Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTổng quát về âm mưu của Trung Quốc và Mỹ ở Biển...

Tổng quát về âm mưu của Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông

Chưa bao giờ, nguy cơ xung đột lại hiện hữu rõ ràng như vậy trên Biển Đông. Không chỉ là nơi Bắc Kinh cùng các nước cũng có yêu sách chủ quyền thi triển những đấu pháp giành giật từng mét vuông biển đảo, Biển Đông còn đang trở thành đấu trường mới chứng kiến cuộc đấu quyết liệt giữa Trung Quốc và Mỹ – một cường quốc mới trỗi dậy với một siêu cường đang bảo vệ vị trí độc tôn của mình trên thế giới. Những phân tích kỹ lưỡng, toàn diện dưới đây của một nhà nghiên cứu giấu tên sẽ cung cấp cái nhìn toàn cảnh về bản chất, hiện trạng các tranh chấp ở Biển Đông, cũng như phần nào lý giải được nguồn cơn tham vọng và thủ đoạn, âm mưu của Trung Quốc và Mỹ trong những mối xung đột này.

Trữ lượng dầu khí được chứng minh và tiềm năng ở Biển Đông theo ước tính của Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Kỳ 1: Biển Đông có bao nhiêu dầu khí?

Các nước tìm kiếm và tranh giành lợi ích nào từ Biển Đông? Phải chăng là vì dầu khí – nguồn năng lượng đã và đang “xoay chuyển” thế giới?

Các tranh chấp trên Biển Đông là sự tranh chấp chủ quyền biển đảo và địa chính trị – kinh tế. Chất xúc tác làm gia tăng những căng thẳng trên Biển Đông trong những năm gần đây là nguồn tài nguyên biển, đặc biệt là trữ lượng dầu khí.

Trữ lượng dầu khí dưới đáy Biển Đông có thực là “vịnh Péc-xích thứ hai” như một số học giả Trung Quốc đưa ra hay không? Cho đến nay, các con số đưa ra hết sức khác nhau, với sự khác biệt rất lớn đến mức gây nhiễu thông tin.

Người ta chỉ có thể biết được trữ lượng một khi đã khoan thăm dò. Tính trên toàn cầu, khoảng 30-40% tài nguyên dầu khí nằm ở các vùng nước sâu và khoảng một nửa địa điểm thăm dò đã phát triển ở ngoài khơi. Ở Biển Đông, trữ lượng dầu khí ở vùng nước sâu chỉ là những con số phỏng đoán, được đưa ra với những động cơ khác nhau. Cho đến nay, một phần trữ lượng dầu khí Biển Đông có thể xác định được đều nằm ở những khu vực ven bờ thuộc các nước ở phía nam Biển Đông

Việc khai thác dầu mỏ của Trung Quốc tại Biển Đông đang bị hạn chế. Cho tới nay nước này chỉ có chưa tới 15 giếng dầu.

Phía bắc đã được Trung Quốc khoan thăm dò, đặc biệt sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan tự chế tạo Hải Dương 981 do Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) sở hữu vào hoạt động. Giàn khoan đã bắt đầu hoạt động ngày 9-5-2012 tại khu vực biển cách Hồng Kông khoảng 320km về phía đông nam. Giàn khoan đã khoan thăm dò ở độ sâu 2.335km, ước tính có khoảng 30 tỷ mét khối khí tự nhiên. Một nguồn tin từ chi nhánh Thâm Quyến của CNOOC cho biết, về tầm nhìn dài hạn, hơn 700 triệu tấn tài nguyên dầu và 1,2 nghìn tỷ mét khối khí tự nhiên sẽ được tìm thấy trong khu vực này. Có hàng chục khu vực tương tự như vậy ở phần phía bắc của Biển Đông.

Gần đây, người ta tiếp tục phát hiện ở Biển Đông có một trữ lượng băng cháy khổng lồ. Với một mét khối băng cháy có thể giải phóng từ 160-180 mét khối khí thiên nhiên, đây sẽ là nguồn cung cấp năng lượng sạch vô cùng lớn. Mạng Tân Hoa ngày 5-1-2011 đưa tin, sau 10 năm triển khai, dự án điều tra, nghiên cứu và đánh giá về tài nguyên băng cháy biển sâu của Trung Quốc đã đạt được “thành quả đột phá” và dự án này sẽ hoàn thành vào đầu năm 2011. Kết quả điều tra và nghiên cứu do phía Trung Quốc đưa ra cho biết băng cháy được phát hiện ở 4 khu vực thuộc thềm lục địa Bắc biển Đông với trữ lượng ước tính khoảng 19,4 tỷ mét khối.

Vùng được xem có tiềm năng lớn về dầu mỏ hơn cả nằm ở vùng ven biển phía nam thuộc Malaysia, Brunei, Nam Việt Nam, Philippines. Người ta biết được số lượng khai thác, nhưng có rất ít số liệu về trữ lượng thăm dò. Cho nên các nhà khoa học còn chưa thống nhất về ước tính trữ lượng dầu khí của toàn bộ Biển Đông.

Theo số liệu của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, vùng biển này đã được xác định có trữ lượng dầu mỏ khoảng 1,2 km3 (7,7 tỷ thùng), với ước tính tổng khối lượng là 4,5 km3 (28 tỷ thùng). Trữ lượng khí đốt tự nhiên được ước tính khoảng 7.500 km3 (266 nghìn tỷ feet khối). Còn theo đánh giá sơ bộ của ngành hải dương Trung Quốc, trữ lượng dầu khí dưới Biển Đông là hơn 50 tỷ tấn.

Theo con số thống kê của các cơ quan Chính phủ Trung Quốc, Biển Đông có hơn 200 cấu tạo dầu khí, khoảng 180 mỏ dầu khí.

Số liệu của Viện nghiên cứu cải cách phát triển Nam Hải (Trung Quốc) đăng tải trên mạng Tin tức Hải Nam ngày 20-8-2012 cho biết, Biển Đông dự đoán có trữ lượng dầu khí ước đạt hơn 50 tỷ tấn, là một trong bốn khu vực có trữ lượng dầu khí lớn trên thế giới (Vịnh Péc-xích, Vịnh Mexico và Biển Bắc), chủ yếu nằm ở vùng biển sâu trên 2.000m.

Còn theo một nguồn tin của Viện Kỹ thuật Trung Quốc, Biển Đông ước tính có trữ lượng 23-30 tỷ tấn dầu và 16 nghìn tỷ mét khối khí tự nhiên. Khoảng 70% trữ lượng dầu khí ở vùng biển giàu tài nguyên này nằm tại các khu vực nước sâu. Nguồn tin này cho rằng Biển Đông có thể trở thành vùng khoan nước sâu lớn thứ tư thế giới, sau cái gọi là “tam giác vàng” của vùng Vịnh Mexico, Brazil và Tây Phi.

Theo dự tính của các chuyên gia Trung Quốc, khối lượng dầu thô tàng trữ ở khu vực biển Trường Sa là khoảng 35,1 tỷ tấn, khối lượng khí tự nhiên khoảng 8.000 tỷ đến 10.000 tỷ mét khối.

Theo một số liệu của phía Trung Quốc, vùng biển Trường Sa đã có hơn 200 mỏ dầu khí, hơn 1.000 giếng dầu đã được các nước Đông Nam Á thăm dò và khai thác, khối lượng dầu mỏ khai thác mỗi năm trên 40 triệu tấn. Brunei nhờ khai thác dầu thô đã nhanh chóng trở thành nước giàu nhất Đông Nam Á.

Theo đánh giá mới nhất của Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, trữ lượng dầu tại Biển Đông ước tính 23 tỷ – 30 tỷ tấn.

Trường Sa gần như nằm ở trung tâm của Biển Đông. Theo tờ Jakarta Post (Bưu điện Jakarta), ngày 22-7-2010, cả khu vực bao quanh quần đảo Trường Sa ước tính có 17,7 tỷ tấn dầu mỏ và khí tự nhiên, là nơi có trữ lượng dầu khí lớn thứ tư thế giới.

Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong báo cáo cập nhật ngày 7-2-2013, ước tính Biển Đông có trữ lượng khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí. Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) thuộc quần đảo Trường Sa có thể có trữ lượng dầu khí đáng kể. Quần đảo Hoàng Sa chưa phát hiện các mỏ dầu khí. Phần lớn các mỏ dầu được thăm dò và khai thác hiện nay đều nằm ở vùng nước nông dọc bờ biển Việt Nam, Malaysia và Brunei. Do đó, những nước này có trữ lượng dầu khí nhiều hơn cả, trong đó Malaysia có trữ lượng đáng kể nhất.

Tiến sĩ Clive Schofield, Giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Trung tâm quốc gia về nguồn lợi và an inh biển của Australia thuộc Đại học Wollongong, trưởng nhóm điều tra dự án “Năng lượng biển ở châu Á”, do Sáng kiens châu Á của Quỹ MacArthur ở Mỹ tài trợ, cho biết: “Thế giới hiện nay” đã khai thác dầu khí ngoài khơi nhiều hơn trong đất liền. Chúng ta đang tìm kiếm dầu khí xa hơn, sâu hơn và trong các điều kiện khắc nghiệt hơn ở ngoài biển. Khi nói tới Biển Đông, người ta thường nghe thấy những cụm từ đi kèm là “nhiều dầu khí”. Và một phần lớn trong nghiên cứu của chúng tôi là xem xét liệu những trông đợi về nguồn lợi dầu khí ở đây có hiện thực hay không.

Theo Clive Schofield, “khó có thể nói chắc chắn về những gì đang tiềm ẩn ở dưới đáy Biển Đông. Thế nhưng, đánh giá của chúng tôi là, ngay cả những ước tính lạc quan nhất, nếu nói về đóng góp của dầu khí ở biển cho an toàn năng lượng của mỗi quốc gia đang chia sẻ Biển Đông, thì nó cũng không làm thay đổi một cách đáng kể bức tranh an toàn năng lượng quốc gia. Trong giới nghiên cứu, tôi có thể nói là đang có một sự hoài nghi, rằng trữ lượng dầu ở Biển Đông có thể không được dồi dào như người ta vẫn tưởng. Cũng cần phải nói là không thể chắc chắn về trữ lượng nếu như không khoan thăm dò, thế nhưng sẽ không có công ty hay tập đoàn nào bỏ tiền đầu tư thăm dò nếu như họ không được bảo đảm về quyền khai thác, nhất là tại các khu vực có chồng lấn chủ quyền. Vậy nên, điều quan trọng là các quốc gia tranh chấp vẫn phải đi đến một sự nhượng bộ nào đó để công tác thăm dò có thể được thực hiện”.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới