Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnViệt Nam yêu cầu Trung Quốc thả vô điều kiện tàu cá...

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc thả vô điều kiện tàu cá QB 93694 TS

Chuyến thăm chính thức Mỹ sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tình hình Biển Đông là hai vấn đề được báo giới đặc biệt quan tâm và đặt nhiều câu hỏi với Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay (25/6/2015).

Về chuyến thăm Mỹ trong tháng 7/2015 tới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định, đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với quan hệ của 2 nước, đánh dấu 20 năm Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ. Hiện tại, cả hai bộ ngoại giao của hai nước đều đang tích cực chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này.

Trước câu hỏi liên quan đến 2 tàu cá Quảng Bình QB93694TS và QB93480TS bị Trung Quốc bắt cùng một số ngư dân và bị phía Trung Quốc ép ký bản công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, ngày 19/6/2015, Cục Hải cảnh của Trung Quốc có thông báo là có bắt giữ 17 ngư dân cùng 2 tàu cá QB93694TS và QB93480TS.

Sau khi có được thông tin, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thăm lãnh sự đối với các ngư dân bị bắt giữ, đồng thời làm việc chặt chẽ với các cơ quan sở tại và yêu cầu phía Trung Quốc phải thả ngay tàu cá cũng như ngư dân Việt Nam”.

Theo thông tin mới nhất từ phía các cơ quan chức năng thì 17 ngư dân, cùng với tàu cá QB93480TS đã về tới Việt Nam an toàn. Hiện nay Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc vẫn đang tiếp tục yêu cầu phía Trung Quốc phải trả vô điều kiện tàu cá QB93694TS. Về việc các ngư dân Việt Nam có bị phía Trung Quốc ép ký vào các văn bản như phóng viên nêu thì Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc làm rõ thông tin này với phía Trung Quốc để có các phản ứng phù hợp”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về phát biểu mới đây của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng, các hợp đồng xây, bồi đắp đảo của Trung Quốc ở Biển Đông nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc và các hoạt động này là hợp tình, hợp lý, hợp pháp, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ:

“Những hoạt động xây dựng, mở rộng đảo, đá quy mô lớn của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp và cũng không thay đổi được thực tế là Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có những hành động làm phức tạp tình hình cũng như làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông”.

Cho biết quan điểm của Việt Nam về việc mới đây tờ Nhân dân nhật báo Trung Quốc khẳng định rằng trong trường hợp có “chiến tranh trên biển” thì Trung Quốc sẵn sàng huy động tất cả các tàu dân sự thành tàu quân sự, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng là một nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cũng như là một nước có vai trò quan trọng ở khu vực, Trung Quốc có những đóng góp mang tính trách nhiệm xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới”.

Đáp lại đề nghị bình luận về thông tin Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines vừa lên tiếng phản đối Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở khu vực Biển Đông và việc Nhật Bản điều máy bay giám sát P-3C Orion, cùng với các quan sát viên quân sự Philippines đi cùng, bay gần khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam vừa qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Việc giữ gìn hòa bình, an ninh ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Mọi hoạt động của các quốc gia trong và ngoài khu vực đều phải tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan. Và các hoạt động đó phải đóng góp tích cực, trách nhiệm và mang tính xây dựng cho hòa bình, ổn định của khu vực”.

RELATED ARTICLES

Tin mới