Monday, September 9, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTrung Quốc "giấu tàu ngầm ở biển Đông"

Trung Quốc “giấu tàu ngầm ở biển Đông”

Trong nhiều tháng qua, Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa đảo nhân tạo phi pháp trên biển Đông khiến cộng đồng quốc tế lo lắng. Tuy nhiên, những gì ẩn giấu trong lòng biển đáng lo không kém.

Mối lo ấy, theo các nhà phân tích an ninh và quốc phòng, nằm ở việc Trung Quốc sở hữu một hạm đội tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo.

Việc mở rộng tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh ở biển Đông có thể nhằm tạo ra một khu vực trú ẩn nước sâu hay được xem như một pháo đài dưới nước, giúp cho lực lượng tàu ngầm Trung Quốc tránh bị phát hiện.

Theo giáo sư Carl Thayer thuộc Trường ĐH New South Wales (Úc), biển Đông sẽ là một nơi rất tốt để tàu ngầm Trung Quốc ẩn náu. Đáy biển Đông có những nơi sâu hàng ngàn mét, có những hẻm núi dưới nước giúp tàu ngầm dễ dàng ẩn náu.

Nguy cơ xung đột trên biển Đông dự kiến là trọng tâm trong Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ – Trung (S&ED) tại Washington ngày 23-6 giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương. Tuần trước, Bắc Kinh thông báo “sắp bồi đắp” xong tại biển Đông nhưng tuyên bố này không được các quan chức Mỹ chào đón.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cho rằng hoạt động tiếp tục xây dựng các cơ sở trên đảo nhân tạo, bao gồm căn cứ quân sự, là hành vi “gây rắc rối” của Trung Quốc. “Đó là lý do tại sao chúng tôi luôn yêu cầu Trung Quốc ngừng xây dựng và chắc chắn không quân sự hóa thêm các tiền đồn ở biển Đông” – ông Russel nhấn mạnh.

Theo giáo sư Thayer, Bắc Kinh xem biển Đông là tài sản chiến lược do nó bảo vệ sườn phía Nam của Trung Quốc, bao gồm một căn cứ tàu ngầm ở TP Tam Á trên đảo Hải Nam. Hải quân Trung Quốc đã xây dựng đường hầm ngầm dưới nước và lặng lẽ điều động một số tàu ngầm đến đây, trong đó có tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo.

Bức hình chụp trên không từ máy bay quân sự Philippines cho thấy hoạt động khai khẩn của Trung Quốc tại Đá Vành Khăn

Tính đến năm 2014, Trung Quốc có 56 tàu ngầm tấn công, bao gồm 5 tàu ngầm chạy động cơ hạt nhân và ít nhất 3 chiếc có thể phóng tên lửa đạn đạo.

Báo cáo của Lầu Năm Góc vào năm 2014 cho biết Bắc Kinh có kế hoạch bổ sung thêm 5 tàu ngầm có thể phóng tên lửa đạn đạo. Trong một cuộc họp báo ở Washington vào tháng 4, đô đốc William Gortney, tư lệnh Bộ Chỉ huy không gian Bắc Mỹ (NORAD), bình luận về lực lượng tàu ngầm Trung Quốc: “Bất cứ khi nào một nước đã phát triển vũ khí hạt nhân và các bệ phóng có thể đe dọa đến Mỹ đều là mối quan tâm của tôi”.

Tàu ngầm Trung Quốc hoạt động tương đối ồn và dễ bị phát hiện nên khó có thể giữ bí mật khi hoạt động ở Tây Thái Bình Dương. Một khi Trung Quốc cải thiện được tầm bắn của các tên lửa, họ có thể không cần di chuyển tàu ngầm ra khỏi biển Đông mà vẫn đe dọa trả đũa được Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới