Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnVụ Thiên Tân phơi bày điểm yếu của hệ thống cứu hỏa...

Vụ Thiên Tân phơi bày điểm yếu của hệ thống cứu hỏa Trung Quốc

Phản ứng trước đám cháy phức tạp còn yếu, quá trình huấn luyện nghèo nàn hay thiếu hụt nhân sự là những vấn đề của ngành cứu hỏa Trung Quốc được bộc lộ sau vụ nổ ở Thiên Tân hôm 12/8.

Yuan Hai mới 17 tuổi và là người trẻ nhất trong 50 lính cứu hỏa thiệt mạng sau vụ cháy nổ kinh hoàng ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, hôm 12/8. Chị gái của anh là Yuan Yuan rất đau khổ và giận dữ. Những dòng cảm nhận của Yuan Yuan đăng trên mạng xã hội Trung Quốc sau cái chết của em trai lay động trái tim hàng triệu người dân nước này.

“Tại sao em lại vô tâm để cha mẹ lại cho chị chăm lo chứ?”, Yuan Yuan viết trên mạng Weibo. “Cha mẹ và chị không mong em làm gì to tát, cha mẹ và chị chỉ muốn em an toàn, muốn em trở về. Thật quá phũ phàng với cha mẹ khi phải chứng kiến em ra đi”.

Hôm 19/8 là tròn một tuần từ khi vụ nổ xảy ra. Theo phong tục Trung Quốc, đây là thời điểm quan trọng để khóc than những người đã khuất. Hàng nghìn người dân thành phố Thiên Tân tham gia tưởng niệm. Cả nước Trung Quốc bày tỏ lòng thành kính tới các lính cứu hỏa thiệt mạng tại hiện trường vụ nổ và tôn vinh họ như những anh hùng.

Song, theo CNN, rất nhiều người Trung Quốc đang chỉ trích việc truyền thông nhà nước quá tập trung ca ngợi các lính cứu hỏa thiệt mạng. Họ cho rằng hành động này nhằm che đậy thực tế lính cứu hỏa nước này được trang bị sơ sài và huấn luyện không phù hợp, đặc biệt là những người trẻ, làm việc theo hợp đồng, không có đầy đủ chế độ cũng như phúc lợi giống lính cứu hỏa chính quy.

Những sai lầm

Truyền thông nhà nước, kể cả kênh truyền hình quốc gia CCTV, tiến hành phỏng vấn một số lính cứu hỏa đầu tiên đến hiện trường. Những người này cho hay họ phun nước vào ngọn lửa mà không biết các kho hàng chứa gì.

Phát hiện này phù hợp với nghi vấn của một số chuyên gia về việc phản ứng lúc đầu của lính cứu hỏa là sai lầm. Việc họ cố dùng nước để dập lửa cháy do hóa chất đã dẫn đến các vụ nổ sau đó. Lý do là bởi hóa chất chứa trong kho hàng phản ứng rất mạnh với nước.

Quy trình quốc tế đối với các vụ việc liên quan đến hóa chất độc hại thường đòi hỏi lính cứu hỏa xác định tính chất nguy hiểm và vị trí của chúng trước khi đối phó ngọn lửa.

Beijing News dẫn lời lính cứu hỏa Wang Yuan, một trong những người đầu tiên đến hiện trường, cho biết, trong huấn luyện, anh và đồng đội gần như không được tập huấn với bọt và cát, những chất dập lửa thường dùng cho đám cháy hóa chất. Thay vào đó, họ chủ yếu thực hành với súng phun nước áp lực cao.

Dù có 7 năm kinh nghiệm làm lính cứu hỏa, Wang phải thừa nhận là anh hoàn toàn không hiểu cách dập những đám cháy khởi phát từ các loại hóa chất khác nhau.

Cục Phòng cháy chữa cháy Thiên Tân từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên CNN với lý do chưa được phép phát biểu với truyền thông. Cơ quan Phòng cháy chữa cháy Quốc gia cũng không đưa ra bình luận gì về những nhận xét trên.

Huấn luyện nghèo nàn

150813091134-04-tianjin-0813-e-5570-9522

Nhân viên y tế kiểm tra các vết thương của một lính cứu hỏa tham gia cứu hộ hiện trường vụ nổ ở thành phố Thiên Tân. Ảnh: AP

Hồi đầu năm, một lính cứu hỏa giấu tên tiết lộ với truyền thông nhà nước rằng mặc dù lính cứu hỏa Trung Quốc được yêu cầu phải trải qua một năm huấn luyện trước khi có thể chính thức thực hiện nhiệm vụ nhưng thực tế họ phải ra thực địa chỉ sau vài tháng huấn luyện.

“Nhiều lính cứu hỏa thậm chí không biết kiến thức sơ cứu cơ bản khi ra hiện trường đám cháy”, một lính cứu hỏa nói.

Theo số liệu chính thức, với dân số gần 1,4 tỷ người nhưng Trung Quốc chỉ có khoảng 150.000 lính cứu hỏa biên chế và 115.800 người làm việc theo dạng hợp đồng. Con số này thấp hơn nhiều so với Mỹ. Số liệu thống kê từ Bộ Lao động cho thấy Mỹ năm 2014 có gần 310.000 lính cứu hỏa với mức lương trung bình 48.750 USD/năm.

Trong tuyên bố đăng tải trên tài khoản mạng xã hội của Cơ quan Phòng cháy chữa cháy Quốc gia Trung Quốc, lính cứu hỏa Li Dong nói lương tháng trung bình của đơn vị anh là 9.000 USD nhưng họ làm việc 335 ngày/năm.

“Xin đừng so sánh chúng tôi với lính cứu hỏa Nhật Bản, những người được nghỉ 48 giờ sau khi trực đủ 24 giờ. Chúng tôi chỉ được nghỉ một ngày rưỡi mỗi tuần. Cũng xin đừng so sánh chúng tôi với lính cứu hỏa Mỹ. Họ hưởng 48.000 USD tiền lương cho 110 ngày làm việc mỗi năm”, Dong nói.

“Xin đừng gọi chúng tôi là anh hùng. Chúng tôi không muốn làm anh hùng vì như mọi người, chúng tôi cũng có cha mẹ, vợ con”, Dong nhấn mạnh.

Mối quan tâm thực sự

Truyền thông Trung Quốc đưa tin ba đội cứu hỏa đầu tiên đến hiện trường là lính cứu hỏa theo dạng hợp đồng. Kênh CCTV cũng đưa trong 50 lính cứu hỏa thiệt mạng có 32 người là lính hợp đồng.

Thân nhân của các lính cứu hỏa mất tích hôm 15/8 làm náo loạn một cuộc họp báo, yêu cầu nhà chức trách phải trả lời về phát biểu cho rằng những người làm việc theo dạng hợp đồng không được tính trong thống kê chính thức lính cứu hỏa mất tích.

Tuy nhiên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hai ngày sau tuyên bố tất cả lính cứu hỏa, dù là chính thức hay diện hợp đồng, đều được truy điệu như nhau và gia đình họ sẽ nhận bồi thường tương đương.

“Tất cả họ đều là những anh hùng và xứng đáng với sự kính trọng của xã hội”, Xinhua dẫn lời Thủ tướng Lý nói.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng yêu cầu giới chức rút kinh nghiệm từ bài học “cực kỳ sâu sắc” của vụ tai nạn này. Ông Tập nói vấn đề an toàn lao động nghiêm trọng đã bị phơi bày sau vụ nổ và lệnh cho các quan chức ghi nhớ “phát triển an toàn” và “lợi ích của người dân là trên hết” để tránh lặp lại thảm họa tương tự.

Trong các bản tin về vụ nổ Thiên Tân, truyền thông nhà nước luôn tập trung vào nỗ lực cứu hộ, công bố danh tính và hình ảnh lính cứu hỏa thiệt mạng, đồng thời đề nghị mọi người chia sẻ thông tin, “tưởng nhớ các anh hùng của đất nước”.

Tuy nhiên, nhiều người dùng Internet Trung Quốc tỏ ra tức giận với cách tuyên truyền này, kêu gọi truyền thông và chính quyền tập trung vào việc tìm nguyên nhân của vụ cháy nổ cũng như những người phải chịu trách nhiệm.

“Chẳng phải thông tin ẩn chứa phía sau các bản tin của truyền thông là thiết bị thì đắt đỏ còn mạng người thì rẻ rúng sao”, CNN dẫn bình luận của một người dùng mạng Weibo có tên Chillyatolso. “Có phải họ hy sinh vì đất nước? Họ hy sinh chẳng vì gì cả”.

RELATED ARTICLES

Tin mới