Friday, April 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ phản đối chính trị hoá vấn đề người Duy Ngô Nhĩ

TQ phản đối chính trị hoá vấn đề người Duy Ngô Nhĩ

Bắc Kinh phản đối những chỉ trích của các bên hữu quan, phản đối chính trị hóa vấn đề nhập cư trái phép.

 

Biểu tình trước Đại sứ quán Thái Lan tại Ankara hôm 9/7.

Đó là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 10/7. Trước đó, Mỹ đã lên án Thái Lan trục xuất 100 người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc, đồng thời cảnh báo rằng những người này có thể phải đối mặt với “sự đối xử hà khắc”.

Trong khi đó, theo bà Hoa Xuân Oánh, thời gian gần đây, Trung Quốc và Thái Lan đã phát hiện một số người dân tộc thiểu số mang quốc tịch Trung Quốc đã đến và ở lại Thái Lan thông qua các con đường khác nhau và kết quả điều tra cho thấy họ là những người nhập cư trái phép.

Bà Hoa cho rằng việc hai nước hợp tác tấn công vấn nạn nhập cư trái phép và vượt biên lén lút là điều bình thường, đồng thời là trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế. Trung Quốc không chấp nhận sự chỉ trích vô cớ của bên ngoài.

Trước đó, hành động trục xuất người Duy Ngô Nhĩ của Thái Lan đã gây bất bình cho cộng đồng quốc tế và kéo theo hàng loạt cuộc biểu tình nổi loạn mà nguy hiểm hơn là lãnh sự quán của nước này tại Thổ Nhĩ Kỳ bị các đối tượng quá khích tấn công đến mức phải đóng cửa.

Nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ đã đốt cờ Trung Quốc, tấn công các quán ăn, thậm chí còn tấn công cả du khách Hàn bởi vì thấy họ “giống người Trung Quốc” diễn ra ở thành phố Istanbul.

Trung Quốc luôn bị cáo buộc về việc hạn chế quyền tự do tín ngưỡng và bị chỉ trích bởi việc đàn áp đẫm máu hàng trăm người thuộc các nhóm ly khai tại khu tự trị Tân Cương, nơi có phần đông người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo sinh sống.

Mới đây nhất, Tân Hoa xã ngày 25/5 đưa tin Trung Quốc đã triệt phá 181 “băng đảng khủng bố” tại Khu tự trị Tân Cương bất ổn ở cực Tây nước này, nơi từng xảy ra một loạt vụ tấn công bạo lực.

Theo Tân Hoa xã, chiến dịch trên được khởi động sau vụ đánh bom liều chết tại một khu chợ ở thủ phủ Urumqi của Tân Cương hồi tháng 5/2014, làm 39 người thiệt mạng. Cảnh sát Tân Cương đã triệt phá các băng đảng này và có 112 nghi phạm đã ra tự thú.

Giới phân tích cho biết phần lớn lợi ích kinh tế liên quan tới việc phát triển khu vực này đều nằm trong quyền sở hữu của những người dân tộc Hán, khiến những người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ bất bình.

Ngày 10/7, chính phủ Thái Lan đã tìm cách xoa dịu sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế bằng cách cho biết đã từ chối yêu cầu trục xuất toàn bộ người Duy Ngô Nhĩ đang bị tạm giữ ở Thái Lan về Trung Quốc theo đề xuất của Bắc Kinh, trong bối cảnh Trung Quốc cáo buộc “một số lực lượng và chính phủ nước ngoài đang cố gắng khai thác vấn đề người Duy Ngô Nhĩ cho mục đích riêng”.

Theo Đại tá Weerachon Sukhondhapatipak, phó phát ngôn viên chính phủ Thái Lan, Bangkok đang thực hiện đúng các “thỏa thuận và luật pháp quốc tế”, đó là xác minh quốc tịch của tất cả các trường hợp nghi là người Duy Ngô Nhĩ nhập cư vào nước này, rồi tùy từng trường hợp mà quyết định.

“Phía Trung Quốc yêu cầu chúng tôi cho hồi hương tất cả số người Duy Ngô Nhĩ đang bị tạm giữ nhưng chúng tôi không thể thuận theo yêu cầu” – ông Sukhondhapatipak nói trong một cuộc họp báo hôm 10/7.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới