Saturday, September 14, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNăm thời điểm Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông (Kỳ 7)

Năm thời điểm Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông (Kỳ 7)

Kể từ chuyến thăm chớp nhoáng của Đô đốc Lý Chuẩn đến Hoàng Sa năm 1909, đến ngày nay, cứ mỗi lần ở Đông Nam Á/Biển Đông xuất hiện khoảng trống quyền lực nước lớn, Trung Quốc lại tìm cách tăng cường sự hiện diện của họ tại Biển Đông. Suốt trong một thời kỳ kéo dài ấy, Biển Đông nằm trong vùng tranh tối, tranh sáng, kẻ vô tình, người hữu ý. Bắc Kinh thường chọn thời điểm để ra quân:

Bốn chiến hạm của quân lực Việt Nam cộng hòa tham dự trận hải chiến Hoàng Sa bảo vệ lãnh thổ vào năm 1974. Chiến hạm HQ-10 trúng đạn vào pháo tháp bị chìm tại trận, chiến hạm HQ-16 bị hư hại nặng nghiêng 15 độ, chiến hạm HQ-5 và HQ-4 bị hư nhẹ. Gần 50 thủy thủ và hạm trưởng Ngụy Văn Thà của HQ-10 tử vong. Ngoài ra HQ-5 có 3 quân nhân tử vong và 16 bị thương

  1. 1.1946-1947, đặt chân lên Hoàng Sa – Trường Sa

Tưởng Giới Thạch cử tàu ra “giải giáp quân đội Nhật “ tại Hoàng Sa và Trường Sa:

Ngày 9-12-1946, đoàn tàu chiến bốn chiếc chia làm hai đội rời cảng Du Lâm, hướng về phía nam. Phó tổng chỉ huy Diêu Nhữ Ngọc chỉ huy hai tàu Vĩnh Hưng và Trung Kiến tiến xuống quần đảo Hoàng Sa. Tổng chỉ huy Lâm Tuân dẫn đầu hai con tàu Trung Nghiệp và Thái Bình hướng đến quần đảo Trường Sa.

Sau khi lên đảo, đoàn người của Diêu Nhữ Ngọc đã đổi tên đảo Phú Lâm thành đảo Vĩnh Hưng. Tháng 12-1946, hai tàu do Lâm Tuân dẫn đầu đổ bộ lên đảo Itu Aba (tức đảo Ba Bình của Việt Nam) thuộc quần đảo Trường Sa. Lâm Tuân lấy tên con tàu Thái Bình để đặt tên cho đảo này.

Sau chuyến đi của Lâm Tuân, Sở Phương vực của chính quyền Trung Quốc Tưởng Giới Thạch biên soạn bản đồ Nam Hải chư đảo vị trí đồ, xuất bản tháng 2-1948, thể hiện đường lưỡi bò 11 đoạn, còn được gọi là đường chữ U.

Đến năm 1953, bản đồ vẽ đường lưỡi bò do Cộng hòa nhân dân Trung Hoa xuất bản chỉ còn 9 đoạn. Hai nét ở Vịnh Bắc Bộ đã bị xóa.

Người Trung Quốc dựa vào đâu để vẽ nên bản đồ đường lưỡi bò này? Việc làm này là hoàn toàn khác thường. Nó được vạch ra không hề có kinh độ, vĩ độ, cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp lý gì vì vào thời điểm đường lưỡi bò được đưa ra, theo các quy tắc của luật quốc tế, chiều rộng lãnh hải của một nước chỉ tối đa 3 hải lý.

Theo khảo cứu của PGS.TS Nguyễn Hồng Thao, cho đến ngày 7-5-2009, các chính quyền Trung Quốc đều chưa có giải thích gì về đường chữ U trong Biển Đông. Theo các tác giả Trung Quốc, đường chữ U lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ các đảo trong biển Nam Trung Hoa – The Location Map of the South China sea Islands (Nanhai zhudao weizhi tu) do Fu Jiaojin (Phó Giác Kim), Wang Xiguang (Vương Tích Quang) biên soạn và được Vụ Địa lý của Bộ Nội vụ Trung Quốc xuất bản vào năm 1947. Một số người khác còn cố đẩy thời gian xuất xứ của con đường này xa hơn nhằm mục đích giải thích có lợi cho Trung Quốc. Họ cho rằng đường chữ U này do một người tên là Hu Jinjie (Hồ Tấn Tiếp) vẽ từ năm 1914 và đến tháng 12-1947, một viên chức của Cộng hòa Trung Hoa tên là Bai Meichu (Bạch Mi Sơ) vẽ lại đường này trong một bản đồ cá nhân. Tuy nhiên, các tác giả Trung Quốc cũng phải khách quan thừa nhận “không rõ khi vẽ đường này Bai Meichu có đủ hiểu biết và kiến thức về luật biển quốc tế đương đại hay không?”. Daniel Schaeffer trong Biển Đông: Những điều hoang tưởng và sự thật của đường lưỡi bò và các nhà nghiên cứu nước ngoài khác cũng cho rằng bản đồ đường đứt khúc này xuất hiện trong một tập bản đồ tư nhân (chứ không phải của nhà nước).

Theo một nguồn tin Trung Quốc, chính nhân vật tên là Bạch Mi Sơ này, đã được mời đến Bắc Kinhd dể lý giải tại sao lại thể hiện đường yêu sách như bản đồ mà ông ta đã phóng tác. Tuy nhiên, ông này đã không thể đưa ra được lý do xác đáng nào cho yêu sách kỳ lạ, không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn như vậy.

Vấn đề pháp lý của đường đứt đoạn 9 khúc này hồi tháng 1-2013 đã được Philippines chính thức đưa ra Tòa án trọng tài của Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) yêu cầu phán xử. Giáo sư Jerome Cohen, chuyên gia về luật pháp Trung Quốc và quốc tế tại Trường Luật của Đại học New York, cho rằng vụ kiện của Philippines đã khiến “Bắc Kinh bị sốc” vì sự táo bạo và hệ quả nhiều mặt của nó. Một khi Tòa án trọng tài thụ lý vụ kiện này, một phần nội dung của các cuộc tranh chấp tại Biển Đông sẽ được xem xét theo quy định của pháp luật quốc tế, chứ không phải theo “luật rừng”.

Sau khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, đơn vị đồn trú của Tưởng Giới Thạch rút khỏi đảo Phú Lâm, trong khi đó Pháp vẫn duy trì đồn trú tại Hoàng Sa. Ngày 11-7-1956, quân đội Đài Loan chiếm đảo Ba Bình.

  1. 2.1956-1974, từng bước chiếm Hoàng Sa

Tháng 4-1956, khi quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc bí mật đưa quân ra chiếm đóng nhóm đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa. Trong thời kỳ Mỹ tiến hành chiến tranh ở Việt Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý các đảo thuộc nhóm đảo phía tây của Hoàng Sa và một số đảo chính ở Trường Sa.

Từ ngày 17 đến 20-1-1974, diễn ra hải chiến giữa lực lượng hải quân Việt Nam Cộng hòa và các lực lượng vũ trang của Trung Quốc tại Hoàng Sa. Trung Quốc chiếm nốt các đảo thuộc nhóm đảo phía tây của quần đảo Hoàng Sa.

  1. 3.1988-1995, chiếm một số đảo Trường Sa

Trong vấn đề tranh chấp biển đảo, Trung Quốc theo đuổi sách lược được gọi là “chính sách ba bước tiến, hai bước lùi”: tìm cách lấn chiếm (tiến ba bước); khi dư luận quốc tế bày tỏ lo ngại và lên tiếng phê phán, Bắc Kinh chuyển sang thái độ hòa giải (lùi hai bước). Nhưng xu hướng lâu dài vẫn là lấn tới (lợi một bước). Điều này thể hiện xuyên suốt trong các giai đoạn từ năm 1974 đến 2009.

Ngay sau khi giải phóng miền Nam Việt Nam và nước Việt Nam thoóng nhất, vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa đã thường xuyên xuất hiện trong chương trình nghị sự giữa Trung Quốc và Việt Nam, tuy nhiên Trung Quốc không chấp dận đưa vào đàm phán chính thức.

Từ tháng 1 đến tháng 4-1988, Trung Quốc thực hiện chiến dịch đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa do Việt Nam kiểm soát, bắn chìm tàu vận tải của Việt Nam. Đến ngày 6-4-1988, Trung Quốc đã chiếm đóng 6 vị trí là những bãi cạn ở phía tây Trường Sa, trong đó có: đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma, đá Su Bi.

Cuối năm 1992, quân đội Mỹ rút khỏi căn cứ quân sự ở Philippines. Xung đột Trung Quốc – Philippines liên quan đến dải đá ngầm Vành Khăn (Mischief Reef) bắt đầu từ tháng 2-1995 khi Philippines phát hiện Trung Quốc đang cho xây dựng một hệ thống trú phòng trên các cột trụ vững chắc, nhằm xác lập sự hiện diện thực tế của họ trên dải đá này. Xung đột này đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và việc Trung Quốc có mặt tại quần đảo Trường Sa tại 7 vị trí.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới