Tuesday, April 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThủ tướng Thái Lan không tin vụ đánh bom liên quan đến...

Thủ tướng Thái Lan không tin vụ đánh bom liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha ngày 19/8 đã bác bỏ giả thuyết vụ đánh bom Bangkok có liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc mà cảnh sát đặt ra. Ông cũng khước từ đề nghị hỗ trợ điều tra của giới chức Anh.

Ông Prayut Chan-ocha, cựu tư lệnh quân đội Thái Lan, cũng kêu gọi nghi phạm bị truy nã ra tự thú, và cảnh báo người này có thể bị kẻ chủ mưu vụ tấn công sát hại.

Trước đó, cảnh sát Thái Lan khẳng định không thể loại trừ khả năng vụ đánh bom tại đền Erawan hôm 17/8 là hành động trả đũa việc nước này trục xuất 109 người Duy Ngô Nhĩ trở lại Trung Quốc hồi tháng trước. Tuy nhiên, ông Prayut Chan-ocha tin rằng việc này khó xảy ra.

“Nếu họ làm việc đó thì đến giờ họ đã lên tiếng và tuyên bố nhận trách nhiệm. Nhưng đã 3 ngày trôi qua và không một ai nhận trách nhiệm”, ông Prayut Chan-ocha nói. “Giờ nếu họ có lên tiếng, tôi không tin chính họ là người thực hiện”

Theo tờ Bangkok Post, vị thủ tướng cũng yêu cầu truyền thông ngừng đề cập đến chính sách đối ngoại của chính phủ đối với người Duy Ngô Nhĩ khi đưa tin về vụ đánh bom Bangkok.

Báo giới địa phương từng khẳng định những người Hồi giáo tại Thái Lan và một số nhóm hoạt động nhân quyền đã cáo buộc chính phủ chia rẽ các gia đình người tị nạn Duy Ngô Nhĩ, khi chỉ để phụ nữ và trẻ em tới Thổ Nhĩ Kỳ, còn buộc nam giới quay trở lại Trung Quốc.

Hãng thông tấn AFP khẳng định người Duy Ngô Nhĩ thiểu số đang bị đàn áp tôn giáo và văn hóa tại Trung Quốc, còn Bắc Kinh cáo buộc họ đứng sau một loạt các vụ tấn công, chủ yếu bằng dao. Các nhóm người Duy Ngô Nhĩ chưa từng được biết đến thực hiện các vụ tấn công bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Giám đốc khu vực của Văn phòng Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm Jeremy Douglas cho biết, chưa có dữ liệu nào về những hoạt động khủng bố của người Duy Ngô Nhĩ tại khu vực Đông Nam Á.

“Còn quá sớm để nói ai có liên quan, ai không. Điều quan trọng là phải chờ có bằng chứng thay vì vội vã phán xét”, ông Douglas nói.

Dù cảnh sát chưa loại trừ khả năng vụ đánh bom có động cơ khủng bố hoặc mâu thuẫn chính trị trong nước, theo ông Chan-ocha, các nghi phạm có kế hoạch “làm giảm niềm tin của công chúng vào chính phủ”.

“Vụ việc này diễn ra ở quy mô lớn, gây thiệt hại lớn hơn về người và tài sản sau khi các vụ việc trước đây không đạt được mục tiêu họ mong muốn”, vị thủ tướng nhận định.

Trước thông tin ngoại trưởng Anh Philip Hammond đề nghị hỗ trợ giới chức Thái Lan điều tra, ông Chan-ocha khẳng định không muốn người ngoài can thiệp vào công việc trong nước.

“Có ai muốn các nước khác can dự vào mọi vấn đề của mình không? Không một nước nào sẽ làm vậy. Đó là sự xâm phạm chủ quyền…Không cần thiết phải để người ngoài tham gia vào việc này”, ông Chan-ocha tuyên bố. “Chúng tôi hoan nghênh những tư vấn của họ, nhưng họ không thể tham gia điều tra, bởi vụ việc xảy ra tại Thái Lan”.

Đề nghị hỗ trợ điều tra được ông Hammond đưa ra trước đó, sau khi công bố một công dân mang quốc tịch Anh có tên Vivian Chan, 20 tuổi, nằm trong số nạn nhân thiệt mạng. Người này đang sống tại Hồng Kông.

“Bộ ngoại giao đang liên hệ chặt chẽ với giới chức Thái Lan, và đã đề nghị hỗ trợ quá trình điều tra hành vi đáng ghê tởm này”, ông Hammond nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới