Saturday, September 14, 2024
Trang chủQuân sựChiến thuật 'bên miệng hố chiến tranh' của Triều Tiên

Chiến thuật ‘bên miệng hố chiến tranh’ của Triều Tiên

Việc Triều Tiên nhượng bộ để hạ nhiệt căng thẳng, đạt thỏa thuận, sau các động thái điều động quân đội và tuyên bố chiến tranh là điều mà các nhà quan sát đã lường trước.

8 bước gây căng thẳng của Triều Tiên

Hai vòng đàm phán cấp cao giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã kết thúc vào sáng 25/8 (giờ Hà Nội) với kết quả các bên đều đồng thuận nỗ lực hướng đến giải tỏa căng thẳng.

Theo các nhà phân tích phương Tây, theo dõi những lần căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trước đây, mỗi động thái quân sự của Bình Nhưỡng đều phần lớn mang tính chất thị uy nhằm gây sức ép với Seoul, qua đó phục vụ các ý đồ nhất định của Triều Tiên.

Vài tháng sau khi ông Kim Jong Un trở thành tân lãnh đạo Triều Tiên, Bình Nhưỡng và Washington cùng ký kết Thỏa thuận Ngày Nhuận vào ngày 29/2/2012.

Đây là bản ghi nhớ rằng Triều Tiên tạm ngừng chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân, mở cửa cho các thanh sát viên, để đổi lấy viện trợ thực phẩm.

Tuy nhiên, chỉ 16 ngày sau, nước này tuyên bố phóng vệ tinh vào quỹ đạo và bị các quốc gia phương Tây lên án vì cho rằng đây thực chất là cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo.

Các chuyên gia khi đó cho rằng, việc bất ngờ phủ nhận cam kết với Mỹ và thử tên lửa là biện pháp củng cố quyền lực của ông Kim Jong Un.

Tờ Guardian của Anh đúc kết 8 bước trong toan tính của Triều Tiên gồm: (1) Mục tiêu hành động xuất phát từ nhu cầu trong nước, như khi Bình Nhưỡng cần nguồn cung thực phẩm hoặc nhiên liệu.

(2) Sau đó, họ tạo ra một tình huống căng thẳng để lôi kéo sự chú ý của dư luận quốc tế.

(3) Thoạt đầu, các nước sẽ không chú tâm vì cho rằng đây là một trong những biện pháp đe dọa thông thường của Triều Tiên.

(4) Triều Tiên tiếp tục tăng cường điều động các lực lượng quân sự và gia tăng giọng điệu mạnh mẽ hơn và thường xem là “hiếu chiến”.

(5) Thế giới buộc phải quan tâm đến tình hình ở bán đảo Triều Tiên, ngồi vào bàn đàm phán cùng Bình Nhưỡng.

(6) Sau đó, Bình Nhưỡng sẽ tạm ngưng các chương trình vũ khí để đổi lấy những mục đích như thực phẩm, nhiên liệu hoặc các ý đồ khác.

(7) Khi đã nhận các viện trợ và hoàn thành kế hoạch, Triều Tiên sẽ nhanh chóng tìm ra cớ thích hợp để phá vỡ các cam kết vừa thực hiện. (8) Vòng xoáy căng thẳng lặp lại như từ đầu.

Bên miệng hố chiến tranh?

Triều Tiên điều động hàng chục tàu ngầm và pháo binh đến biên giới vào cuối tuần qua. Ảnh: Yonhap

Điều động khí tài quân sự, tăng cường lời lẽ “hiếu chiến” là biện pháp thường thấy của Triều Tiên để khiến tình hình leo thang.

Năm 1994, BBC cho biết người dân Hàn Quốc hoảng loạn tích trữ các nhu yếu phẩm sau khi một nhà đàm phán Triều Tiên đe dọa biến Seoul trở thành “biển lửa”.

Ngày nay, từ này trở nên quen thuộc trong mỗi phát biểu cứng rắn của giới lãnh đạo Triều Tiên khi muốn cảnh báo Mỹ và Hàn Quốc.

Những lần tập trận chung Mỹ – Hàn diễn ra hàng năm luôn là sự kiện khiến Triều Tiên tức giận. Cuối tháng 3/2013, Bình Nhưỡng tuyên bố tình trạng chiến tranh khi Mỹ – Hàn vẫn tiến hành tập trận bất chấp cảnh báo.

Động thái này diễn ra một tháng sau khi Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần 3. Trên thực tế, không cuộc chạm trán quân sự nào nảy sinh.

Những lời đe dọa và các động thái của Triều Tiên diễn ra thường xuyên và lặp đi lặp lại đến nỗi người dân Hàn Quốc đã dần quen thuộc.

Họ không còn hoảng sợ và vẫn tiếp tục cuộc sống thường ngày, dù tình hình biên giới nóng bỏng qua các đợt điều động lực lượng của hai nước.

Tuy nhiên, vụ đấu pháo ngày 20/8 là lần đụng độ nghiêm trọng nhất ở khu vực biên giới trong 5 năm qua. Kim Jong Un cũng đã tuyên bố tình trạng cận chiến tranh, đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, tăng cường vũ khí ở vùng biên giới.

Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng xem việc Hàn Quốc tái triển khai hệ thống loa tuyên truyền đến vùng biên giới vào tháng 8/2015 sau hơn 10 năm là mối đe dọa nguy hiểm. Nước này kiên quyết đòi Hàn Quốc phải thu hồi các dàn loa.

“Do vậy, Triều Tiên sử dụng chiến lược ‘bên miệng hố chiến tranh’ để Hàn Quốc quay lại bàn đàm phán, điều mà các biện pháp ngoại giao không thể thực hiện”, nhà phân tích Ken Gause nói với báo Korea Herald.

Hàn Quốc cũng phản ứng bằng việc điều động vũ khí đến biên giới. Ảnh: Reuters
Hàn Quốc cũng phản ứng bằng việc điều động vũ khí đến biên giới. Ảnh: Reuters

Một số chuyên gia cảnh báo, các nước không nên xem nhẹ những lời đe dọa của Triều Tiên.

“Đụng độ nghiêm trọng trong khu vực từng thực sự xảy ra sau các cảnh báo, như vụ Triều Tiên pháo kích đảo biên giới của Hàn Quốc vào năm 2010”, giáo sư John Delury thuộc Đại học Yonsei, Hàn Quốc, nói với BBC.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng ông Kim Jong Un chưa thông thạo việc sử dụng các biện pháp đe dọa quân sự như cha hoặc ông nội là ông Kim Jong Il và Kim Nhật Thành. Nhà lãnh đạo đương nhiệm không muốn đẩy căng thẳng leo thang vượt ngoài kiểm soát.

Giới chức Triều Tiên tin rằng việc điều động vũ khí rầm rộ giúp tạo lợi thế cho họ khi bước vào bàn đàm phán, từ đó nâng cao khả năng đạt mục đích.

Các nhà lãnh đạo nước này cũng nhận thức, đe dọa phát động chiến tranh và tấn công hạt nhân không thể thực hiện vì đây cũng chính là một đòn tự sát.

“Bình Nhưỡng luôn tính toán rất kỹ khi đưa ra phản ứng, và chúng thường ẩn chứa những thông điệp cụ thể. Họ có thể di chuyển binh sĩ rầm rộ đến vùng biên giới, rồi lại lui quân.

Đây chỉ là những biện pháp khiêu khích”, KJ Won, một nhà quan sát Triều Tiên, nói với CNN. Việc Triều Tiên chấp nhận cử quan chức đàm phán và nỗ lực tháo gỡ bất đồng, hạ nhiệt căng thẳng, phần nào phản ánh điều này.

Tờ Diplomat bình luận, thỏa thuận mà Seoul và Bình Nhưỡng vừa đạt được là kết quả của những nỗ lực nhằm giữ thể diện cho lãnh đạo hai bên sau hàng loạt căng thẳng vùng biên giới.

Triều Tiên đã tuyên bố “lấy làm tiếc” về việc binh sĩ Hàn Quốc bị thương do nổ mìn trong khu phi quân sự. Nước này cũng cam kết không để những sự cố có thể khiến tình hình căng thẳng tái diễn.

Trong khi đó, Hàn Quốc chấp nhận yêu cầu của Triều Tiên khi cho ngưng việc tuyên truyền bằng loa ở biên giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới