Friday, April 19, 2024
Trang chủĐiểm tinTướng Mai Văn Cương: Chưa thể đánh giá tính năng thực tiễn...

Tướng Mai Văn Cương: Chưa thể đánh giá tính năng thực tiễn của F-35

Theo cựu tướng Không quân Việt Nam Mai Văn Cương, khó và chưa có thể đánh giá được tính năng thực tiễn của tiêm kích F-35 trong chiến đấu.

Theo Tướng Mai Văn Cương: Khó và chưa thể đánh giá tính năng thực tiễn của máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 do Hoa Kỳ chế tạo

Thời gian vừa qua, dư luận quốc tế đang rất quan tâm tới thông tin về sự xuất hiện của dòng máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ chế tạo. Trên báo chí thế giới cũng xuất hiện các luồng thông tin khác nhau khi bàn về trang bị mới nhất này của quân đội Mỹ.

Đáng chú ý, có một sự thật là phần lớn giữa các kênh truyền thông Nga và truyền thông Mỹ xuất hiện sự đối nghịch nhau hoàn toàn khi nói về các sản phẩm công nghệ của nhau.

Phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Mai Văn Cương, cựu phi công lái nhiều loại chiến đấu cơ do Nga chế tạo đồng thời cũng là nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân để tham khảo ý kiến của ông.

Tướng Mai Văn Cương được biết tới là một trong số các phi công xuất sắc của không quân Việt Nam từng bắn rơi 8 chiếc máy bay tiêm kích F-105 và F-4 của Mỹ từ những năm 60 của thế kỷ trước.

   Tướng Mai Văn Cương: Chưa thể đánh giá tính năng thực tiễn của F-35 - Ảnh 1

Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Mai Văn Cương – nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân

Thời gian gần đây trên các trang báo chính thống của Nga thường xuyên có các bài viết nói rằng các máy bay tiêm kích được sản xuất từ thời Liên Xô như Mig-21, Mig-29, Su-27 có tính năng kỹ thuật vượt trội siêu tiêm kích F-35 – một trong những máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thư 5 hiện đại nhất của quân đội Mỹ hiện nay. Đáng chú ý, một số chủng loại máy bay chiến đấu được nói đến ở trên cũng đã và đang được Không quân Việt Nam sử dụng (Mig-21, Su-22,Su-27…), Thiếu tướng có nhận xét gì về những bình luận gần đây của báo chí Nga? Theo ông, những nhận định này có gì hợp lý và không hợp lý bởi người Mỹ thực tế cũng không viển vông, dại dột gì mà đầu tư hàng trăm tỷ USD để nghiên cứu và chế tạo ra một loại máy bay mới như F-35?

Thiếu tướng Mai Văn Cương: Là một trong những học viên đầu tiên được cử đi học khóa đào tạo về máy bay tiêm kích Mig-17, Mig-21 ở Liên Xô từ cách đây 50 năm, thế hệ lính không quân chúng tôi hiểu hơn ai hết những tính năng, đặc điểm của dòng tiêm kích này do nước bạn (Liên Xô trước đây và Nga ngày nay) chế tạo.

Tham gia chiến đấu cùng với chiếc máy bay Mig-21 để đối đầu với máy bay “Thần sấm” F-105 cũng như tiêm kích F-4 của không quân Mỹ nhằm bảo vệ bầu trời Hà Nội từ năm 1966, đó là một sự lựa chọn đúng đắn của lãnh đạo quân chủng và Quân ủy Trung ương.

Có những trận không chiến giữa một bên, là từng tốp tới 40 – 50 chiếc tiêm kích F-105 cùng với một dàn máy bay phản lực F-4 yểm trợ phía sau của Mỹ. Ta chỉ dùng máy bay tiêm kích Mig-21 để chiến đấu mà đã giành thắng lợi. Dù trước đó, phía Mỹ luôn tung hô F-105 là “Thần sấm” và rằng Mig của Việt Nam không thể đánh bại. Nhưng thực tế đã minh chứng điều ngược lại.

Trong cả cuộc chiến, tôi cùng với các đồng đội đã lần lượt “hạ gục” uy lực của hàng chục “Thần sấm” của không lực Mỹ trên bầu trời Việt Nam.

  Tướng Mai Văn Cương: Chưa thể đánh giá tính năng thực tiễn của F-35 - Ảnh 2

Tiêm kích phản lực MiG-17 sơn phù hiệu Không quân Nhân dân Việt Nam trên boong phóng tàu sân bay USS Intrepid (CV-11) neo đậu tại thành phố New York

Nói như vậy để thấy rằng, trình độ khoa học đóng vai trò quan trọng trong sản xuất vũ khí, phương tiện chiến đấu trong chiến tranh. Nhưng con người mới là nhân tố quyết định mọi thắng lợi đó.

Còn về dòng máy bay tiêm kích hạng nặng Su-27 thì tính năng còn hiện đại hơn.

Tôi đã từng lái máy bay Su-22M và những gì có ở những chiếc máy bay loại này do Nga sản xuất có phần vượt trội hơn hẳn dòng F-16 ngày nay của Mỹ.

Riêng về dòng máy bay tiêm kích F-35 của Mỹ, thì mới chỉ ở giai đoạn đầu chứ chưa sản xuất và đưa vào sử dụng hàng loạt với số lượng lớn trên toàn cầu nên cũng khó có thể đánh giá được tính năng thực tiễn của nó trong chiến đấu.

Về việc truyền thông Mỹ đưa tin, tính năng của siêu tiêm kích có khả năng tàng hình như F-35 đang chuẩn bị được trang bị cho thủy quân lục chiến Mỹ. Giá của mỗi chiến đấu cơ F-35B khá đắt đỏ, khoảng 134 triệu USD/chiếc, tôi cho rằng đây là chi phí đầu tư quá lớn.

Không quân Việt Nam hiện nay đang có những máy bay rất hiện đại do Nga sản xuất, điển hình là các chiến đấu cơ Su-30MK2 hiện đại. Tuy nhiên, số lượng còn chưa nhiều (Việt Nam hiện đang sở hữu khoảng 12 Su-27 Flanker và 24 Su-30 Flanker-C… cộng với các máy bay chiến đấu thế hệ cũ) do điều kiện kinh tế của Việt Nam còn có những giới hạn nhất định. Gần đây, có chuyên gia quân sự Mỹ là ông Kyle Mizokami có nhận định cho rằng Không quân Việt Nam có thể cần đến các chiến đấu cơ thế hệ T-50 cũng của Nga chế tạo (liên kết với Ấn Độ), ông có bình luận gì về thông tin này? Theo ông, máy bay chiến đấu nào phụ hợp nhất với chiến lược, chiến thuật và sở trường của Không quân Việt Nam?

Thiếu tướng Mai Văn Cương: Theo tôi được biết, hiện nay Nga đã sản xuất và bán cho ta máy bay tiêm kích Su-30MK2 có tính năng chiến đấu hiện đại, hiệu quả khá cao.

Để đáp ứng nhu cầu trang bị, mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật, bao gồm cả máy bay Su-27, Su-30MK2 có khả năng bay tầm xa, trang bị vũ khí tốt hơn vào mục đích tự vệ, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền vùng trời vùng biển của Tổ quốc thì việc này hoàn toàn đúng đắn theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Chúng ta từng bước tiến lên hiện đại hóa trong việc trang bị cho quân đội để tuyệt đối không để bị bất ngờ trong công tác sẵn sàng chiến đấu.

Về ý kiến của ông Kyle Mizokami – chuyên gia quân sự Mỹ có nhận định cho rằng Không quân Việt Nam có thể cần đến các chiến đấu cơ thế hệ T-50 cũng của Nga chế tạo. Tôi thấy điều này cũng nên cân nhắc và nghiên cứu kỹ.

Được giới truyền thông quảng bá về những điểm ưu việt vượt trội trong các tính năng chiến đấu, T-50 – một sản phẩm mà Nga chế tạo và có hợp tác với Ấn Độ cũng là một loại máy bay chiến đấu hiện đại. Đủ sức đấu lại cả siêu tiêm kích F-35 của Mỹ.

Tuy nhiên, việc Việt Nam có nên mua loại máy bay này hay không thì vẫn còn phải tùy thuộc vào điều kiện tài chính, ngân sách quốc phòng nữa.

   Tướng Mai Văn Cương: Chưa thể đánh giá tính năng thực tiễn của F-35 - Ảnh 4

Siêu chiến đấu cơ F-35 được coi là máy bay đắt nhất của Mỹ

Theo nhận định của một số chuyên gia quân sự trong nước cũng như quốc tế, Việt Nam là một nước có bờ biển kéo dài dọc theo lãnh thổ từ Bắc xuống Nam. Chính vì vậy, để có thể bảo vệ tốt nhất vùng biển đặc quyền kinh tế, trong đó có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, chúng ta cần có các phi đội máy bay tuần thám biển, chống ngầm, giám sát không phận duyên hải giống như máy bay tuần thám P-3C Orion do Mỹ chế tạo. Ông có cùng quan điểm với những nhận định này không, tại sao?

Thiếu tướng Mai Văn Cương: Như đã nói ở trên, tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương hiện đại hóa từng bước các trang thiết bị vũ khí cho quân đội để đủ sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc khỏi bất cứ kẻ thù nào nếu bị xâm phạm.

Còn việc, chúng ta trang bị loại trang thiết bị nào, vũ khí hay máy bay gì thì cũng cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng sao cho phù hợp với điều kiện nội lực của đất nước.

Một quốc gia với đường bờ biển dài hơn 3200km như nước ta, việc trang bị các máy bay quan sát trên biển, trên không là nhu cầu hợp lý.

Hơn nữa, việc ta khuyến khích, tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt cá xa bờ ở vùng biển ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn mang ý nghĩa lớn trong việc khẳng định chủ quyền biển đảo của mình.

Đi kèm với đó cũng cần một tổ hợp hỗ trợ bao gồm cả các lực lượng như Hải quân, Không quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư để sẵn sàng hỗ trợ ngư dân khi cần thiết. Nhất là khi gặp thiên tai, cần cứu hộ cứu nạn trên biển thì vai trò của những chiếc máy bay có tính năng quan sát tốt thì sẽ vô cùng quan trọng.

Tôi nghĩ, nếu đủ khả năng và tiềm lực tài chính, Việt Nam cần nghiên cứu và trang bị thêm cho lực lượng không quân những chiếc máy bay có chức năng tuần thám trên biển như P-3C Orion của Mỹ chế tạo.

Ông có đánh giá gì về hoạt động công tác đối ngoại quốc phòng của Việt Nam trong những năm gần đây? Đầu tháng 10/2014, Hoa Kỳ chính thức tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Washington. Theo ông đây có phải là một tín hiệu tốt để Việt Nam chúng ta có thêm cơ hội bổ sung một số loại phương tiện phòng thủ nhằm tăng cường khả năng tự vệ, phòng thủ và bảo vệ tổ quốc?

Thiếu tướng Mai Văn Cương: Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng cho hợp tác quốc phòng giữa hai nước Việt Nam và Mỹ.

Hơn nữa, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ hồi đầu tháng 7 cũng đã một lần nữa khẳng định, mối quan hệ Việt – Mỹ nói chung và quan hệ quốc phòng giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp.

Việc Mỹ quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam sẽ góp phần làm cho nguồn cung các loại vũ khí trang thiết bị cho quân đội ta được đa dạng hơn, chứ không phải quá phụ thuộc vào chỉ một số nước như trước đây.

Mục đích của việc này vẫn không gì khác là để nhằm nâng cao khả năng tự vệ, bảo vệ chủ quyền đất nước ta trong thời đại mới đầy phức tạp như hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

RELATED ARTICLES

Tin mới