứ có chung một khát khao đến với Trường Sa bằng những tình cảm sâu sắc với chủ quyền biển đảo của đất nước. Vâng, nếu ai có một lần được ra thăm quần đảo Trường Sa chắc hẳn không thể không bồi hồi, không thể không trào dâng cảm xúc. Bởi Trường Sa xa về địa lý nhưng gần gũi với mỗi con người Việt Nam.

Biển vẫn trong xanh một màu, một màu xanh bình yên trong gió lặng, trong những đợt sóng rẽ trước mũi tàu. Phía trước là quần đảo Trường Sa, trên bong tàu là những người con xa xứ, họ là những đại biểu may mắn khi được ra đảo.

Có bao cặp mắt đang dõi nhìn phía trước, có bao trái tim đang đập cùng một nhịp để hướng về Trường Sa, Hoàng Sa. Câu hỏi đó luôn thường trực đối với từng thành viên trên tàu dù mỗi người đến đây từ những quốc gia khác nhau.

Sự hiện diện của người anh hùng hải quân Vũ Huy Lễ trong chuyến hải trình này có lẽ là bất ngờ nhất, bởi ông là đại diện duy nhất của những anh hùng đã tham gia bảo vệ bãi Gạc Ma trong cuộc chiến năm 1988 chống lại quân xâm lược Bắc Kinh. Đôi mắt đượm buồn của ông dõi ra phía chân trời, dường như tất cả đã lóe sáng, phải chăng đó là đạn, phải chăng đó là màu đỏ máu của đồng đội ông đã nằm xuống vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

HQ 505 trúng đạn đã nghiêng, không được để tàu chìm. Trong giờ phút cam go đó, người anh hùng Vũ Huy Lễ, Thuyền trưởng HQ505 đã phát lệnh bằng mọi giá lao tàu lên đảo để trở thành cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc. Sóng vẫn rì rào như thay ông ru những giấc ngủ ngàn thu của đồng đội ông đang nằm dưới biển sâu.

Những chiếc xuồng nối đuôi nhau vào đảo. Đảo đây rồi, có nhiều tiếng thốt lên từ đáy lòng của họ. “Một màu xanh, một màu hòa bình đang hiện hữu nơi đây, dường như đảo gần lắm, gần như thể từ trái tim đến trái tim”. – Xúc động dâng trào, bà Huỳnh Thị Sinh – Việt kiều Mỹ, nói trong nước mắt.

Khi đặt chân lên đảo Song Tử Tây, mỗi thành viên trong đoàn đều mang trong mình những cảm xúc kỳ lạ, nó dâng lên những điều muốn nói, nó nghẹn ngào trong nước mắt. Đối với những Việt kiều, điều mà họ được chứng kiến trên đảo này, chứng kiến sức sống mãnh liệt của quân dân trên đảo đã trở thành chìa khóa mở những trái tim của họ. Người Việt vốn nhân văn, nhân ái, đó là truyền thống quý báu của dân tộc.

Ngay từ khi còn phục vụ trong quân ngũ của chính quyền Sài Gòn, ông Nguyễn Ngọc Lập đã mong muốn một ngày nào đó được đặt chân lên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhưng chưa thể thực hiện được. Vậy mà nay ước nguyện tưởng như cổ tích này đã được thực hiện. Ông Nguyễn Ngọc Lập không tin vào giây phút này, bất giác trong tim ông đau nhói, nỗi đau đó đã thức tỉnh ông về một quá khứ.

Còn đối với Đạo diễn Hoài Phong – một Việt Kiều Mỹ trước sự đổi thay của đảo, ông cũng không thể nói lên lời. Không còn gì để so sánh, không còn gì để đòi hỏi. Ông Hoài Phương chỉ tiếc tuổi đã cao không còn làm gì được nữa, nhưng ông hứa, lời hứa từ trái tim của người con xa xứ.

Lời ca tiếng hát của quân dân trên đảo hòa quyện với những xúc cảm dâng trào trong lòng mỗi người con xa xứ đã trở thành một giai điệu trầm hùng, một giai điệu đại đoàn kết dân tộc. Họ cùng nắm tay cùng hát khúc ca về biển trời đất Việt. Tình cảm sâu lắng đã lan tỏa trong mỗi người con xa xứ, thành viên trong đoàn kiều bào.

10 ngày lênh đênh trên biển là khoảng thời gian không dài nhưng thật sự đầy ý nghĩa với mỗi thành viên trong đoàn kiều bào. Những khoảng cách về địa lý, bất đồng… đã được thu hẹp. Chuyến đi này không chỉ là dịp để những người con xa xứ được tận mắt chứng kiến cảnh đẹp, tiềm năng biển của Việt Nam. Qua chuyến đi, những người xưa này còn có những hoài nghi về sự quyết tâm bảo vệ biển đảo của chính quyền Hà Nội đã thay đổi nhận thức của mình. “Một chuyến tàu mang đúng tên gọi chuyến tàu hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc”. Biển đảo đã làm cho mỗi con người Việt Nam dù ở trong nước hay ngoài nước xích lại gần nhau bởi họ cùng chung một dòng máu Lạc Hồng. Hy vọng rằng sẽ tiếp tục có thêm nhiều hơn nữa những chuyến tàu của kiều bào để những người con xa xứ hiểu biết rõ về biển đảo của đất nước./.

                                                                        BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới