Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỸ BÁN TÀU KHU TRỤC CHO ĐÀI LOAN ĐỂ GÂY SỨC ÉP...

MỸ BÁN TÀU KHU TRỤC CHO ĐÀI LOAN ĐỂ GÂY SỨC ÉP VỚI TRUNG QUỐC

Trước những hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Mỹ không chỉ cung cấp nguồn tài chính hỗ trợ Việt Nam, Philippines mà còn tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Ngày 18/12/2014, Tổng thống Barack Obama đã đặt bút ký phê chuẩn “Dự luật chuyển giao tàu chiến hải quân”, mở đường cho việc bán 4 tàu khu trục nhỏ Mỹ không còn sử dụng cho Đài Loan. Trước đó, cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cho phép bán 4 tàu hộ vệ tên lửa lớp Oliver Hazard Perry cho Đài Loan.

Theo Đạo luật về quan hệ với Đài Loan, Mỹ có nghĩa vụ trợ giúp Đài Loan trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công. Đạo luật này có hiệu lực từ năm 1979 khi Washington cắt quan hệ ngoại giao chính thức với hòn đảo này để công nhận một nhà nước Trung Quốc. Cơ quan phòng vệ Đài Loan cảm ơn Mỹ vì thông qua thương vụ, cho rằng nước này đang cam kết thực hiện Đạo luật về Quan hệ với Đài Loan để hỗ trợ an ninh hòn đảo.

Đầu tháng 12/2014, Người phát ngôn cơ quan phòng vệ Đài Loan David Lo cho biết hòn đảo này sẽ dành khoảng 176 triệu USD để mua hai tàu khu trục. Khoản tiền này chưa bao gồm những chi phí nâng cấp cần thiết khác. Ngoài ra, Đài Loan cũng sẽ xem xét nhu cầu để quyết định mua thêm hai tàu nữa. Ông David Lo nhấn mạnh: “Ngân sách để mua hai tàu khu trục đã được thông qua”, “chúng tôi (Đài Loan) hy vọng Mỹ sẽ không chịu tác động trước những mối đe dọa từ phía Trung Quốc”. Ông Lo bày tỏ hy vọng các tàu này có thể lập tức đi vào hoạt động.

Bốn tàu hộ tống bán cho Đài Loan gồm các chiếc Taylor, Gary, Carr và Elrod, đều vừa nhận quyết định cho nghỉ hưu từ cuối tháng 9/2014. Lẽ ra các tàu này được chuyển cho Thái Lan và Pakistan, tuy nhiên do đảo chính ở Thái Lan và tình hình chính trị biến động ở Pakistan khiến Mỹ hủy việc cung cấp tàu cũ này.

Thông thường các tàu chiến cũ của Hải quân Mỹ khi hết hạn phục vụ sẽ được xem xét bán cho hải quân một số nước đồng minh, được xem là có lợi cho cả hai bên. Trước tiên, tàu sẽ được tân trang tại Mỹ, mang lại việc làm ở Mỹ, và các hãng Mỹ còn thêm hợp đồng bảo trì bảo dưỡng khi giao tàu. Còn nước nhận tàu thì tiếp nhận hệ thống chiến đấu theo tiêu chuẩn Mỹ.

Tàu hộ tống lớp Oliver Hazard Perry được đưa vào hoạt động từ những năm 1970 như loại tàu hộ tống có giá thành rẻ, trang bị pháo, ngư lôi diệt tàu ngầm, tên lửa phòng không để bảo vệ hạm đội và các tàu đổ bộ. Tàu dài 124 m, ngang 14 m, lượng choán nước 4.200 tấn, tốc độ tối đa 54 km/giờ, tầm hoạt động 8.300 km. Tàu có tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm, ngư lôi, súng bắn nhanh chống mục tiêu di động, sàn sau bố trí trực thăng.

Nguyên bản tàu thuộc lớp Perry được trang bị tên lửa hành trình chống hạm chủ lực RGM – 84 Harpoon, tầm bắn 130km có khả năng bắn hạ mục tiêu ở trần bay hơn 24 km. Tàu Perry được trang bị pháo hạm Oto Melara Mk75 cỡ 76mm có khả năng tiêu diệt mục tiêu cỡ nhỏ tầm gần ở cự ly dưới 16km và mục tiêu trên không tầm bắn 12km. Ngoài ra tàu còn được trang bị tổ hợp pháo phòng không tầm cực gần Phalanx Mk15 Block 1B (tầm bắn 1.500m) cung cấp khả năng đánh chặn tên lửa hành trình đối hạm và chống máy bay tầm thấp.

Đến đầu thế kỷ 21, Hải quân Mỹ phát triển loại tên lửa đánh chặn tên lửa Standard SM – 1 cho các tàu chiến đời mới, phóng bằng các ống phóng thẳng đứng, thì lớp tàu Oliver Hazard Perry không thích ứng để trang bị tên lửa này do tàu chỉ có các ống phóng đặt bên trên tàu.

Trung Quốc hết sức tức giận trước việc Mỹ quyết định bán tàu khu trục cho Đài Loan. Trung Quốc đã trao công hàm phản đối Mỹ cả ở Bắc Kinh và Washington và lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Mỹ. Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 19/12, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương khẳng định: “Vấn đề Đài Loan liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”; Bắc Kinh “kiên quyết phản đối Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan”. Ông Tần nhấn mạnh quyết định của Mỹ đã “can thiệp vào công việc nội bộ” và “làm tổn hại chủ quyền và lợi ích an ninh” của Trung Quốc, “đi ngược với xu thế phát triển hoà bình” của quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan hiện nay. Đồng thời, yêu cầu phía Mỹ “tôn trọng chính sách một Trung Quốc”, “dừng việc qua lại quân sự và cung cấp vũ khí” cho Đài Loan.

Cũng trong ngày 19/12, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh nhận định hành động của Mỹ đã “can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc”, “làm tổn hại nghiêm trọng tới chủ quyền và lợi ích an ninh” của nước này.

Việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan hàng năm luôn là vấn đề thường trực gây căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ. Những năm gần đây, mỗi khi Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan đều đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Năm 2010 quan hệ hai nước diễn biến căng thẳng với việc đình chỉ hầu hết các cơ chế liên lạc về quân sự song phương sau khi Mỹ quyết định bán cho Đài Loan gói vũ khí trị giá 6,4 tỷ USD.

Việc Mỹ bán tàu khu trục cho Đài Loan bất chấp sự phản đối của Trung Quốc không chỉ nhằm giúp Đài Loan chống lại sự đe dọa từ Trung Quốc mà còn nhằm khẳng định việc Mỹ kiên trì theo đuổi chính sách “xoay trục” về Châu Á – Thái Bình Dương

Đài Loan cũng được phép đóng 8 tàu lớp Oliver Hazard Perry tại tập đoàn đóng tàu Trung Hoa, nay được trang bị thêm 4 chiếc do Hải quân Mỹ bàn giao. Điều này sẽ giúp Đài Loan tăng cường đáng kể sức mạnh hải quân, tạo cho Đài Loan sức mạnh để đối phó với mối đe dọa từ Bắc Kinh.

Rõ ràng việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động gây hấn với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, với Philippines và Việt Nam ở Biển Đông đã thúc giục Mỹ thi hành một chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc và chú trọng nâng cao năng lực phòng thủ của các đồng minh và các nước bạn bè ở khu vực như Việt Nam./.

                                                                                    BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới