Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVỤ KIỆN BIỂN ĐÔNG DO PHILIPPINES KHỞI XƯỚNG

VỤ KIỆN BIỂN ĐÔNG DO PHILIPPINES KHỞI XƯỚNG

BienDong.Net: Philippines khởi xướng kiện ra Tòa Trọng tài chống lại Trung Quốc đã tròn 2 năm. Bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, vụ kiện vẫn diễn ra theo đúng trình tự quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và được Tòa Trọng tài chính thức đặt tên là “vụ kiện Biển Đông”. Việc đặt tên gọi như vậy cho vụ kiện đã cho thấy Tòa Trọng tài ý thức được rằng vụ kiện này ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

Năm 2015 là năm mang tính quyết định của vụ kiện bởi nó bước vào giai đoạn then chốt nhất, các quan Tòa sẽ bắt đầu xem xét vụ kiện. Chúng ta cùng nhau nhìn lại về vụ kiện này.

Có hai nội dung chính trong vụ kiện Biển Đông của Philippines: một là, Philippines cho rằng yêu sách về biển của Trung Quốc ở Biển Đông theo “đường chín đoạn” là trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; hai là, các cấu trúc mà Trung Quốc đang chiếm đóng ở Trường Sa chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý do các cấu trúc này chỉ có thể được coi là “đá” (không phải “đảo” để được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa) theo quy định tại Điều 121 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Trước hết, vì sao Philippines sử dụng thủ tục Trọng tài theo Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982? Philippines chọn việc sử dụng cơ chế này bởi nó là cơ chế “mặc định” để giải quyết bất đồng liên quan đến biển giữa các thành viên Công ước liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 trong trường hợp các bên tranh chấp không thỏa thuận được về thủ tục giải quyết tranh chấp. Cơ chế Trọng tài không đòi hỏi sự đồng ý của bên bị kiện, trong khi đó các cơ chế khác như Tòa án Công lý quốc tế hay Tòa án quốc tế về Luật biển chỉ có thể sử dụng để giải quyết tranh chấp nếu có được sự đồng ý của bên bị kiện Trung Quốc.

Thủ tục Trọng tài theo Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 bị hạn chế bởi Tuyên bố năm 2006 của Trung Quốc, theo đó Tòa Trọng tài sẽ không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến vấn đề phân định biển hay tranh chấp về chủ quyền. Do vậy, Philippines phải tìm cách hóa giải những hạn chế này. Trong Tuyên bố khởi kiện và trong Bản lập luận gửi Tòa, Philippines đã chủ động nói rõ rằng họ không yêu cầu Tòa phân xử vấn đề chủ quyền đối với các cấu trúc ở Biển Đông và cũng không yêu cầu Tòa tiến hành phân định các vùng biển ở Biển Đông.

Philippines đã căn cứ vào Điều 121 của Công ước Luật biển để yêu cầu Tòa phán quyết các cấu trúc mà Trung Quốc đang chiếm đóng ở Trường Sa chỉ có lãnh hải 12 hải lý mà không cần xác định chủ quyền của các cấu trúc này thuộc về quốc gia nào. Có một lô gích là nếu xung quanh các cấu trúc mà Trung Quốc đang chiếm đóng chỉ có lãnh hải 12 hải lý thì sẽ không nảy sinh tranh chấp về phân định biển với vùng biển của các nước ven Biển Đông tính từ đường cơ sở của quốc gia này.

Liên quan đến “đường chín đoạn”, trong Bản lập luận gửi Tòa, Philippines đã đưa ra các lập luận bác bỏ về cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc trong “đường chín đoạn”; đồng thời Philippines căn cứ vào Điều 121 Công ước Luật biển để khẳng định rằng tất cả các cấu trúc ở Trường Sa chỉ là “đá” không đủ điều kiện để có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa. Do vậy, cho dù các cấu trúc ở Trường Sa thuộc về quốc gia nào thì cũng không thể tạo ra vùng biển tranh chấp với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa tính từ đường cơ sở của các quốc gia ven Biển Đông.

Sự khôn khéo trong các lập luận của Philippines là buộc Trung Quốc phải làm rõ hoặc giải thích về nội hàm của yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Một điều mà cho đến nay Trung Quốc chưa thể làm được mặc dù nhiều nước và nhiều nhà nghiên cứu quốc tế đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc làm rõ yêu sách của họ theo luật pháp quốc tế.

Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển đã dự trù sẵn phương án thủ tục về việc thành lập Tòa Trọng tài trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận về việc chỉ định Trọng tài viên. Do vậy, mặc dù Trung Quốc phản đối, không tham gia vụ kiện, không chỉ định Trọng tài viên của mình song Chánh án Tòa án quốc tế về Luật biển đã chỉ định Trọng tài viên này và Tòa Trọng tài đã được thành lập theo đúng thủ tục trình tự của Công ước Luật biển.

Lúc đầu, Philippines có vẻ đơn độc trong vụ kiện, nhưng đến nay, Philippines đã từng bước nhận được sự ủng hộ của các nước như Mỹ, Nhật, các nước EU, Úc, Ấn Độ…. Đặc biệt, việc Mỹ công bố Báo cáo Ranh giới các vùng biển số 143, đưa ra các lập luận khoa học, khách quan bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” là sự ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với Philippines trong vụ kiện này.

Việt Nam mặc dù không tuyên bố công khai ủng hộ Philippines, song việc Việt Nam gửi Tuyên bố đến Tòa Trọng tài đưa ra các quan điểm pháp lý đồng nhất với Philippines cho thấy Việt Nam đã đứng về phía Philippines trong vụ kiện. Đây là điều dễ hiểu bởi cả Việt Nam và Philippines đều là nạn nhân trong chính sách bành trướng và những hoạt động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông và Việt Nam có lợi ích trong việc Tòa Trọng tài ra phán quyết đối với các nội dung vụ kiện của Philippines, nhất là bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn”.

Không những thế, Philippines còn được hưởng lợi từ phát biểu của Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu hồi đầu tháng 9/2014 tại một cuộc triển lãm về Biển Đông ở Đài Loan, trong đó ông Mã Anh Cửu khẳng định rằng bản đồ “đường chín đoạn” chỉ là yêu sách đối với các cấu trúc ở Biển Đông nằm bên trong đường này và các vùng lãnh hải xung quanh các cấu trúc này theo luật pháp quốc tế đương thời. Điều này là sự bác bỏ đối với quan điểm của Trung Quốc Đại lục đòi hỏi yêu sách đối với toàn bộ vùng nước bên trong “đường chín đoạn”.

Mặc dù, ngày 07/12/2014 Trung Quốc đã công bố Tài liệu lập trường của Trung Quốc đối với vụ kiện Biển Đông của Philippines, trong đó đưa ra các lập luận bác bỏ thẩm quyền của Tòa đối với các nội dung khởi kiện của Philippines, nhưng có thể thấy rằng các lập luận mà Trung Quốc đưa ra hoàn toàn không có tính thuyết phục.

Theo quy định của Công ước Luật biển 1982, Tòa Trọng tài hoàn toàn có thẩm quyền để giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Điều 121 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 đối với các cấu trúc ở Biển Đông bất luận các cấu trúc đó thuộc về quốc gia nào. Vấn đề này không liên quan đến phân định biển hay nói đúng hơn nó nằm trước giai đoạn phân định biển bởi lẽ chỉ sau khi xác định các cấu trúc ở Biển Đông có vùng biển không và rộng bao nhiêu thì mới biết được có vùng chồng lấn ở đâu và có cần phân định hay không.

Một thuận lợi nữa cho Philippines trong vụ kiện Biển Đông là sức ép của cộng đồng quốc tế trước việc cần làm rõ các tranh chấp ở Biển Đông theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Không có bất kỳ quốc gia nào ở khu vực và trên thế giới (kể cả các quốc gia có quan hệ gần gũi với Trung Quốc) ủng hộ cho yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, trong khi đó hầu hết các nước đều bất bình với yêu sách phi lý này của Trung Quốc. Nhiều nước đã lên tiếng công khai phê phán yêu sách này.

Tại các cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông thời gian qua, giới luật gia và các nhà nghiên cứu đều cho rằng yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc là không phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, đồng thời yêu cầu Trung Quốc làm rõ các yêu sách của họ ở Biển Đông trên cơ sở các quy định của Công ước Luật biển 1982.

Vụ kiện Biển Đông của Philippines đang đặt lên vai các Trọng tài viên một trọng trách hết sức nặng nề đối với việc đưa ra cơ sở pháp lý cho giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông mà mỗi Trọng Tài viên đều phải cân nhắc một cách nghiêm túc và thận trọng.

Nếu Tòa Trọng tài xác định không có thẩm quyền xem xét về yêu sách “đường chín đoạn” nghĩa là đi ngược lại mong đợi của cả cộng đồng quốc tế. Điều này sẽ là một thảm họa đối với hòa bình ổn định ở Biển Đông vì Trung Quốc sẽ càng có cớ để hoành hành ở Biển Đông. Một điều hết sức quan trọng là nếu điều này xảy ra đồng nghĩa với việc tranh chấp ở Biển Đông sẽ không thể giải quyết được bằng pháp lý; luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật biển 1982 sẽ không còn ý nghĩa đối với các tranh chấp ở Biển Đông.

Các Trọng tài viên trong vụ kiện Biển Đông của Philippines đều là những người ủng hộ mạnh mẽ cho việc đề cao giá trị của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, do vậy chúng ta hoàn toàn tin tưởng các quan tòa sẽ có một cách nhìn khách quan trong vụ kiện này để đưa ra những quyết định công bằng cả về vấn đề thẩm quyền cũng như đối với việc xem xét các nội dung vụ kiện dựa trên luật pháp quốc tế.

Nếu Tòa Trọng tài đưa ra một phán quyết công minh trong vụ kiện Biển Đông của Philippines sẽ tạo ra bước ngoặt cho việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Cho dù Trung Quốc có phản đối và không tuân thủ phán quyết của Tòa thì một phán quyết của Tòa bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng pháp lý. Nếu Trung Quốc không tuân thủ các phán quyết của Tòa thì hình ảnh của Trung Quốc trong con mắt cộng đồng quốc tế sẽ xấu đi nghiêm trọng. Đây là điều Trung Quốc không hề mong muốn. Ít nhất thì phán quyết của Tòa sẽ buộc Trung Quốc phải cân nhắc thận trọng các hành động của họ ở Biển Đông./.

BDN

 

RELATED ARTICLES

Tin mới