Tuesday, April 16, 2024
Trang chủĐiểm tinDùng chất cấm 'biến' thịt heo thành thịt bò rồi đem bán

Dùng chất cấm ‘biến’ thịt heo thành thịt bò rồi đem bán

Nhiều người mua heo cỡ 100 kg, mang về thúc bằng chất kích thích, chất tạo nạc, trong một thời gian ngắn tăng lên 130 kg, thậm chí đến 200 kg, rồi… giả thịt bò đem bán ra thị trường.

Tràn lan chất tạo nạc có nguồn gốc từ Trung Quốc 

Ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nói: “Điều nguy hiểm là thời gian gần đây có hiện tượng nhiều người mua những con heo lớn, nặng khoảng 100 kg, đã đến tuổi xuất chuồng từ các công ty chăn nuôi uy tín, đem về sử dụng các chất kích thích, chất tạo nạc để thúc heo trong thời gian ngắn tăng lên 130 kg, thậm chí có con nuôi lên đến 200 kg để giả thịt bò nhằm thu lợi nhuận.” 

Thông tin được ông Bình đưa ra tại cuộc họp giao ban bàn về công tác tuyên truyền liên quan đến việc sử dụng chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi do Ban Tuyên giáo trung ương tại TP.HCM tổ chức sáng 26.8.

Ông Phạm Đức Bình cho biết thêm là chất tạo nạc cho heo hiện nay sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam là Clenbuterol và Salbutamol, chủ yếu có nguồn nhập từ Trung Quốc.
Theo ông Bình, khi heo ăn vào, chất này sẽ không đào thải như những chất khác. Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có quy định cấm sử dụng các chất này trong chăn nuôi vì tác hại của nó. Tuy nhiên, việc quản lý các chất cấm trên vẫn chưa chặt chẽ, dẫn đến việc lưu hành, mua bán và sử dụng tràn lan trong chăn nuôi.
Phải xử lý hình sự người mua, bán chất cấm trong chăn nuôi 
Cũng theo ông Bình, hiện nay mặt dù các chất tạo nạc đã bị cấm nhưng hành vi vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính, mức phạt lại rất thấp (khoảng 15 triệu đồng/trại/lần) và cũng rất ít khi được thực hiện.
“Các biện pháp xử lý hiện nay đối với người mua bán, kinh doanh chất cấm trong chăn nuôi dường như không có ý nghĩa, luật pháp quy định đã cấm sử dụng, lưu hành những chất này nhưng tại sao không có xử lý?”, ông Bình bức xúc và đề xuất cần phải có biện pháp xử lý hình sự. 
Đồng tình với quan điểm này, ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo trung ương tại TP.HCM, cho rằng cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát các lò giết mổ để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Theo ông Lừng, người mua bán, kinh doanh chất cấm trong chăn nuôi chưa bị xử lý hình sự là một bất cập.
“Mua bán chất cấm, chất giết người mà không xử lý hình sự được là một điều hết sức vô lý”, ông Lừng nhấn mạnh. Đồng thời, ông Lừng cũng đề nghị cần có biện pháp xử phạt hành chính thật nặng ngay cả đối với các nông dân sử dụng chất cấm.
RELATED ARTICLES

Tin mới