Tuesday, April 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiXung quanh vụ bắt ông Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt...

Xung quanh vụ bắt ông Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Theo thông tin chính thức từ Bộ Công an, 17h ngày 21/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt, khám xét đối với ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).

Ông Nguyễn Xuân Sơn (sinh năm 1962) tại xã Đức La, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Số 31A, ngách 31/46, đường Xuân Diệu, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Chỗ ở hiện nay: Số 21D2 Ciputra, Khu đô thị Nam Thăng Long, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.

Quá trình thi hành lệnh bắt, khám xét đối với Nguyễn Xuân Sơn đã thực hiện đúng quy định tại Điều 80 và Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự và bị can đã được dẫn giải về Trại tạm giam Bộ Công an để điều tra mở rộng vụ án, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án Hà Văn Thắm cùng đồng phạm “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (Điều 179 – Bộ luật hình sự), “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165 – Bộ luật hình sự), “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Điều 281, Bộ luật hình sự) xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao xác định: Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank đã đồng phạm với Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank trong thời gian là Tổng Giám đốc Oceanbank, đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 281 – Bộ luật hình sự và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165 – Bộ luật hình sự.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét. Quyết định và các lệnh bắt, khám xét trên đã được Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phê chuẩn.

Ông Nguyễn Xuân Sơn sẽ phải giải trình về những trách nhiệm có liên quan trong thời gian giữ chức Tổng Giám đốc OCeanbank.

Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trách nhiệm trong quản lý kinh tế của ông Sơn trong thời gian làm Chủ tịch PVN. Đáng chú ý, PVN đã góp hàng trăm tỷ đồng tiền vốn vào OCeanbank, nhưng sau khi ngân hàng này làm ăn thu lỗ và bị Ngân hàng Nhà nước phát lệnh mua bắt buộc giá 0 đồng vào cuối tháng 4 vừa qua. Tòa bộ quyền, lợi ích của các cổ đông hiện hữu ngân hàng này cũng bị chấm dứt, trong đó có PVN.

Việc cơ quan Công an bắt ông Nguyễn Xuân Sơn chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ tới Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam – một tập đoàn kinh tế được coi là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, với đóng góp hàng năm từ 25-28% GDP. Hiện nay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn chồng chất đặc biệt là giá dầu thế giới suy giảm.

Tuy nhiên theo thông báo trên trang web của Tập đoàn thì việc điều tra ông Nguyễn Xuân Sơn không ảnh hưởng gì tới việc lãnh đạo, chỉ đạo và các hoạt động của Tập đoàn. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm chỉnh các dự án đầu tư, hợp tác với nước ngoài trong thời gian ông Sơn làm Chủ tịch đã ký.

Việc bắt ông Sơn một lần nữa cho thấy những vấn đề rất không ổn trong việc đề bạt, sử dụng cán bộ của Việt Nam. Thời gian gần đây, các cán bộ cao cấp có hành vi vi phạm pháp luật ngày một nhiều và trong đó có cả những người là Đại biểu Quốc hội. Cũng phải nói thêm rằng, chính ở VIệt Nam hiện nay vẫn áp dụng nguyên tắc dân chủ tập trung trong chỉ đạo làm việc. Cá nhân rất ít có vai trò quyết định mà chủ yếu là tập thể. Nhưng cũng rất nhiều tập thể đang xảy ra tình trạng mất đoàn kết tập thể, kéo bè cánh và lợi ích nhóm. Cho nên việc lựa chọn cán bộ hiện nay là rất khó khăn. Hay nói theo kiểu Việt Nam là: “Kính thưa các đồng chí… chưa bị lộ?”.

RELATED ARTICLES

Tin mới