Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngCăng thẳng Mỹ - Trung trên Biển Đông

Căng thẳng Mỹ – Trung trên Biển Đông

aceb036440

BienDong.Net: Dư luận quốc tế gần đây đang nóng lên bởi các tuyên bố của phía Mỹ về việc sẽ cho các tàu chiến và máy bay tiến vào vùng 12 hải lý của một số cấu trúc địa lý mà Trung Quốc đang chiếm giữ tại Trường Sa.

Đáp lại, phía Trung Quốc “bày tỏ sự lo ngại”, thậm chí tờ Thời báo Hoàn cầu còn khẳng định, nếu Mỹ làm như vậy, một cuộc chiến trên Biển Đông là “không thể tránh khỏi”.

Lý giải về quyết định của Mỹ, một số nhà nghiên cứu cho rằng: đó là bởi Mỹ có lợi ích rất lớn tại Biển Đông, nơi có các tuyến đường thương mại và hàng hải quan trọng trên thế giới đi qua. Các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông đã đe dọa tới các nguyên tắc tự do hàng hải và tự do thương mại cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp. Các hành động này của Trung Quốc cũng đã tác động tiêu cực tới các đồng minh và đối tác của Mỹ, một trong những cơ sở quan trọng cho sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này. Biển Đông cũng là phép thử quan trọng cho việc thế giới và siêu cường sẽ xử lý những vướng mắc như thế nào với một Trung Quốc đang trỗi dậy nhanh chóng, trong khi vẫn duy trì quan hệ với Bắc Kinh. Mỹ cần cho Trung Quốc thấy rõ rằng các ý đồ đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông là không hợp pháp và phải trả giá.

Thêm nữa, chính sách của Mỹ trước đây chỉ phản ứng với Trung Quốc bằng các tuyên bố đã không có hiệu quả. Vì vậy, Mỹ cần chứng tỏ các cam kết của Mỹ với Philippines – đồng minh của Mỹ là Washington sẽ đáp trả như thế nào với các hành động chiếm đoạt các cấu trúc đảo của Philippines hoặc tấn công quân đội Philippines tại các vùng biển tranh chấp, tương tự như đảm bảo của Mỹ dành cho Tokyo đối với Senkaku. Điều này sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc và khu vực hơn là lập trường chung chung của Mỹ.

Một nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế là một quốc gia sẽ có chủ quyền trên lãnh thổ của họ. Lãnh thổ của một quốc gia bao gồm vùng đất, vùng lòng đất, vùng nước, vùng trời. Vùng đất của một quốc gia gồm đất liền và các đảo thuộc chủ quyền của quốc gia đó. Nếu một cấu trúc địa lý thoả mãn điều kiện của một “đảo” quy định tại Điều 121 UNCLOS, nó sẽ có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tương ứng như đất liền. Nếu cấu trúc đó không đáp ứng được yêu cầu của “đảo” dù luôn nổi trên mặt nước biển thì nó có thể là “đá” và chỉ có lãnh hải 12 hải lý xung quanh “đá” đó. Ngoài ra, UNCLOS cũng quy định cho những “bãi cạn lúc chìm lúc nổi”, những “bãi” dạng này không có lãnh hải 12 hải lý và cũng không thể là đối tượng để tuyên bố chủ quyền.

Trong đơn khởi kiện trước Toà trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS, chính phủ Philippines đã yêu cầu Tòa phán quyết 6 cấu trúc địa lý mà Trung Quốc đang chiếm đóng tại Trường Sa là “đá” hay là “bãi cạn lúc chìm lúc nổi”. Theo đó, đá Gaven, đá Ken Nan, và bãi Vành Khăn đã được Philippines yêu cầu Tòa xác định đó là các “bãi cạn lúc chìm lúc nổi”. Ba cấu trúc khác bao gồm đá Châu Viên, đá Chữ Thập và Gạc Ma thì Philippines yêu cầu Tòa xác định là “đá” chứ không phải là “đảo”.

Trung Quốc cho cải tạo, xây dựng và bồi đắp tại các cấu trúc địa lý trên Biển Đông với mục đích muốn thay đổi bản chất pháp lý cho các cấu trúc này, đáp ứng các mong muốn của Trung Quốc. Muốn chống lại các hành động vô lý từ phía Trung Quốc, Mỹ cho rằng dù Trung Quốc có cải tạo và bồi đắp các “bãi cạn lúc chìm lúc nổi” này, nó chỉ có thể là “đảo nhân tạo” theo Điều 60 của UNCLOS và chỉ có 500 m vùng an toàn xung quanh nó, chứ không thể trở thành “đá” như Trung Quốc mong muốn. Chính vì vậy, để thách thức việc Trung Quốc thay đổi hiện trạng hòng thay đổi bản chất pháp lý của các cấu trúc trên, Mỹ đã tuyên bố sẽ cho tàu chiến và máy bay đi vào những “bãi cạn lúc chìm lúc nổi” mà Trung Quốc đã biến thành “đảo nhân tạo” này nhằm khẳng định các cấu trúc này không thể có 12 hải lý xung quanh, và Trung Quốc đã phản ứng.

Theo UNCLOS, ba cấu trúc là đá Gaven, đá Ken Nan, và bãi Vành Khăn chỉ có thể là “bãi cạn lúc chìm lúc nổi”. Ba cấu trúc địa lý còn lại mà Trung Quốc đang cho cải tạo, bồi đắp có thể đáp ứng được là “đá”. Trung Quốc cũng không thể tuyên bố lãnh hải 12 hải lý xung quanh các cấu trúc này được, bởi vì: Không chỉ Trung Quốc mà Việt Nam và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền trên các đá. Thêm nữa, một số đá mà Trung Quốc đang chiếm giữ có khoảng cách rất gần, dưới 12 hải lý với các đảo hoặc đá khác mà phía Việt Nam hay Philippines đang kiểm soát. Ví dụ, đá Gạc Ma (Trung Quốc đang chiếm) chỉ cách đá Cô Lin (Việt Nam đang kiểm soát) chưa tới 4 hải lý và cách đảo Sinh Tồn (Việt Nam đang kiểm soát) chưa tới 12 hải lý. Tương tự như vậy, đá Châu Viên (Trung Quốc đang chiếm) cũng cách Đá Đông (Việt Nam đang kiểm soát) chưa tới 12 hải lý. Chính vì vậy, Trung Quốc không có căn cứ để có thể tuyên bố lãnh hải 12 hải lý xung quanh các cấu trúc địa lý này.

Việc tàu và máy bay của Mỹ hoạt động tại Biển Đông thể hiện quan điểm của Mỹ và thực hiện quyền về tự do hàng hải và hàng không của các quốc gia trên Biển Đông. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền tự do hàng hải, hàng không hoặc bất kỳ quyền và lợi ích nào khác của một quốc gia cần phải tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và các lợi ích hợp pháp của các quốc gia liên quan trong khu vực Biển Đông trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn, trong đó có UNCLOS.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới