Việt Nam gia nhập ASEAN đánh dấu mốc quan trọng và là điểm đột phá đầu tiên trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.
Trong phần trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp tròn 20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đưa ra đánh giá này.
Góp phần ‘lái’ Asean đi đúng hướng
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, quyết định gia nhập ASEAN là một bước đi chiến lược đúng đắn và sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta, vì nó đã mang lại cho Việt Nam những lợi ích quan trọng và thiết thực, mà bao trùm là tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Việt Nam gia nhập ASEAN đánh dấu mốc quan trọng và là điểm đột phá đầu tiên trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, góp phần triển khai phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ VII đã đề ra.
Đồng thời, kết quả Việt Nam tham gia ASEAN thời gian qua cũng định hình và là cơ sở cho quá trình đổi mới tư duy đối ngoại của Việt Nam, đó chính là tư duy về hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, so với nhiều nước thành viên ASEAN, Việt Nam ở một chừng mực vẫn đứng sau về trình độ phát triển. Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hào về những đóng góp ngày càng quan trọng của Việt Nam trong suốt 20 năm qua cho Hiệp hội.
Ngay sau khi gia nhập ASEAN, chúng ta đã tích cực thúc đẩy ASEAN kết nạp các nước Campuchia, Lào và Myanmar mặc dù phải đối mặt với không ít lực cản. Việt Nam đã trở thành cây cầu nối Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo, để đến năm 1999, giấc mơ về một đại gia đình ASEAN gồm 10 quốc gia thành viên đã trở thành hiện thực.
Về mặt chiến lược, việc cùng các nước thành viên chủ động “lái” ASEAN đi đúng hướng là đóng góp lớn nhất của Việt Nam.
Ở đây có thể kể đến dấu ấn Việt Nam trong các văn kiện mang tính chiến lược của Hiệp hội như Tầm nhìn 2020, Tuyên bố hòa hợp ASEAN II, Hiến chương ASEAN, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015).
Hiện nay, chúng ta đang tích cực tham gia xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, với mục tiêu làm cho liên kết ASEAN sâu rộng hơn, hoạt động trên cơ sở pháp luật và lấy người dân làm trung tâm.
Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, chỉ ba năm sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (12/1998) với những kết quả quan trọng, trong đó có Chương trình Hành động Hà Nội, góp phần định hướng phát triển của Hiệp hội, giúp ASEAN vượt qua khủng hoảng tài chính khu vực khi đó.
Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010 với những kết quả thực chất, góp phần thúc đẩy “văn hóa thực thi” và cụ thể hóa một bước quan trọng mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của Hiệp hội.
Việt Nam đến sau nhưng lại đi đầu
Người đứng đầu ngành ngoại giao cho rằng, hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng mặc dù là “người đến sau,” trình độ phát triển còn thấp, song Việt Nam lại nằm trong nhóm nước đi đầu về việc thực hiện các biện pháp xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đạt tỷ lệ ấn tượng 93,5% so với mức trung bình 90,5% của các nước ASEAN.
“Chúng ta cũng tham gia đầy đủ và sâu rộng vào các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực chính trị- an ninh, văn hóa- xã hội và quan hệ đối ngoại.
Đặc biệt, Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mở rộng và thể chế hóa khuôn khổ quan hệ của ASEAN với các nước lớn và các đối tác quan trọng”, Phó Thủ tướng nói.
Trong năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam, quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) để kết nạp thêm Mỹ và Nga, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), vận động để đại diện cho ASEAN dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Hàn Quốc và Canada thể hiện Việt Nam có tầm nhìn chiến lược vượt ra ngoài khu vực.
Có thể nói, Việt Nam đã cùng ASEAN chứng minh rằng tương lai của khu vực sẽ được định hình tốt hơn bằng con đường hội nhập, đối thoại và hợp tác.
Ông cũng cho biết, sự hình thành Cộng đồng ASEAN đã tạo ra cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam cũng như các nước thành viên khác.
“Về cơ hội, đó là chúng ta có được môi trường hòa bình và ổn định để tập trung phát triển kinh tế-xã hội cũng như tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các nước trong việc xử lý những thách thức đối với an ninh và phát triển của ta, nhất là trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích ở Biển Đông”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.