Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐảo Phú Quốc trên đường trở thành một Đặc khu kinh tế

Đảo Phú Quốc trên đường trở thành một Đặc khu kinh tế

Phu Quoc 3BienDong.Net: Theo báo chí quốc nội, Chính phủ Việt Nam vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí tổng hợp có casino tại Phú Quốc. Đây được coi là một bước quan trọng trong tiến trình xây dựng Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế kiểu mẫu của Việt Nam.

 

Phu Quoc 1

Tàu cảnh sát biển Việt Nam trên vùng biển Phú Quốc (ảnh BienDong.Net)

Huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, là một trong 3 khu kinh tế của Việt Nam được ưu tiên đầu tư phát triển bằng vốn ngân sách nhà nước từ nay đến năm 2020.

Các quan chức tỉnh Kiên Giang cho biết casino được xây dựng trên diện tích 30.000 m2 với 200 – 400 bàn đánh bạc, 2.000 máy chơi bạc, ngoài ra còn có trung tâm hội nghị, hội thảo quốc tế và khách sạn 5 sao 3.000 phòng… Nhà đầu tư muốn tham gia phải cam kết vốn từ 4 tỷ USD trở lên.

Đảo Phú Quốc, đảo lớn nhất của Việt Nam, còn gọi là Đảo Ngọc, có diện tích 589 km2, tương đương Singapore, dân số 96.940 người. Nơi đây hiện đang đầu tư, hoàn thiện và đưa vào khai thác những dự án cơ sở hạ tầng lớn như cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cảng biển quốc tế An Thới, công trình xây dựng trục đường chính xuyên đảo từ An Thới – Dương Đông – Bãi Thơm; đường vòng quanh đảo và các tuyến nhánh đến các điểm du lịch, các khu dân cư.

Trong những năm gần đây, vấn đề phát triển kinh tế xã hội của Phú Quốc được sự quan tâm đặc biệt. Sau khi được công nhận là đô thị loại II vào tháng 9/2014, huyện đảo Phú Quốc dự kiến sẽ trở thành một thành phố trực thuộc tỉnh Kiên Giang vào năm 2015 và trở thành đặc khu hành chính – kinh tế trực thuộc trung ương vào năm 2020. Trong những năm qua, Phú Quốc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 25% với bình quân thu nhập đầu người hơn 3.416 USD/người/năm, là mức cao so với các địa phương khác trong nước.

Theo dự thảo quy hoạch tổng thể đến năm 2030, Phú Quốc sẽ đi theo đường hướng phát triển bền vững; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng và quốc gia. Qui hoạch cũng đề ra mục tiêu từng bước xây dựng Phú Quốc trở thành một thành phố biển – đảo, trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; là trung tâm thương mại, dịch vụ cao cấp, trung tâm tài chính của khu vực và là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ chuyên ngành.

Phu Quoc 2

Thu hoạch cá chích – nguyên liệu chế biến đặc sản nước mắm Phú Quốc (ảnh BienDong.Net)

Báo Tuổi Trẻ cho biết Đặc khu Phú Quốc trong tương lai sẽ là đơn vị hành chính tương đương tỉnh – TP trực thuộc trung ương và có 10 phường, xã trực thuộc (gồm tám xã, thị trấn và hai xã đảo hiện nay).

Mô hình chính quyền của đặc khu Phú Quốc được tổ chức thành hai cấp là cấp đặc khu và cấp phường, xã. Chính quyền đặc khu là cấp chính quyền hoàn chỉnh, có HĐND và UBND (cơ quan hành chính), có tư cách pháp nhân và ngân sách riêng.

HĐND đặc khu được thiết lập theo hướng thực quyền và có tính chuyên nghiệp cao. Đại biểu HĐND có thể làm việc trong các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, doanh nghiệp… đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các cộng đồng dân cư khác nhau trên địa bàn. Hạn chế tối đa số đại biểu trong các cơ quan hành chính.

Phu Quoc 3

Phú Quốc với vẻ đẹp hoang sơ (ảnh BienDong.Net)

Đứng đầu đặc khu là bí thư đảng bộ kiêm trưởng đặc khu, do HĐND đặc khu bầu (không nhất thiết là đại biểu HĐND) và Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn. Các phó trưởng đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm theo đề nghị của trưởng đặc khu.

Cũng theo dự thảo, đặc khu Phú Quốc sẽ được hưởng các cơ chế chính sách đặc thù về nguồn nhân lực, thu hút đầu tư, quản lý và sử dụng đất đai, thuế, quản lý xuất nhập cảnh và các cơ chế chính sách khác có tác dụng tạo điều kiện rộng mở để Phú Quốc phát triển tốt nhất.

Các dự án đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Phú Quốc sẽ được xem xét, phê duyệt với thủ tục đơn giản nhất kèm theo chính sách thuế đặc biệt ưu đãi.

Dự thảo cũng đề xuất cho phép Phú Quốc được phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu công trình và các phương thức huy động vốn với ưu đãi cao hơn trong các quy định hiện hành. Đặc biệt, trong 10 năm đầu thành lập, đặc khu Phú Quốc được giữ lại 100% nguồn thu ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng, bên cạnh các nguồn vốn ưu tiên từ ngân sách trung ương.

Cũng theo dự thảo, chính quyền phường xã ở Phú Quốc sẽ không có HĐND mà chỉ có ủy ban hành chính là cơ quan đại diện của chính quyền đặc khu và không có tư cách pháp nhân, không có ngân sách riêng. Chính quyền phường, xã thực hiện chức năng, quyền hạn theo cơ chế ủy quyền của chính quyền đặc khu và là “cánh tay nối dài” của các cơ quan chuyên môn cấp sở trong hoạt động quản lý nhà nước.

Theo Ban quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc, hiện trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc có 136 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn 140.215 tỷ đồng, với tổng diện tích hơn 5.000ha.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới