Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông từ...

Những hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông từ đầu năm 2015 đến nay

BienDong.Net: Từ đầu năm 2015 đến nay, tình hình Biển Đông tiếp tục nóng với nhiều diễn biến phức tạp khi Trung Quốc không ngừng gia tăng các hành động “lấn biển” nhằm khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò” và âm mưu “độc chiếm Biển Đông”. Diễn biến tình hình gần đây cho thấy, Trung Quốc bất chấp phản ứng của các nước, đặc biệt là các nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền biển, đảo với Trung Quốc, tiến hành các hoạt động trên tất cả các lĩnh trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Về hành chính, Trung Quốc từng bước hoàn thiện bộ máy chính quyền, xây dựng cơ sở hạ tầng cho cái gọi là “Thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa nhằm đưa khu vực này trở thành một phần không thể tách rời với lãnh thổ Trung Quốc, từ đó để thực hiện mục tiêu chiến lược của mình trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Ngày 6/01/2015, Trung Quốc quyết định thành lập cùng lúc 4 Ban Vũ trang Nhân dân trên “Thành phố Tam Sa” bao gồm Ban Vũ trang Nhân dân đảo Phú Lâm, Ban Vũ trang Nhân dân Thất Liên, một cụm gồm bảy đảo nhỏ thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Ban Vũ trang Nhân dân của cụm Lưỡi Liềm, Ban Vũ trang Nhân dân của quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc cho rằng, mục đích của các ban này được thành lập nhằm cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Nhưng thực chất, Trung Quốc đây lại là bước đi của Trung Quốc nhằm hoàn thiện bộ máy chính quyền của “Thành phố Tam Sa”.

Không chỉ tập trung hoàn thiện bộ máy chính quyền, Trung Quốc còn tiến tới xây dựng khung pháp lý cho các hoạt động của thành phố này. Ngày 10/01/2015, tại Hội nghị công tác cán bộ thành phố, chính quyền “Thành phố Tam Sa” đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 là: (1) Thực hiện tốt các nội dung của 04 quy hoạch và kế hoạch như Quy hoạch tổng thể phát triển Tam Sa, Quy hoạch tổng thể “con đường tơ lụa trên biển Thế kỷ 21”, Kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm và cơ sở dịch vụ công ở Tam Sa, Kế hoạch chuyển đổi mô hình sản xuất của ngư dân; (2) Thực hiện tốt 5 dự án, chương trình và hoạt động gồm: 03 dự án (quản lý vận hành tàu cá, sử dụng các công trình lưỡng dụng, thông tin hóa các đảo); 01 chương trình xây dựng đảng và chính quyền cơ sở và 01 hoạt động xanh hóa đảo. Ngoài ra, sở Dân chính tỉnh Hải Nam (23/01/2015) đã đồng ý cho phép “Thành phố Tam Sa” thành lập điểm đăng ký kết hôn trên đảo Phú Lâm.

Tại Hội nghị triển khai công tác đối ngoại năm 2015 của tỉnh Hải Nam ngày 23/01, Bí thư tỉnh ủy La Bảo Minh đã yêu cầu thực hiện công tác đối ngoại trọng tâm thời gian tới là bảo vệ “chủ quyền” Nam Hải, kiên trì phát triển mô hình quân – dân kết hợp, đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng và chính quyền cơ sở của Tam Sa.

Về hoạt động quân sự, Trung Quốc nâng tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng, dự kiến ngân sách quốc phòng của nước này sẽ đạt 238,2 tỷ USD vào năm 2015, tăng gấp đôi so với năm 2011 và vượt xa chi tiêu của tất cả các nước có ngân sách quốc phòng lớn nhất trong trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cộng lại[1]. Đặc biệt, Trung Quốc tiếp tục ưu tiên phát triển Hải quân và Không quân, nâng cao năng lực tác chiến vùng biển xa, cổ xúy quân đội chuẩn bị sẵn sàng cho các “cuộc chiến cục bộ”. Trung Quốc đã có kế hoạch mua sắm, trang bị, phát triển các loại vũ khí, trang bị quan trọng của quân đội Trung Quốc trong năm 2015[2].

Từ ngày 20 – 22/01/2015, Quân đội Trung Quốc tiến hành 3 cuộc diễn tập, trong đó có 02 cuộc tự diễn tập tại khu vực cách bờ Đông đảo Hải Nam khoảng 03 hải lý và diễn tập chuyên đề giả định ở khu vực cách đảo Phú Lâm – Hoàng Sa 0,4 hải lý từ ngày 6 – 12/01/2015, phối hợp với Mỹ tiến hành 01 cuộc diễn tập cứu trợ nhân đạo tại Biển Đông từ ngày 12 – 19/01/2015 tại khu vực Quảng Châu và Hải Nam. Chi đội tàu khu trục của hạm đội “Hải Nam” tổ chức cho tàu chiến triển khai huấn luyện thực chiến hóa; tổ chức đưa tàu tiếp vận hiện đại Tam Sa I tới nhiều đảo trên Biển Đông.

Lực lượng chấp pháp Trung Quốc tiếp tục xua đuổi và có hành động cứng rắn với tàu cá Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Trong thời gian từ ngày 07 – 25/01/2015, Trung Quốc duy trì 3 – 5 tàu hải cảnh và 01 tàu quân sự tiến hành tuần tra, kiểm soát và xua đuổi tổng cộng 14 tàu cá Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Về hoạt động thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông, Từ cuối năm 2013, Trung Quốc bắt đầu hoạt động đảo hóa và lấn biển nhằm đối đầu với chính sách “xoay trục” của Mỹ và đẩy hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ra khỏi Châu Á – Thái Bình Dương. Trong những ngày đầu năm 2015, Trung Quốc đẩy mạnh và ráo diết xây dựng và mở rộng nhiều đảo nhân tạo trong khu vực xảy ra tranh chấp với nhiều quốc gia trên Biển Đông bằng cách tạo dựng tại đây các đường băng, doanh trại quân sự và bến cảng tương đối đồ sộ về quy mô.

Theo tạp chí phân tích quốc phòng HIS Jane’s, hình ảnh bãi đá Gaven chụp từ vệ tinh cuối tháng 01/2015 cho thấy một đảo nhân tạo đã hình thành. Diện tích của đảo nhân tạo trên bãi đá Tư Nghĩa thuộc quần đảo Trường Sa tăng gấp 200 lần so với năm 2004, lên 75.000m2, được thiết kế như một pháo đài nổi, vừa có bãi đáp cho máy bay trực thăng, vừa sở hữu cầu cảng cho chiến hạm neo đậu, giúp Trung Quốc tăng cường năng lực khống chế cả trên không và trên biển. Bãi đá Gạc Ma cũng đang được Trung Quốc gấp rút xây dựng. Trung Quốc cũng đã mở rộng bãi đá Chữ Thập lên đến gần 200ha và xây dựng ở đây một đường băng dài 3 km. Ngày 3/01, Trung Quốc lần đầu tiên công bố ảnh về hoạt động quân sự trên bãi đá Chữ Thập. Việc làm này cho thấy Trung Quốc không giấu giếm về việc họ đang thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng việc Trung Quốc đẩy nhanh việc cải tạo, xây dựng các đảo đá ở Biển Đông nhằm: (i) Xây dựng các sân bay, kho tiếp nhiên liệu cho tàu chiến, cung ứng hậu cần và làm điểm neo đậu cho các tàu đánh cá và các tàu cảnh sát biển; (ii) Tạo chỗ dựa cho lực lượng tàu bán quân sự và tàu dân sự nhằm thực hiện âm mưu từng bước áp đặt chủ quyền theo “đường lưỡi bò” ở Biển Đông; (iii) Sau khi các cơ sở quân sự, đặc biệt là đường băng và radar, trên các đảo nhân tạo này hoàn tất và đi vào hoạt động, Trung Quốc có thể tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.

Về hoạt động kinh tế biển, Trung Quốc chủ trương đẩy mạnh thăm dò, khai thác dầu khí vùng nước sâu tại Biển Đông, bảo vệ quyền lợi quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế với nguyên tắc chỉ đạo “Tự chủ khai thác”, ép các bên trở lại đàm phán thực hiện “gác tranh chấp”; phương châm “Nam Bắc cùng tiến, đột phá nước sâu, đưa bên ngoài vào, mở ra khu vực mới”.

Trung Quốc đề ra mục tiêu từ năm 2014 đến 2020 tập trung 02 khu vực thăm dò và khai thác trọng điểm trên Biển Đông là khu vực quanh quần đảo Hải Nam, gồm 03 bồn địa là Vịnh Bắc Bộ, Oanh Ca Hải và Quỳnh Đông Nam, bao gồm cả phần chồng lấn chưa được phân định của Vịnh Bắc Bộ và bồn địa Trung Kiến Nam (phía Nam đảo Tri Tôn của Việt Nam); 01 khu vực điều tra trọng điểm ở Biển Đông là khu vực giữa và Nam Biển Đông (trong đường 9 đoạn). Trung Quốc duy trì 10 giàn khoan và 29 tàu (3 tàu khảo sát, 20 tàu kéo và phục vụ dầu khí, 4 tàu nạo vét, 2 tàu cứu hộ) hoạt động trên Biển Đông. Các tàu khảo sát của Trung Quốc hoạt động liên tục và rộng khắp theo phạm vi “đường lưỡi bò”.

Trung Quốc, với tư cách là một siêu cường mới nổi, dưới thời Tập Cận Bình, đang dùng những lời nói và hành động dối trá, cả sức mạnh kinh tế, quân sự, truyền thông và địa chính trị nhằm thực hiện các hành động “lấn biển”, uy hiếp các nước nhỏ trong tranh chấp chủ quyền, hiện thực hóa âm mưu “độc chiếm Biển Đông”. Những hành động hung hăng, hiếu chiến, bất chấp luật pháp quốc tế và phản ứng của dư luận của Trung Quốc thời gian đầu năm 2015 báo hiệu tiếp tục một năm đầy biến động, phức tạp trên Biển Đông./.

BDN



[1] Theo Nhóm nghiên cứu toàn cầu HIS (Mỹ).

[2] Theo mạng Công nghệ vũ trụ và Tuần báo hàng không / Avitation Week & Space Technology, tháng 12/2014.

RELATED ARTICLES

Tin mới