Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiYÊU SÁCH VỀ CÁI GỌI LÀ “QUYỀN LỊCH SỬ” CỦA TRUNG QUỐC...

YÊU SÁCH VỀ CÁI GỌI LÀ “QUYỀN LỊCH SỬ” CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ” KHÔNG CÓ CĂN CỨ

BienDong.Net: Mặc dù Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra một lời giải thích rõ ràng, chính thức về yêu sách “đường lưỡi bò” của họ ở Biển Đông, nhưng thời gian qua một số học giả và cả quan chức Trung Quốc đã nhiều lần đề cập đến cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với các vùng biển nằm trong yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Xét từ góc độ luật pháp quốc tế và các án lệ quốc tế thì quan điểm này của Trung Quốc là không có căn cứ.

“Quyền lịch sử” đối với một vùng nước hay nói cách khác, vùng nước lịch sử được định nghĩa là vùng nước mà tại đó quốc gia đã thực thi các quyền chủ quyền của mình một cách rõ ràng, hữu hiệu, liên tục và trong một khoảng thời gian đáng kể và được sự chấp thuận của cộng đồng các quốc gia khác.

Theo đề nghị của Ủy ban Luật pháp quốc tế, năm 1962, Văn phòng Luật pháp của Ban Thư ký Liên hợp quốc (OLA) đã tiến hành một nghiên cứu về các điều kiện pháp lý để chiếm hữu vùng nước lịch sử. Những quan điểm nói trên về vùng nước lịch sử đã được nêu rõ trong nghiên cứu của OLA. Theo đó, dường như có sự nhất trí chung rằng cần hội tụ ít nhất 3 yếu tố để quyết định liệu một quốc gia có chiếm hữu danh nghĩa lịch sử hay “quyền lịch sử” cho một vùng biển hay không: một là, việc quốc gia thực thi quyền lực lên khu vực yêu sách quyền lịch sử; hai là, tính liên tục của việc thực thi quyền lực đó; ba là, thái độ của các quốc gia khác.

Yếu tố thứ nhất và thứ hai yêu cầu nước có yêu sách phải thực thi quyền lực thông qua các hành vi thể hiện chủ quyền ở mức độ thường xuyên và hữu hiệu hay nói cách khác, việc thực thi quyền lực phải liên tục trong một khoảng thời gian dài, không gián đoạn.

Căn cứ vào 2 yếu tố này thì Trung Quốc cần phải chứng minh được họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng nước trong “đường lưỡi bò” một cách thực sự và liên tục trong một thời gian dài. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng Trung Quốc không thể làm được điều này bởi lẽ các văn kiện chính thức của nhà nước Trung Quốc trước năm 1909 như Đại Nguyên Nhất Thống Chí (năm 1294), Đại Minh Nhất Thống Chí (năm 1461), Đại Thanh Nhất Thống Chí (năm 1842) đều khẳng định “cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là Nhai huyện, đảo Hải Nam”.

Các bản đồ của chính Trung Quốc và các bản đồ về lãnh thổ Trung Quốc của nước ngoài cùng thời cũng vẽ và giải thích phù hợp với các văn kiện chính thức kể trên của Trung Quốc. Bản đồ Trung Quốc thế kỷ 17 của Peter de Goyer và Jacob de Keyzer thuộc Công ty Đông Ấn – Hà Lan đã có lời giải thích rất rõ “nơi xa nhất của Trung Quốc bắt đầu từ phía Nam đảo Hải Nam ở 18 độ vĩ Bắc, rồi từ đó ngược lên phía Bắc ở 42 độ vĩ Bắc”.

Trung Quốc không đưa ra được bằng chứng nào có sức thuyết phục về việc họ đã thực thi chủ quyền trong toàn bộ vùng biển rộng lớn “đường lưỡi bò” từ thời xa xưa. Và cho đến tận ngày nay, Trung Quốc cũng không có biện pháp hữu hiệu nào thực thi sự kiểm soát riêng biệt các vùng biển bên trong “đường lưỡi bò”. Trên thực tế, việc tự do đánh bắt cá và tự do hàng hải quốc tế của các quốc gia khác đều không bị cản trở, hơn thế nữa Trung Quốc chưa bao giờ có các hành vi thực thi quyền tài phán tại các vùng biển này.

Về yếu tố thứ 3 thì một điều có thể khẳng định là không có bất kỳ quốc gia nào trong cộng đồng quốc tế ủng hộ cho yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Trái lại, nhiều nước đã lên tiếng công khai phản đối yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Một vài học giả Trung Quốc ngụy biện cho yêu sách “đường lưỡi bò” của họ với lập luận rằng cộng đồng quốc tế đã không lên tiếng phản đối, ngăn chặn Trung Quốc củng cố các đòi hỏi của họ ở Biển Đông, các nước khác mới chỉ lên tiếng phản đối “đường lưỡi bò” trong thời gian qua. Một điều cần nhấn mạnh là Trung Quốc chưa bao giờ làm rõ yêu sách về “đường lưỡi bò” của họ ở Biển Đông nên các nước chưa thể lên tiếng phản đối một yêu sách mập mờ.

Đặc biệt, Tuyên bố năm 1958 của Trung Quốc đã xác định rõ các đảo của Trung Quốc tách biệt với đại lục bởi biển cả, chẳng lẽ lại tồn tại biển cả bên trong vùng nội thủy của Trung Quốc sao? Điểm 1 của Tuyên bố 1958 viết: “chiều rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Điều khoản này áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm lục địa và các đảo ven bờ của lục địa cũng như các đảo Đài Loan và xung quanh đó, quần đảo Bành Hồ (Penghu) và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc bị phân cách với đất liền và các đảo ven bờ biển của nó bởi biển cả”. Như vậy, chính các văn bản chính thức có giá trị pháp lý đã bác bỏ quan điểm của Trung Quốc về “quyền lịch sử” đối với các vùng biển trong yêu sách “đường lưỡi bò”.

Tại Hội nghị San Francisco tháng 9/1951, các quốc gia tham dự Hội nghị đã khước từ đề nghị trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thực tế tranh chấp về chủ quyền giữa Việt Nam – Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và giữa 5 nước, 6 bên (giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan) đối với quần đảo Trường Sa khẳng định rằng “đường lưỡi bò” không được các quốc gia khác thừa nhận, không đáp ứng được yếu tố thứ 3 về quyền lịch sử.

Sau khi Trung Quốc cho lưu hành tấm bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” ở Liên hợp quốc, Việt Nam, Indonesia, Philippines đã gửi Công hàm đến Liên hợp quốc phản đối yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Philippines đã chính thức khởi kiện chống lại Trung Quốc về yêu sách “đường lưỡi bò”; trong Bản lập luận gửi đến Tòa, Philippines đã đưa ra các lập luận bác bỏ cái gọi là “yêu sách về quyền lịch sử” đối với “đường lưỡi bò”. Việt Nam thì gửi Tuyên bố đến Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông của Philippines bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”. Mỹ cũng đã chính thức bày tỏ sự phản đối với yêu sách “đường lưỡi bò” thông qua việc công bố Báo cáo Ranh giới các vùng biển số 143.

“Quyền lịch sử” bên trong “đường lưỡi bò” của Trung Quốc được lồng ghép vào Luật về Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này. Điều này có nghĩa là Trung Quốc coi các vùng nước mà họ yêu sách quyền lịch sử sẽ được đặt dưới chế độ của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Như vậy, Trung Quốc đòi hỏi cả quyền chủ quyền và quyền tài phán riêng biệt đối với không chỉ đánh bắt cá mà còn đối với cả các nguồn tài nguyên sinh vật khác và các hoạt động khác tại vùng biển bên trong “đường lưỡi bò”. Qua đó có thể thấy yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với cách hiểu lâu nay về quyền lịch sử trong thực tiễn quốc tế. Mặc dù quyền lịch sử đã được nhiều quốc gia viện dẫn trước Tòa án quốc tế, nhưng yêu sách về quyền lịch sử mà Trung Quốc đòi hỏi lại chưa từng có tiền lệ.

Một điều rất thú vị là chính Trung Quốc đã từ chối công nhận Vịnh Bắc Bộ là vùng nước lịch sử. Vịnh Bắc Bộ không phải là vùng nước lịch sử thì làm sao mà cả Biển Đông rộng lớn như vậy lại trở thành vùng nước lịch sử được? Sự chối bỏ của Trung Quốc về vùng nước lịch sử tại một vùng biển nhỏ hơn Biển Đông rất nhiều và nằm tiếp giáp với bờ biển của Trung Quốc đã bác bỏ giả định hay đòi hỏi về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các vùng biển bên trong “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.

Tháng 9/2014, phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm về Biển Đông tại Đài Loan, ông Mã Anh Cửu, Tổng thống Đài Loan cũng đã gián tiếp bác bỏ cái gọi là quyền lịch sử bên trong “đường lưỡi bò” khi ông Mã Anh Cửu nói rằng bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” của Trung Hoa Dân quốc năm 1948 chỉ là yêu sách đối với các đảo và lãnh hải xung quanh các đảo này theo luật pháp quốc tế đương thời (nghĩa là 3 hải lý xung quanh các đảo này).

Cuối cùng có thể rút ra kết luận: một điều không thể chối cãi là trong giới học giả, nhà nghiên cứu quốc tế dường như có một quan điểm thống nhất rằng yêu sách về cái gọi là quyền lịch sử đối với vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là vô căn cứ vì không thỏa mãn các yếu tố của một vùng nước lịch sử theo luật quốc tế cũng như thực tiễn quốc tế./.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới