Sunday, September 8, 2024
Trang chủBiển nóngTrung Quốc tập trận ở khắp nơi

Trung Quốc tập trận ở khắp nơi

Rầm rộ tập trận, lấy Đài Loan làm mục tiêu, xây căn cứ tàu sân bay ở Hải Nam là những động thái gần đây của quân đội Trung Quốc.

Đặc nhiệm tác chiến trong rừng rậm của Brazil

Nóng từ Đông sang Tây

Trung tâm Đào tạo các hoạt động chiến đấu trong rừng rậm (CIGS) của Brazil hôm 10/8 cho biết quân đội Trung Quốc đã đề nghị cung cấp một chương trình huấn luyện chiến đấu trong rừng rậm cho các lực lượng vũ trang nước này.

Trong một tuyên bố, Đại tá Alcimar Marques de Araújo Martins thuộc CIGS nói rõ rằng thay vì cử một nhóm các sĩ quan và hạ sĩ quan tới Brazil để tham gia lớp đào tạo, theo kế hoạch ban đầu sẽ diễn ra vào tháng 7, Trung Quốc đã đề nghị CGIS cử các đại diện của trung tâm này tới Trung Quốc.

Ông Martins nói: “Nay họ đề nghị chúng tôi cử một số chuyên gia huấn luyện để giúp họ phát triển chương trình huấn luyện chiến đấu trong rừng rậm ở Trung Quốc”.

CGIS, có trụ sở tại thành phố Manaus thuộc bang Amazonas, miền Bắc Brazil, được thành lập hồi năm 1964 bởi một sĩ quan người Brazil. Sĩ quan này từng tham gia một khóa huấn luyện tương tự do Lục quân Mỹ tổ chức tại Panama.

Trong khi nhờ Brazil huấn luyện tác chiến trong rừng rậm, quân độiTrung Quốc cũng liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận từ Đông sang Tây. Trong năm nay, quân đội Trung Quốc có kế hoạch hoàn tất hơn 100 cuộc tập trận hỗn hợp liên quan đến hơn 50 quân đoàn.

Ngày 11/8, PLA đã bắt đầu cuộc diễn tập quân sự hỗn hợp tại thành phố miền Đông Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô.

Cuộc tập trận mang mật danh “Hành động Hỗn hợp – 2015B” do Bộ Tư lệnh Quân khu Nam Kinh thuộc PLA tổ chức.

Trung Quoc soi suc dong binh
Đặc nhiệm không quân Trung Quốc trong tập trận

Trong một thông báo, Bộ Tư lệnh Quân khu Nam Kinh cho biết cuộc tập trận này có sự tham gia của các quân nhân từ các quân chủng gồm Lục quân, Hải quân, Không quân và Pháo binh. Cuộc diễn tập sẽ kiểm tra khả năng hiệp đồng tác chiến của các binh sĩ, sử dụng thông tin và mệnh lệnh được số hóa.

“Hành động Hỗn hợp – 2015B” là 1 trong 5 cuộc diễn tập tương tự có sự tham gia của hơn 140.000 binh sĩ từ hơn 140 trung đoàn thuộc nhiều quân, binh chủng của PLA.

Cùng thời gian này, Bộ Tư lệnh Quân khu Thành Đô thuộc PLA cũng tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật mang mật danh “Hành động Hỗn hợp – 2015D” với quy mô tương tự với sự tham gia của tổng cộng hơn 140.000 binh sĩ từ hơn 140 trung đoàn PLA thuộc nhiều quân binh chủng khác nhau.

Tân Hoa cho biết, cuộc tập trận hỗn hợp ở Đại Quân khu Thành Đô này là sự kiện đầu tiên trong số 5 cuộc tập trận tương tự có sự tham gia của các đơn vị hải, lục, không quân cùng các lực lượng khác. Cuộc tập trận bắt đầu từ tháng trước, song mới chuyển sang giai đoạn bắn đạn thật từ hôm 10/8.

Nhắm vào Đài Loan?

Ngày 9/8, báo chí Nhật Bản cho đăng tải một loạt ảnh vệ tinh cho thấy trong năm 2014 và đầu năm 2015, để luyện tập chiến đấu, Trung Quốc Đại lục đã xây dựng mô hình rất giống Dinh Tổng thống Đài Loan ở Đài Bắc.

