Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPHILIPPINES VÀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

PHILIPPINES VÀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Trong 2 năm qua kể từ khi Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế, quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc trở nên lạnh nhạt. Trung Quốc luôn chỉ trích và tìm mọi cách cô lập Philippines nhằm gây sức ép buộc Philippines từ bỏ vụ kiện. Tuy nhiên, Philippines đã kiên cường theo đuổi vụ kiện và đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước, trong đó có Mỹ và nước láng giềng Việt Nam.

Một mặt, Philippines tỏ ra mềm dẻo hơn trong cách ứng xử với Trung Quốc, mặt khác kiên quyết đấu tranh với những hành động gây hấn của Trung Quốc. Trong năm 2014, Philippines đã nhiều lần lên tiếng tố cáo những các hành vi sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông; phản đối việc các tàu cá Trung Quốc thường xuyên vi phạm vùng biển của Philippines đánh bắt trái phép. Tháng 8/2014, Philippines đã kết án tù 12 ngư dân Trung Quốc đánh bắt tại bãi san hô Tubbataha của Philippines; tháng 9/2014, Philippines mở phiên tòa xét xử 9 ngư dân Trung Quốc về tội bắt trộm rùa biển tại khu vực bãi Trăng Khuyết, quần đảo Trường Sa. Philippines liên tiếp phản đối việc tàu Trung Quốc hoạt động tại bãi Cỏ Rong và việc Trung Quốc khống chế bãi cạn Scarborough.

Để đối phó với Trung Quốc, Philippines tăng cường hợp tác với Mỹ, cùng Mỹ tiến hành tập trận quy mô lớn trên biển: tháng 6/2014, Philippines và Mỹ tiến hành cuộc tập trận mang tên CARAT tại khu vực phía Tây quần đảo Luzon; tháng 9/2014, Philippines và Mỹ tổ chức tập trận đổ bộ Phiblex trên biển nhằm nâng cao năng lực phản ứng trước các vấn đề khu vực và thảm họa nhân đạo, các vấn đề an ninh hàng hải trong Châu Á – Thái Bình Dương.

Việc đảm bảo hòa bình tại Biển Đông (Philippines gọi là biển Tây Philippines) được coi là nhiệm vụ trọng tâm của Philippines trong 2 năm cuối cùng nhiệm kỳ của Tổng thống Aquino. Điều này đã được khẳng định trong Thông báo ngày 27/7/2014 của Bộ Ngoại giao Philippines. Trong đó nhấn mạnh một số ưu tiên trong 2 năm cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Aquino là: (i) giữ gìn an ninh quốc gia; (ii) đảm bảo tăng trưởng và phát triển; (iii) bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người dân Philippines ở nước ngoài; (iv) nâng cao giá trị quản lý điều hành.

Đối với các vấn đề Biển Đông, Philippines theo đuổi 2 hướng chiến lược: một là, phát huy vai trò của ASEAN trong giải quyết tranh chấp trên biển với Trung Quốc, đối thoại trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thúc đẩy ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); hai là, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình thông qua Tòa án Trọng tài.

Để giải tỏa sức ép của Trung Quốc, năm 2014 Philippines đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền vận động các nước trên vấn đề Biển Đông. Tháng 9/2014, Tổng thống Philippines Aquino đã đi thăm một loạt các nước Châu Âu, vận động các nước ủng hộ cho lập trường của Philippines trên vấn đề Biển Đông. Trong trao đổi với các nhà Lãnh đạo Châu Âu, Tổng thống Aquino đã gắn vấn đề Biển Đông với lợi ích chung của các nước, khu vực và thế giới như các vấn đề: tự do, an toàn hàng hải, hàng không và tự do thương mại; nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường hòa bình phục vụ phát triển kinh tế, tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế trong hành xử giữa các nước, tầm quan trọng của việc giám sát thực thi phát luật trên biển; gắn lợi ích vụ kiện của Philippines với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, lợi ích của các quốc gia nhỏ trong khu vực…. Cách tiếp cận linh hoạt và thực tế của Philippines đối với vấn đề Biển Đông đã giúp Philippines nhận được sự hưởng ứng, đồng tình rộng rãi của cộng đồng quốc tế, thu hút sự quan tâm của thế giới đối với Biển Đông.

Đặc biệt, trong các bài phát biểu của mình, Tổng thống Aquino đã đưa ra những lời lẽ mạnh mẽ phê phán gay gắt những hành động vi phạm luật pháp (ám chỉ những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông). Ông Aquino nhấn mạnh rằng các giải pháp bền vững, hòa bình và đàng hoàng trong giải quyết các tranh chấp không phải nằm ở những hành động hiếu chiến, lừa dối, phô trương sức mạnh quân sự, lén lút thay đổi hiện trạng trên biển.

Mỹ, Nhật và các đồng minh của Mỹ được Philippines coi là đối tác quan trọng để tạo đối trọng với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông; giúp Philippines không đơn độc trong đấu tranh với hành vi xâm lấn của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông bởi những hành động hiếu chiến của Trung Quốc và sự hạn chế về tiềm lực quốc phòng trong đối đầu quân sự đã khiến Philippines phải xích lại gần hơn với Mỹ, mong muốn làm mới lại quan hệ đồng minh và có được sự ủng hộ lớn hơn từ phía Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ đang tích cực triển khai chính sách “xoay trục” sang Châu Á – Thái Bình Dương, muốn tăng cường can dự vào khu vực và Biển Đông nên Mỹ cũng có nhu cầu củng cố quan hệ đồng minh với Philippines để kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông. Đây là nhân tố quan trọng để Philippines và Mỹ thắt chặt hơn quan hệ, nhất là trên các lĩnh vực biển. Mỹ muốn giúp Philippines tăng cường năng lực phòng thủ trên biển để đối chọi với Trung Quốc.

Trên thực tế, Mỹ là quốc gia ủng hộ tích cực nhất cho việc Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài. Hồi đầu tháng 12/2014, Mỹ chính thức đưa ra Báo cáo Ranh giới các vùng biển số 143 với nhiều lập luận khách quan, khoa học bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là sự ủng hộ mạnh mẽ nhất cho vụ kiện Biển Đông của Philippines.

Câu hỏi đặt ra là Philippines sẽ làm gì trên hồ sơ Biển Đông trong năm 2015? Năm 2015 là năm then chốt trong tiến trình vụ kiện của Philippines. Tòa Trọng tài sẽ đi vào xem xét các nội dung của vụ kiện. Trong những ngày đầu tháng 12/2014, Philippines đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Việt Nam, một quốc gia có tranh chấp trên biển gay gắt với Trung Quốc. Việt Nam đã gửi đến Tòa Trọng tài vụ kiện một bản Tuyên bố bày tỏ lập trường của mình, trong đó rất nhiều quan điểm đồng nhất với Philippines như Việt Nam đã ủng hộ việc Tòa Trọng tài có thẩm quyền xem xét các nội dung kiện của Philippines. Đây là điểm hết sức mấu chốt, giúp Tòa có thẩm quyền thụ lý vụ kiện.

Việt Nam cũng đã khẳng định mạnh mẽ việc bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”, một trong những nội dung chính của vụ kiện của Philippines. Việt Nam còn ủng hộ Philippines bằng việc khẳng định quan điểm pháp lý về quy chế các đảo ở Trường Sa, theo đó các cấu trúc nêu trong đơn kiện của Philippines là các đá, bãi ngầm chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý, không có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng. Đây cũng chính là quan điểm của Philippines nêu trong Bản lập luận mà Philippines đã gửi đến Tòa Trọng tài hôm 30/3/2014.

Trọng tâm trong chính sách của Philippines trên vấn đề Biển Đông năm 2015 sẽ là vụ kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài. Philippines sẽ tập trung thúc đẩy vụ kiện có kết quả trước khi Tổng thống Aquino kết thúc nhiệm kỳ. Xem ra Philippines đang có nhiều lợi thế trong vụ kiện này. Kết quả của vụ kiện sẽ tác động mạnh mẽ đến việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

Để đạt được mục tiêu của mình trong vụ kiện Biển Đông, Philippines sẽ tiếp tục vận động các nước lớn như Mỹ, Nhật, EU và các nước ASEAN ủng hộ cho Philippines trong việc sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp thông qua Tòa Trọng tài./.

                                                                                                            BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới