Tuesday, April 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc thách thức ASEAN với các hành động cải tạo đất...

Trung Quốc thách thức ASEAN với các hành động cải tạo đất tại Biển Đông

BienDong.Net: theo thediplomat.com: Một loạt các bức ảnh đáng kinh ngạc được công bố bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC, Hoa Kỳ đưa ra một viễn cảnh ảm đạm tại khu vực khi Bắc Kinh tăng cường các hoạt động khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo đang xảy ra tranh chấp gay gắt – Trường Sa và Hoàng Sa.

Ít nhất bốn cấu trúc nhân tạo lớn đã được đưa vào xây dựng trên đảo Ba Bình, bãi Ga Ven, bãi Gạc Ma và bãi Chữ Thập cùng với các cơ sở hậu cần, thông tin liên lạc, ụ súng và cơ sở bến cảng đã được xây dựng trên các đảo nhân tạo trong mùa đông vừa qua.

Chuyên gia phân tích Greg Poling thuộc Trung tâm CSIS cho biết công việc cải tạo của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa – được Hà Nội gọi là Biển Đông và Manila gọi là Biển Tây Philippines – được thực hiện nhanh hơn so với dự kiến và Bắc Kinh đã đi xa hơn bất kỳ nước nào có tuyên bố chủ quyền tại khu vực này.

“Việc cải tạo của Trung Quốc chắc chắn vi phạm tinh thần của Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN, và hoàn toàn thiếu nền tảng vững chắc”, ông Poling nói.

DOC được mong đợi sẽ là công cụ thúc đẩy đối thoại giữa 10 nước thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, nhằm đưa ra giải pháp ngăn chặn các cuộc đối đầu tiềm tàng ở Biển Đông trước khi căng thẳng leo thang hơn nữa.

Nhưng việc thực hiện DOC vẫn chưa hoàn thành và Bắc Kinh yêu cầu các tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa hay Hoàng Sa được giải quyết trên cơ sở song phương thay vì trên cơ sở khu vực thông qua cách tiếp cận thống nhất với ASEAN. Điều này đã gây chia rẽ đoàn kết trong ASEAN.

Trong các nước thành viên ASEAN có tuyên bố chồng lấn về chủ quyền, Philippines và Việt Nam đã lên tiếng và Hà Nội từng bước tăng cường lực lượng vũ trang thông qua một loạt các hợp đồng mua vũ khí trị giá hàng tỷ đô la với Nga, trong đó có sáu tàu ngầm lớp Kilo và 20 máy bay ném bom Su – 30.

Điều gây nhiều khó chịu với Trung Quốc là việc Việt Nam mở cảng nước sâu có ý nghĩa chiến lược quan trọng tại vịnh Cam Ranh cho lực lượng hải quân các nước trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ – nước đã xây dựng cơ sở tại đây và sau đó trao nó cho chính quyền Nam Việt Nam năm 1972.

Philippines tiến hành hành động pháp lý chống lại Trung Quốc tại Toà án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) và hải quân Philippines cũng bổ sung thêm hai tàu chiến vào hạm đội của mình nhằm chống lại các tham vọng hàng hải ngày càng quyết đoán của chính phủ Trung Quốc.

Hỏa lực của Trung Quốc

Tuy nhiên, còn một khoảng cách rất xa để có thể so sánh khả năng quân sự của Việt Nam và Philippines với Trung Quốc.

“Ngoài những chỉ trích công khai, Việt Nam và Philippines có ít lựa chọn. Họ không thể sử dụng lực lượng quân sự, và họ không muốn tham gia vào một cuộc chạy đua xây dựng ở Trường Sa khi điều này chỉ làm mất ổn định tình hình và họ không thể chiến thắng trong cuộc chạy đua đó”, ông Poling nói.

“Thêm vào đó, đặc biệt đối với Philippines, họ phải đảm bảo [cộng đồng quốc tế] thấy rằng họ đang duy trì lợi thế pháp luật trong khi vụ kiện của họ [tại ITLOS] được tiến hành”.

Trung Quốc luôn luôn nhấn mạnh về chiến lược “Chuỗi Ngọc trai” – một chuỗi các cảng và đảo thuận lợi trải dài từ bờ biển của Trung Quốc tới vịnh Thái Lan và Ấn Độ Dương. Điều này được ghi nhận trong quá trình tìm kiếm máy bay MH370 bị mất tích của hãng hàng không Malaysia.

Chiến lược này được thiết kế để bảo vệ các lợi ích quân sự và kinh tế của Trung Quốc bằng cách đảm bảo các tuyến đường thương mại thay thế qua Eo biển Malacca do Hoa Kỳ kiểm soát.

Xây dựng một đường ống dẫn dầu và khí đốt qua Myanmar vào Trung Quốc và các tuyến đường sắt dự kiến chạy qua Đông Dương là những ví dụ quan trọng về việc Bắc Kinh chủ động tạo ra các tuyến đường thương mại thay thế an toàn.

Ở Biển Đông, trò hề của Trung Quốc bao gồm các hoạt động âm thầm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 km nhưng từ chối đưa các tranh chấp chủ quyền ra giải quyết tại các toà trọng tài quốc tế, bất chấp các nước có tranh chấp chủ quyền hải đảo có quyền được hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế trên.

“Tại thời điểm này, Bắc Kinh xây dựng trên hầu hết các bãi đá và mặt bằng triều thấp (low – tide elevation) mà Trung Quốc chiếm giữ; bất kỳ hoạt động xây dựng thêm nào yêu cầu phải đẩy các nước có tuyên bố chủ quyền khác ra khỏi một thể địa lý hoặc Trung Quốc chiếm một thể địa lý còn trống”, ông Poling nói.

“Đó sẽ là một sự vi phạm DOC rõ ràng, và tôi không nghĩ rằng Trung Quốc đã sẵn sàng để đi xa đến mức đó”.

Điều này nghe có vẻ như một Trận chiến Sinh tử (Battle Royale) diễn ra giữa những đối thủ chính trị ngang tài ngang sức. Nhưng thúc đẩy một mặt trận ASEAN thống nhất – có lẽ là cơ hội tốt nhất để các nước thành viên ASEAN thành công trong việc đối phó với sự xâm lấn của Trung Quốc – đạt được ít thành công.

Singapore, Thái Lan, Myanmar và Lào đến nay chưa ủng hộ một cách tiếp cận thống nhất với Trung Quốc trong khi Campuchia đã công khai đứng về phía Bắc Kinh.

Malaysia và Brunei, các nước có tuyên bố chủ quyền đối với phía nam quần đảo Hoàng Sa, không giúp đỡ được nhiều trong việc thúc đẩy một mặt trận ASEAN thống nhất và áp dụng một cách tiếp cận rất nhẹ nhàng, ưu tiên đàm phán lặng lẽ với Bắc Kinh thông qua các kênh ngoại giao.

Con bài không thể đoán trước trong phương trình ASEAN là Indonesia, trong bối cảnh Tổng thống mới được bầu của nước này là Joko Widodo chưa công bố chủ trương sau khi Bắc Kinh kết thúc các suy đoán nhiều năm nay và xác nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, như được xác định bởi đường chín đoạn, thực sự chồng lấn lên vùng lãnh hải mà Indonesia đang nắm giữ tại biển Natuna.

Chia rẽ trong ASEAN đã và đang là lợi thế của Trung Quốc.

Ông Gavin Greenwood, nhà phân tích của công ty an ninh khu vực Allan & Associates có trụ sở tại Hồng Kông nói: “Các tuyên bố không ngừng của Bắc Kinh rằng các rạn san hô nằm rải rác trong đường chín đoạn là lãnh thổ của Trung Quốc thường dựa trên các tuyên bố mỏng manh nay đang được củng cố vững chắc hơn bằng một chương trình xây dựng nhanh chóng”,

“Đối với Bắc Kinh, điều trên có thể là một biện pháp hợp lý nhằm tuyên bố quyền đối với các nguồn tài nguyên giá trị trong khi đồng thời mở rộng không gian phòng thủ của Trung Quốc. Đối với các nước láng giềng, Hoa Kỳ và hầu hết các nước còn lại trong cộng đồng quốc tế, điều này dường như là một phiên bản nhẹ nhàng hơn của chính sách của Nga đối với Ukraine: Tạo một đường ranh giới chỉ có thể vượt qua với hậu quả kèm theo”.

Greenwood cho biết con bài của Hoa Kỳ, đặc biệt trong trường hợp của Philippines, sẽ nổi bật trong bối cảnh chính sách xoay trục hướng tới Châu Á của Hoa Kỳ ít nhất có phần trách nhiệm với việc Trung Quốc thúc đẩy chương trình xây dựng trên các đảo, và đến nay chương trình này chưa phải đối mặt với bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào từ Washington.

“Trong khi Hải quân Hoa Kỳ có kế hoạch tăng cường hiện diện trong khu vực bằng việc triển khai lên đến bốn tàu chiến nhỏ có khả năng nhiều hơn việc phô trương sức mạnh một chút tại Singapore, Trung Quốc đang phát triển một lực lượng mạnh với các tàu khu trục hiện đại như một mối răn đe đáng tin cậy. “

Vành đai quen thuộc

Ông Greenwood cũng cho biết chiến lược của Trung Quốc tổ chức thành một vành đai quen thuộc.

“Tạo các chứng cứ trên mặt đất là một cách hợp lý hóa truyền thống đối với một phong trào cách mạng bên cạnh các biện pháp khác như chuyển hoá lý thuyết hoặc điểm yếu thành thực tiễn hay sức mạnh.

“Các chương trình nạo vét và xây dựng trên các đảo nhỏ xa xôi – giống như các dự án cơ sở hạ tầng thiết thực hơn của Trung Quốc – có vẻ không bị giới hạn bởi vấn đề kế toán và được theo đuổi mà không cần quan tâm đến chi phí.

“Từ quan điểm của Bắc Kinh, một khi xi măng trên đường băng hay tại các công sự xây dựng trên các bãi san hô đông cứng lại, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trở thành hiện thực và những vùng đất mới này có chủ quyền như Quảng trường Thiên An Môn và chính đáng đến mức không thể thương lượng”.

Đến nay, các cuộc đụng độ tại các vùng biển tranh chấp bị hạn chế trong các cuộc tranh giành giữa hải quân, tàu đánh cá và nguy cơ miệng hố chiến tranh trên biển được chính phủ các nước triển khai trong nội địa.

Nhưng cơ hội để xác thực bất kỳ tuyên bố nào được đưa ra đơn phương từ các bên có tranh chấp đều không dễ dàng, trong bối cảnh hoạt động chuẩn bị hậu cần cho các cuộc đối đầu trên biển đều được chỉ ra nhưng các nhà báo hầu như không thể tường thuật.

Vấn đề này trở nên phức tạp. Ông Poling cho biết công việc cải tạo của Trung Quốc cơ bản có thể sẽ hoàn thành cuối năm nay và việc đó sẽ làm gia tăng các mối quan ngại sẵn có về điểm nóng [trên Biển Đông] của các nhà chiến lược.

Các cấu trúc địa lý đã được Trung Quốc tiến hành cải tạo đã phát triển kích thước đến mức đáng ngạc nhiên, và có lẽ điều này sẽ cho phép Trung Quốc tăng cường khả năng tuần tra, giám sát trên không và trên biển đối với quần đảo Trường Sa vào cuối năm 2015.

“Nói chung, tôi cho rằng sự tăng cường hiện diện của các đơn vị Trung Quốc trong khu vực cùng với những căng thẳng từ phán quyết của tòa trọng tài sẽ khiến năm nay trở thành một năm đầy căng thẳng và nguy hiểm tiềm tàng ở Biển Đông”, ông Poling nói.

BDN (biên dịch)

 

RELATED ARTICLES

Tin mới