Mô hình này được xây dựng tại Căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hà (Zhurihe) ở Khu tự trị Nội Mông, miền Bắc Trung Quốc.

The Diplomat cho biết Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 5/7 đã phát một phóng sự về các hoạt động luyện tập của quân đội Trung Quốc tại Căn cứ Chu Nhật Hà.

Tuy nhiên, sự kiện này chỉ được chú ý sau khi báo chí, trong đó có hãng tin CNA của Đài Loan đưa lại thông tin trên vào ngày 22/7.

Một số hình ảnh rõ nét hơn về cuộc luyện tập tấn công còn được đăng trên các trang web của quân đội Trung Quốc, nhưng sau đó đã bị rút xuống.

Cơ quan Quốc phòng Đài Loan đánh giá cuộc luyện tập này là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đáp trả rằng đây là các luyện tập bình thường và không có mục tiêu đặc biệt.

Dinh tổng thống của Đài Loan là mục tiêu trong các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc ở Chu Nhật Hà

Theo nhận định của The Diplomat, giữa mô hình luyện tập của quân đội Trung Quốc tại căn cứ Chu Nhật Hà với Dinh Tổng thống Đài Loan có nhiều điểm tương đồng như chiều rộng, dài, độ cao của tháp, bố trí bên trong…đến mức khó có thể nói đó là một cuộc luyện tập thông thường.

Đây không phải là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc luyện tập tấn công nhắm vào các mục tiêu Đài Loan. Năm 1999, quân đội Trung Quốc đã luyện tập tấn công với mô hình sân bay Đại Hùng, thành phố duyên hải phía Tây Đài Loan.

The Diplomat cho rằng việc xây dựng mô hình các mục tiêu dân sự Đài Loan như Dinh Tổng thống tại căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hà được thực hiện trong giai đoạn 2013-2015 – thời điểm Bắc Kinh có những động thái quyết đoán trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng như tỏ ra hung hăng trong chính sách đối với Hong Kong và Đài Loan.

Bàn đạp ở Hải Nam

Cùng với các cuộc tập trận, Trung Quốc vừa hoàn tất việc xây dựng cảng tàu sân bay lớn nhất thế giới ở đảo Hải Nam. Bến cảng này cùng một lúc có thể đón tiếp hai tàu sân bay.

Ngày 4/8, phát ngôn viên Bộ quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết, cảng này bao gồm các bến cảng cho tàu sân bay, vận tải hàng không và các cơ sở phục vụ huấn luyện.

Cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ có một tàu sân bay Liêu Ninh. Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định đang đóng tàu sân bay thứ hai và có thể chạy bằng động cơ nguyên tử.

Theo tiết lộ của báo chí, các ưu tiên chế tạo tàu sân bay và tàu ngầm nguyên tử đang được thực hiện một cách suôn sẻ. Cũng có tin đồn là Bắc Kinh có thể cho đóng thêm 4 tàu sân bay nữa.

Máy bay J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong vòng 15 năm tới, Trung Quốc tiếp tục thực hiện chương trình tự đóng tàu sân bay và có thể đóng nhiều tàu nữa. Mỹ hiện có 10 tàu sân bay đang hoạt động và đang đóng thêm 2 tàu nữa.

Ngay từ năm 2012, Bắc Kinh đã bày tỏ tham vọng trở thành một cường quốc hải quân lớn để bá chủ vùng Thái Bình Dương. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã hối hả bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông. Các dấu hiệu đều chỉ ra Bắc Kinh đang có ý đồ quân sự hóa các đảo nhân tạo này.

Theo giới phân tích, cảng mới này nhìn thẳng xuống Biển Đông và vị trí như vậy đã xác nhận ý đồ khống chế Biển Đông của Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh không còn che giấu.

Hải Nam có vị trí chiến lược, một vị trí lý tưởng cho một căn cứ Hải quân, gần ba eo biển chiến lược quan trọng là Malacca, Lombok và Sunda. Cùng với các căn cứ quân sự khác, căn cứ tàu sân bay trên đảo Hải Nam sẽ được phòng thủ tốt hơn.

Cùng với tàu sân bay, đảo Hải Nam, có vùng nước sâu bao quanh, là một địa điểm thích hợp cho việc đồn trú các lực lượng hạt nhân của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới