Wednesday, April 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBộ ba Mỹ - Trung - Nga sẽ định hình lại trật...

Bộ ba Mỹ – Trung – Nga sẽ định hình lại trật tự thế giới?

Những tranh chấp ở biển Hoa Đông và Biển Đông giữa Mỹ, Nhật Bản và các nước đồng minh châu Á là dịp khiến Bắc Kinh phải củng cố quan hệ với Nga.

Căng thẳng giữa Nga-Mỹ đã tạo cơ hội cho Moscow và Bắc Kinh thay đổi trật tự thế giới theo hướng họ muốn?

Tuần san Nikkei Asian Review của Nhật Bản ngày 11/8 cho hay, theo hai học giả Mỹ, Mathew J. Burrows và Robert A. Manning, việc Nga và Trung Quốc thắt chặt quan hệ trong thời gian gần đây đã đẩy nước Mỹ vào một tình huống bất lợi nhất, phá vỡ tam giác chiến lược đã giúp duy trì trật tựthế giới trong nhiều thập kỷ qua.

Năm 1971, Tổng thống Mỹ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thời đó là Richard Nixon và Henry Kissinger đã có một động thái bất ngờ là mở rộng quan hệ với Trung Quốc.

Bước đi này đã tạo nên một tam giác chiến lược quan trọng mà Mỹ nắm phần lợi thế và điều đó đã khiến quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô trở nên căng thẳng hơn.

Hiện tại, những tranh cãi đối với Nga đang khiến Washington gặp nhiều khó khăn, có thể mang lại những ảnh hưởng lớn đối với châu Á và toàn thế giới.

Sở dĩ có điều này là bởi quan hệ Nga – Trung đã trở nên khăng khít hơn bất kỳ lúc nào trong suốt nửa thế kỷ qua, và điều đó sẽ khiến hai nước này có thể thay đổi trật tự thế giới theo ý họ.

Nga và Trung Quốc đang có quan hệ ngoại giao gần gũi hơn bao giờ hết vì những lý do khác nhau.

Điều này trái hẳn với những gì mà Nixon và Kissinger đã từng làm. Mục đích của việc mở cửa quan hệ với Trung Quốc là nhằm giành ưu thế cho Mỹ bằng cách đẩy mạnh quan hệ với cả Moscow và Bắc Kinh để nó vững hơn quan hệ giữa Nga và Trung Quốc. Giờ đây Trung Quốc có thể sẽ là bên hưởng lợi khi Washington và Moscow đang lạnh nhạt với nhau.

Mặc dù giữa Nga và Trung Quốc từng có những bất đồng trong lịch sử, cũng như sự cạnh trạnh về vị thế, quan hệ Nga –Trung mới thiết lập không đơn giản chỉ là một mối liên kết vì lợi ích chung.

Không phải ngẫu nhiên mà Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên án Mỹ đẩy mạnh quân sự ở châu Á và chỉ trích hợp tác phòng thủ tên lửa giữa ba nước Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan.

Lệnh cấm vận mà Mỹ và các nước phương Tây áp đặt lên Nga đã khiến nước này hướng về phía Đông. Tương lai của ngành năng lượng Nga đều nằm ở châu Á, khoảng 500 tỷ USD thu về từ các thương vụ dầu mỏ và khí đốt với Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Nga đang suy yếu.

Trung Quốc đổi lại cũng có được một đối tác quan trọng để ổn định và hiện đại hóa vùng Á-Âu mà nước này coi là tiềm năng kinh tế, chứ không chỉ là một sân sau.

Chiến lược Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc kéo dài từ Tây sang Đông sẽ giúp biến vùng biên giới giáp ranh 14 nước thành một tài sản chiến lược của Bắc Kinh. Cùng với nhau, Nga và Trung Quốc sẽ càng củng cố vị thế áp đảo ở vùng Âu Á.

Một mối quan hệ thành công giữa Nga và Trung Quốc đạt được khi nền kinh tế được đẩy mạnh và chống lại các phần tử khủng bố cực đoan đe dọa sự an nguy của Nga, Trung Quốc và vùng Trung Á, sẽ cho thấy sự thành công của một mô hình tư bản chủ nghĩa không giống như của phương Tây. Không chỉ trong khu vực này, mà còn cả những nước tại châu Phi và Nam Mỹ, những nơi mà Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều, sẽ phải chú ý.

Cụ thể, tại Liên Hợp Quốc, Trung Quốc thường làm theo những bước đi của Nga, và hai nước này phản đối áp đặt cấm vận đối với chính quyền Assad ở Syria, điều được cho là đã khiến phương Tây không thể thực hiện chiến dịch lật đổ như đã từng làm đối với Qaddafi ở Libya.

Chiến lược Con đường tơ lụa của Trung Quốc sẽ trở nên thuận tiện hơn khi hợp tác cùng Nga.

Những nỗ lực của Nga sẽ còn mang lại nhiều kết quả thuận lợi nữa. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đang đi tìm thêm những thành viên mới khi Pakistan và Ấn Độ vừa mới gia nhập và khiến các nước trong khu vực nhận ra xu hướng mới trong lúc Mỹ và NATO chưa thể giải quyết được vấn đề ở Afghanistan. Mỹ, Nhật Bản và các nước phương Tây đang phải đau đầu về Trung Đông cũng như đảm bảo các nước Đông và Trung Âu vẫn được NATO bảo vệ.

Dường như giữa Nga và Trung Quốc đang có một thỏa thuận ngầm ở Trung Á, với việc Moscow đảm nhận vai trò an ninh còn Bắc Kinh tiếp tục đầu tư và hỗ trợ kinh tế. Ngân hàng Phát triển BRICS và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) là nhằm giúp các hoạt động này trở nên thuận lợi. Điều này cũng khiến những nỗ lực đẩy mạnh quan hệ ngoại giao ở Trung Á của Nhật Bản trở nên phức tạp hơn.

Ngược lại, sự bùng nổ khai thác dầu mỏ ở Mỹ cùng với những nhà cung cấp mới như Iraq và Iran đã khiến các nước phương Tây lạnh nhạt với Trung Á. Họ đã có đủ dầu, và thị trường họ cung cấp chủ yếu là trong nước.

Hoạt động chống khủng bố cũng khiến Nga và Trung Quốc tập trung vào Trung Á. Việc cung cấp quân đội và nhu yếu phẩm cho thấy Mỹ và các đồng minh cần vùng Trung Á. Giờ đây tầm ảnh hưởng của họ không còn lớn hơn trước khi hoạt động chống khủng bố phụ thuộc vào máy bay không người lái. Việc Mỹ rút quân đã trở thành cơ hội cho tham vọng Con đường tơ lụa của Trung Quốc.

Ngoài ra, giữa Nga và Trung Quốc còn có một số lợi ích chung, bao gồm việc họ phản đối sự lấn át của Mỹ và mong muốn một thế giới đa cực hơn. Cả hai nước đều theo đuổi tư tưởng chủ nghĩa dân tộc dựa trên lịch sử, văn hóa và tôn giáo. Cả hai cũng đi theo chủ nghĩa tư bản nhưng kiểm soát mạng internet rất chặt chẽ.

Điều này sẽ khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về tương lai của chính trị thế giới và trật tự toàn cầu. Rất có thể một trật tự lưỡng cực mới sẽ xuất hiện, với Trung Quốc, Nga và một số nước ở Trung Á ở một bên và Mỹ, EU, Nhật Bản và các đồng minh châu Á ở phía bên kia. Nó sẽ ảnh hưởng đến hòa bình và sự phát triển kinh tế trên thế giới. Nó sẽ khiến những nước được coi là “trung lập” như Ấn Độ, Brazil, Ai Cập… bị vướng vào cuộc cạnh tranh khốc liệt trên.

Tuy vậy, vẫn còn một khả năng nữa sẽ xảy ra. Trong khi Nga tỏ ra dè dặt trước nền kinh tế toàn cầu mà nước này gia nhập sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Trung Quốc đặt tương lai của mình vào hoạt động thương mại toàn cầu và biến nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu thành một nền kinh tế năng động của người tiêu dùng. Thực tế, hoạt động thương mại của Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản và EU giúp thu về 1,4 nghìn tỷ USD, trong khi với Nga chỉ là 100 tỉ USD.

Trong khi nền kinh tế Nga vốn phụ thuộc vào dầu mỏ đang đi xuống, Trung Quốc là một thế lực đang lên, ngày càng chứng tỏ mình là một cường quốc và sẵn sàng thiết lập tầm ảnh hưởng của mình ở châu Á. Trung Quốc cũng tỏ ra không thoải mái khi có tin Nga bị cáo buộc can thiệp vào cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Với việc nền kinh tế Trung Quốc đang suy giảm lại khiến nhu cầu về năng lượng của nước này giảm đi cũng như việc giá dầu giảm, sự hấp dẫn đối với Nga của Trung Quốc có thể sẽ bớt dần. Mới đây, một số thông tin cho thấy Trung Quốc đang rút lui khỏi thương vụ xây dựng đường ống dẫn khí đốt thứ hai từ Siberia (Nga).

Bản thân Nga cũng không thể ngồi yên trước sự Đông Á hóa ở miền Viễn Đông Nga, với 100 triệu người Trung Quốc đang sinh sống dọc sông Amur, biên giới tự nhiên giữa Nga và Trung Quốc, còn số dân Nga chỉ có 7 triệu người. Phần lớn vùng Viễn Đông Nga đều từng do nhà Minh của Trung Quốc làm chủ, trước khi Nga chiếm lại vào thế kỷ 17.

Nga xem những tranh chấp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông giữa Mỹ, Nhật Bản và các nước đồng minh châu Á là dịp khiến Bắc Kinh phải củng cố quan hệ với Nga.

Liệu những điều trên có chứng tỏ rằng sự thân thiết giữa Trung Quốc và Nga có thể sẽ không kéo dài?

Cho dù thế giới có trở lại trật tự lưỡng cực hay vẫn là một thế giới mở sẽ còn phụ thuộc vào vai trò của Mỹ trong bối cảnh phức tạp này khi không một quốc gia nào có khả năng một mình ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Điều đó có nghĩa là Mỹ và Nhật Bản phải mềm dẻo và thực dụng hơn nữa, gạt bỏ tâm lý đứng đầu của Mỹ.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới