Thursday, April 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiMục đích Trung Quốc giúp Lào xây dựng đường sắt cao tốc

Mục đích Trung Quốc giúp Lào xây dựng đường sắt cao tốc

Dự án giúp Lào có vốn nhưng cũng giúp chính TQ nhằm đạt được 3 mục đích lớn: Xuất khẩu vốn; xuất khẩu công nghệ và xuất khẩu con người.

Ngày 13/7, Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad cho biết nước này vẫn giữ nguyên quyết định xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 417 km trị giá 7 tỷ USD, nối Thủ đô Viêng Chăn với thành phố Côn Minh (Trung Quốc). 

Dự án dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay với 70% nguồn vốn được TQ hỗ trợ. TS Lê Kim Sa – Trung tâm phân tích và dự báo Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, dự án này nằm trong cả chuỗi chiến lược rất rõ ràng của TQ nhằm đạt được 3 mục đích lớn: Xuất khẩu vốn; xuất khẩu công nghệ và xuất khẩu con người.  

Chiến lược rõ ràng 

Theo TS Lê Kim Sa không phải bây giờ TQ mới đẩy mạnh đầu tư vào Lào. Riêng năm 2014, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Lào với tổng cộng hơn 5 tỷ USD đổ vào các dự án khai mỏ, tài nguyên, thủy điện và kinh doanh nông sản.

Trong bối cảnh Lào cần có nguồn lực để đầu tư, phát triển thì TQ chính là điểm tựa. Dưới hình thức vung tiền đầu tư, thậm chí tài trợ miễn phí trong nhiều dự án lớn, mối quan hệ giữa Lào và TQ sẽ được buộc chặt về mọi mặt từ kinh tế, chính trị cho đến văn hóa. Nó cũng không nằm ngoài mục tiêu chiến lược quan hệ láng giềng TQ đang thực hiện với nhiều nước trên thế giới.  

Tiếp tục đổ 7 tỷ USD xây dựng tuyến đường sắt cao tốc cho Lào, là mục tiêu nằm trong khuôn khổ chiến lược “Một vành đai, Một con đường” của TQ. Trong đó, TQ coi Lào như một bước chủ chốt trong việc mở rộng ảnh hưởng trong vùng. 

Kế hoạch này sẽ xây dựng các tuyến đường sắt xuyên suốt nối liền Trung Á cũng như Đông Nam Á. Các tuyến đường sắt xuyên Đông Nam Á sẽ bắt đầu từ Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc), với hơn 150 cây cầu, 76 đường hầm và 31 nhà ga đến Vientiane (Lào). Từ đó, tuyến này sẽ nối với Thái Lan bằng những chuyến tàu cuối cùng đi đến Singapore. 

Xét về mặt chính trị, phải khẳng định dự án này cực kỳ hiệu quả đối với TQ ngay cả khi đặt giả định hiệu quả kinh tế của dự án không cao nó vẫn mang ý nghĩa, tầm quan trọng rất lớn trong chiến lược phát triển của TQ. 

Về nguyên tắc đã vay vốn ODA là phải sử dụng công nghệ của TQ. Thực tế, cả về khả năng tài chính, nguồn nhân lực cao lẫn trình độ công nghệ, kỹ thuật chắc chắn Lào không có khả năng tham gia. Chỉ một người duy nhất thực hiện được chính là TQ.  

Trong đầu tư, đồng tiền quay vòng càng nhanh khả năng sinh lợi càng lớn. Một đồng vốn được xuất khẩu, lợi nhuận sẽ gia tăng theo cấp số nhân. Cứ 1 đồng vốn sẽ nhân lên 100 đồng và nhiều hơn nữa. Ở đây là TQ đang giúp Lào có vốn nhưng thực chất lại đang giúp chính đồng tiền TQ tự sinh lợi. 

Thứ hai, về công nghệ. Công nghệ của TQ có thể chưa phát triển đạt tới mức đứng đầu thế giới nhưng họ vẫn đang được đánh giá cao về mặt tiêu chuẩn, chất lượng. Khi đạt tới một trình độ nhất định, Bắc Kinh sẽ muốn đưa công nghệ vươn ra quốc tế. 

Tất nhiên, sự cố, tai nạn trong đường sắt cao tốc hầu như nước nào cũng có, TQ không là ngoại lệ. Tuyến đường sắt nối từ Bắc Kinh tới Tân Cương được xem là niềm tự hào quốc gia, chính thức khai trương năm 2007, một đại công trình ước tính hoàn thành vào năm 2020 với tổng chiều dài khoảng 16.000km, chi phí lên tới trên 514 tỷ USD. Nó là niềm tự hào nhưng nó cũng vấp phải một vụ tai nạn kinh hoàng năm 2011, xảy ra tại TP Ôn Châu, Chiết Giang làm 40 người thiệt mạng và 172 người khác bị thương. Và điều khiến người ta lo ngại, không phải ở trình độ, kỹ thuật mà còn nhiều vấn đề liên quan tới tham nhũng, tiêu cực, tài chính, “nói không đi đôi với làm”, là nguyên nhân khiến nhiều nước dè chừng với các dự án của TQ.

Nói gì đi nữa, việc có thêm dự án đường sắt 7 tỷ USD tại Lào, đồng nghĩa với việc các dự án sẽ hoàn toàn sử dụng công nghệ Trung Quốc. Là cơ hội để Bắc Kinh sẽ xuất khẩu được máy móc, đầu máy, sắt thép, các thiệt bị cơ sở hạ tầng, giải quyết được số lượng lao động dư thừa trong nước. Và TQ đã thành công. 

Quan trọng hơn, những tuyến đường sắt của Bắc Kinh còn được coi là “giấy thông hành” để có những tác động nhất định tới kinh tế nước ngoài. Những tuyến đường sắt này vừa giải quyết nhu cầu trước mắt, vừa là phương tiện để chiếm lĩnh thị trường các nước phát triển sau này. 

RELATED ARTICLES

Tin mới