Saturday, April 20, 2024
Trang chủĐiểm tinVì sao chỉ có du lịch Đà Nẵng thành công?

Vì sao chỉ có du lịch Đà Nẵng thành công?

Điều quan trọng để phát triển đó chính là phải có tầm nhìn quy hoạch và quản lý đồng bộ, hiệu quả từ các nhà quản lý.

Cần học hỏi kinh nghiệm làm du lịch của Đà Nẵng

Ông Phan Đức Mẫn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, bày tỏ quan điểm về những thành công kỳ diệu của du lịch Đà Nẵng và không khỏi lo ngại về thực trạng ngành du lịch nước ta trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Đất Việt.

Chính sách đồng bộ, quyết liệt, cụ thể và thuyết phục

PV:- Cách đây 15 năm, Đà Nẵng dường như chỉ được biết như một làng chài và một TP bị tàn phá sau chiến tranh. Nhưng trong 15 năm qua, Đà Nẵng đã viết nên một câu chuyện mới thành công về mặt kinh tế, thành công về phát triển đô thị và đặc biệt là thành công trong phát triển du lịch.

Hiện nay, Đà Nẵng đã có nhiều điểm nghỉ dưỡng hấp dẫn như Bà Nà Hills, hay khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula từng được tổ chức World Travel trao giải thưởng dành cho resort hạng sang tuyệt nhất thế giới. Bên cạnh đó, ĐN cũng đã được bình chọn là thành phố đáng sống. Theo ông, sự thay đổi thần kỳ, vượt bậc này của ĐN xuất phát từ đâu? Ông có thể phân tích cụ thể?

Ông Phan Đức Mẫn: – Đà Nẵng là một thành phố có diện tích không hề lớn, thế nhưng nó vẫn được nhắc đến là một thành phố đáng sống, thành phố 5 không:”Không hộ đói; Không mù chữ; Không lang thang xin ăn; Không ma tuý; Không giết người cướp của”; thành phố của 3 có: “Có nhà ở; Có việc làm và Có lối sống văn minh đô thị”…

Theo tôi, hiện nay nó còn là thành phố tiên phong, do đâu mà Đà Nẵng có thể xây dựng và phát triển được thành phố như vậy, tôi nghĩ quan trọng nhất là tầm nhìn quy hoạch và quản lý đô thị của lãnh đạo Đà Nẵng. Cách làm của họ vừa quyết liệt, vừa đồng bộ, vừa cụ thể đồng thời rất thuyết phục.

Cũng là thành phố, thủ đô Hà Nội cũng có nhiều cây cầu nhưng không hề có ấn tượng với du khách. Trong khi, Đà Nẵng quy hoạch, làm mỗi cây cầu là một tác phẩm về nghệ thuật riêng, góp phần tôn tạo thành phố, phát triển cảnh quan.

Nhắc đến Đà Nẵng là nhớ tới những cây cầu huyền thoại có kiến trúc đẹp và vô cùng độc đáo như: Cầu Rồng, Cầu Trần Thị Lý, Cầu Sông Hàn… Mỗi một cây cầu có một dấu ấn riêng và là nơi dạo mát, ngắm cảnh thành phố thú vị cho du khách khi đến Đà Nẵng.

Đồng thời phát triển về du lịch sông nước của Đà Nẵng rất tốt, hệ thống đèn hai bên bờ sông Hàn chèn rất đẹp, tạo điều kiện cho du khách có thể đi du thuyền đi trên sông Hàn thưởng ngoạn được vẻ đẹp yên bình, thơ mộng của thành phố này.

Để thấy rằng mấu chốt cơ bản của vấn đề phát triển, bước ngoặt kỳ diệu đó chính là phải có tầm nhìn quy hoạch và quản lý quy hoạch từ lãnh đạo. Bên cạnh đó, khi thực hiện thì phải đồng bộ, quyết liệt, cụ thể và thuyết phục.

Bây giờ các nơi có thể rất khó làm việc bài trừ tệ nạn, ăn xin, trộm cắp nhưng Đà Nẵng làm rất tốt. Tất cả những người vi phạm, họ cho vào chợ đi mua bán, cho đi học nghề, thậm chí trông xe ôm, các lãnh đạo Đà Nẵng thường xuyên họp lại để tìm ra phương án giải quyết làm sao để không ảnh hưởng đến việc phát triển văn hóa, du lịch. 

Cụ thể, như những đứa trẻ con hư hay đi trộm cắp, họ cũng tìm cách giáo dục lại, giúp chúng nhìn lại mình. Hàng tuần họ sẽ đưa những đứa trẻ đến các trại giáo dưỡng sau đó để các em quan sát và tự so sánh với bản thân để điều chỉnh hành vi của mình.

Có lần tôi đi khảo sát thực tế thấy lãnh đạo thành phố có cả Bí thư, Chủ tịch, dù chúng tôi chưa đến, nhưng lãnh đạo đã có mặt ở đó từ lâu, trao đổi với người dân rất hiệu quả, cởi mở. Cảm giác khoảng cách giữa người lãnh đạo và người dân không hề tồn tại, lãnh đạo tiếp thu những trăn trở của dân, còn dân thì có thể bày tỏ những bức xúc, ước muốn chính đáng.

Nên tôi vẫn nhắc lại, vấn đề quy hoạch, quản lý vẫn phải làm quyết liệt, đồng bộ làm sao cho thuyết phục, đó là việc quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, phải có chính sách, bộ máy nghiên cứu chế độ chính sách đảm bảo quyền lợi cân đối hài hòa, giữa cái phát triển thành phố với quyền lợi của người dân ĐN, phát triển thành phố với những người ở các địa phương khác hoặc với du khách. Tôi nghĩ cái đó là mấu chốt nhất.

PV:- Thưa ông, nếu như so sánh với các địa phương khác được đặt trọng tâm phát triển du lịch như cố đô Huế, TP Hà Nội, TPHCM với thế mạnh nhiều địa danh để thu hút khách du lịch về cả cảnh quan và di sản văn hóa…thì Đà Nẵng có nhiều lợi thế để phát triển hơn hay không? Vì sao ạ?

Ông Phan Đức Mẫn:- Nếu so sánh với các địa phương khác, thì Đà Nẵng không hề có nhiều lợi thế, ví dụ như Đà Nẵng không thể so sánh với Huế về mặt di sản văn hóa, địa danh du lịch về văn hóa lịch sử. Cũng như Đà Nẵng không thể so sánh với Hà Nội về mặt địa danh du lịch, chưa kể đây còn là trái tim của đất nước, trọng tâm của sự phát triển.

Riêng với Đà Nẵng, thành phố này vẫn luôn như người có 2 đòn gánh trên vai, 4 di sản thế giới: Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Phố cổ Hội An, tất cả đều lấy ĐN làm trung tâm để tập hợp điểm đến về du lịch cho du khách.

Hay nói khác, chúng tôi vẫn nói 4 đầu 2 đòn gánh trên vai của Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng sẽ trở thành nơi trung chuyển, để cho du khách trong và ngoài nước đi 4 điểm xung quanh dễ dàng, khi đến với Đà Nẵng thì chắc chắn sẽ phải đi 4 điểm này.

Để làm được điều này, thì Đà Nẵng đã phải xây dựng được một thương hiệu rất riêng, khiến du khách khắp thế giới tìm đến thưởng ngoạn. Đà Nẵng đã khẳng định những bước đi trong việc khai thác tiềm năng du lịch của thành phố là hoàn toàn đúng đắn. Những Bà Nà, Sơn Trà, Non Nước… trở thành địa chỉ không thể thiếu trong hành trình khám phá Việt Nam, châu Á trong nhiều năm trở lại đây.

Con người là yếu tố vô cùng quan trọng

PV:- Trong bối cảnh khách du lịch cả nước sụt giảm hơn 11% thì Đà Nẵng vẫn tăng 24,9% về tổng lượng khách. Tổng thu du lịch năm 2014 ước đạt gần 10.000 tỷ đồng, tăng 25,1% so với 2013. Tại sao Đà Nẵng vẫn thu hút được du khách khi không có nhiều ưu thế, thậm chí lượng du khách đến ĐN ngày càng đông, điểm hấp dẫn của thành phố này là gì, thưa ông?

Câu chuyện lực lượng CSGT TP Đà Nẵng không xử phạt tất cả các du khách từ nơi khác đến ĐN khi vi phạm luật giao thông, có phần nào thể hiện chiến lược thu hút du khách của ĐN? Ông có thể phân tích cụ thể hơn?

Ông Phan Đức Mẫn:- Như tôi đã nói ở trên, điểm hấp dẫn của thành phố này chính là thương hiệu của Đà Nẵng. Đà Nẵng có thương hiệu đó là thành phố đáng sống, thành phố năm không, ba có và bây giờ chúng tôi nhận định nó là thành phố tiên phong. 

Bên cạnh đó, thành phố đã biết xây dựng, quảng bá, xúc tiến thương hiệu của mình, chính điều đó đã khiến cho du khách tò mò, tìm hiểu thương hiệu đó ra sao. Làm được điều đó là do quy hoạch và cách quản lý.

Ví dụ như Hà Nội. TPHCM cũng có rất  nhiều con sông đẹp, nhiều cây cầu đẹp nhưng lại không gây ấn tượng như Đà Nẵng. Cũng như Huế có con sông Hương vô cùng đẹp, nhiều cầu nhưng chỉ có cầu Tràng Tiền là cổ kính, còn tất cả các cây cầu khác rất bình thường. Đó cũng là khía cạnh để thu hút khách.

Hay nói ngay đến việc, môi trường sống an ninh, ở Đà Nẵng du khách vô cùng an tâm, thoải mái. Một thành phố mà mọi người dân sống hiền hòa, an ninh trật tự xã hội, y tế giáo dục được quan tâm đúng mức. Đặc biệt có các trạm giải đáp thắc mắc, cung cấp các thông tin du lịch miễn phí tại Đà Nẵng luôn nhiệt tình giúp đỡ khách du lịch đến Đà Nẵng. Tất cả những yếu tố này cũng là yếu tố níu giữ du khách đến thành phố này.

Câu chuyện CSGT không xử phạt du khách khi vi phạm Luật giao thông cũng cho thấy chiến lược lấy con người làm trọng tâm của thành phố này. Đối với việc quảng bá, xúc tiến du lịch, con người vẫn là yếu tố quyết định nhất và không gì hiệu quả bằng chính hình ảnh, thái độ của người phục vụ tại điểm đến.

Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lượng khách đến, kéo theo đó là ảnh hưởng đến nguồn thu của địa phương và của ngân sách.

Đối với bất kỳ du khách nào đến với Đà Nẵng đều cảm nhận được sự thân thiện, mến khách của con người nơi đây, từ lãnh đạo đến người dân bình thường, bất kỳ gặp khách du lịch họ đều nở nụ cười, và tuyệt nhiên không nói bậy, cư xử thô lỗ. Gần đây, Đà Nẵng còn đưa ra tổ quy tắc ứng xử đảm bảo văn hóa cho Đà Nẵng. Đây chính là chiến lược vô cùng sâu xa toàn diện của thành phố này.

PV:- Nếu tất cả các địa phương đều áp dụng những bài học từ du lịch ĐN thì du lịch VN sẽ như thế nào? Chúng ta có thể hy vọng vào tương lai một thị trường du lịch VN phát triển mạnh hay không, thưa ông? Vì sao ạ?

Ông Phan Đức Mẫn: – Tôi nghĩ, nếu như tất cả các địa phương làm du lịch đều học hỏi cách làm của ĐN thì du lịch VN sẽ phát triển, thậm chí rất tốt, biết rằng là còn tùy hoàn cảnh từng địa phương.

Nhưng nói ngay đến những cái nhỏ nhất như ăn xin đeo bám, trẻ em chậm tiến độ, thiếu thông minh, trộm cắp, chắc chắn họ cũng phải học hỏi được.Theo tôi tất cả những điều này, địa phương nào cũng có thể làm nhưng chỉ là có ai dám làm, dám thay đổi hay không, người lãnh đạo có dám thay đổi hay không?

Và chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào sự phát triển vượt bậc của du lịch VN, bởi vì thế mạnh du lịch của nước ta quá mạnh.

Chúng ta có lợi thể cả về văn hóa lịch sử, cả cảnh quan danh lam thắng cảnh, tất cả chỉ là chúng ta chưa có người đủ tầm cỡ để nghĩ ra du lịch phải đột phá thì mới phát triển được. Vấn đề quan trọng nhất của du lịch VN là tìm ra người đầu tàu dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đầu tư cho du lịch, phát huy nguồn ngân sách hiệu quả, tăng cường học hỏi kinh nghiệm của quốc tế. Không nên phát triển theo hướng nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm như hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới