Thursday, April 25, 2024
Trang chủQuân sựHải quân Mỹ đối phó tàu săn ngầm của TQ như thế...

Hải quân Mỹ đối phó tàu săn ngầm của TQ như thế nào?

Trung Quốc trong 5 năm qua đã ồ ạt phát triển các tàu hộ vệ săn ngầm nhằm chống tàu ngầm Mỹ ở Biển Đông, buộc Hải quân Mỹ phải tránh xa vùng biển này. Tuy nhiên Hải quân Mỹ đã phát triển các vũ khí lợi hại đối phó chiến lược săn ngầm của Trung Quốc.

Tàu hộ vệ săn ngầm lớp Type 056 Trung Quốc đang triển khai ồ ạt nhằm đối phó tàu ngầm Mỹ – Ảnh: Sina

Tạp chí tài chính The Motley Fool (Mỹ) ngày 22.8 cho biết chưa đầy 5 năm qua, Trung Quốc đã đóng và đưa vào hoạt động gần 20 tàu hộ vệ săn ngầm lớp Type 056. Tạp chí The National Interest mô tả lớp tàu này là “nhỏ, rẻ, đa năng, trang bị vũ khí hùng hậu”, phục vụ chiến lược quân sự của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp và nhất là nhằm xua đuổi tàu ngầm Mỹ ra khỏi khu vực Biển Đông.

Tàu hộ vệ săn ngầm lớp Type 056 có khoang đậu trực thăng, mang được 1 trực thăng săn ngầm Z-18F. Tàu có các thiết bị định vị thuỷ âm (sonar) hiện đại để dò tìm tàu ngầm dưới lòng biển, mang theo nhiều ngư lôi và tên lửa chống tàu ngầm.

Ngoài ra Trung Quốc còn phát triển lớp tàu khu trục Type 055 mới hơn, to lớn hơn, cũng có chức năng săn ngầm và mang được 2 trực thăng.

Vì sao Trung Quốc ồ ạt phát triển lực lượng tàu săn ngầm? The Motley Fool cho hay mọi chuyện bắt đầu từ tháng 3.1996, khi Trung Quốc tập trận đổ bộ quy mô lớn ở eo biển Đài Loan, và Mỹ dằn mặt bằng cách đưa một đội tàu sân bay vào eo biển này.

Vụ việc này khiến Trung Quốc tức tối và tìm cách nâng cao năng lực hải quân để buộc Hải quân Mỹ phải tránh xa các vùng biển và khu vực mà Trung Quốc cho là của mình.

Từ đó đến nay Trung Quốc đã phát triển các vũ khí chống tàu sân bay như tên lửa đạn đạo DF-21D được quảng cáo là “sát thủ tàu sân bay”. Đối phó với máy bay tàng hình của Mỹ có thể nằm ngoài tầm khống chế của tên lửa DF-21D và có khả năng thâm nhập nội địa Trung Quốc nhờ được tiếp dầu trên không, Trung Quốc phát triển các loại radar có thể phát hiện máy bay tàng hình ở khoảng cách gần 600 km.

Và nhằm chống lại các tàu ngầm Mỹ, Trung Quốc phát triển lớp tàu hộ vệ săn ngầm Type 056 và tàu khu trục Type 055.

Vậy Hải quân Mỹ có phương cách gì để đối phó chiến thuật săn ngầm của Trung Quốc? Theo The Motley Fool, Hải quân Mỹ có 2 phương thức đối phó lớp tàu Type 055 và Type 056.

Hải quân Mỹ đối phó tàu săn ngầm của Trung Quốc như thế nào? - ảnh 2
Tên lửa LRASM gắn dưới cánh tiêm kích F/A-18 chuẩn bị thử nghiệm – Ảnh: Hải quân Mỹ
Hải quân Mỹ đối phó tàu săn ngầm của Trung Quốc như thế nào? - ảnh 3
Đồ hoạ tên lửa LRASM tiêu diệt tàu chiến địch – Nguồn: Lockheed Martin

Đầu tiên, Hải quân Mỹ phát triển các dòng tên lửa diệt hạm tầm xa để tiêu diệt các tàu săn ngầm Trung Quốc. Ngày 12.8 qua, tập đoàn Lockheed Martin tuyên bố chuẩn bị thử nghiệm loại tên lửa diệt hạm tầm xa (LRASM) trang bị cho tiêm kích tàu sân bay F/A-18E Super Hornet. Việc thử nghiệm sẽ diễn ra cuối tháng 8, và sau đó sẽ sản xuất hàng loạt cung cấp cho Hải quân Mỹ.

LRASM là loại tên lửa hành trình diệt hạm được thử nghiệm lần đầu năm 2009, có tầm bắn xa hơn 300 km, gấp 3 lần loại tên lửa diệt hạm Harpoon đang dùng trên các tàu chiến Mỹ hiện nay. LRASM được dẫn đường bằng hệ thống định vị GPS, đầu dò tầm nhiệt, mang đầu đạn nặng gần 500 kg, trị giá 2 triệu USD/tên lửa.

Hải quân Mỹ còn xem xét dùng tên lửa hành trình Tomahawk loại cải tiến dùng để diệt hạm (loại Tomahawk Block IV) và đã thử nghiệm tốt hồi đầu năm 2015. Hải quân Mỹ có hàng ngàn quả tên lửa này, lâu nay chỉ dùng tấn công đất liền, nay sẽ dùng để tấn công tàu chiến đối phương từ khoảng cách rất xa, không dưới 1.000 dặm (1.600 km). Tên lửa Tomahawk có thể phóng đi từ tàu chiến, tàu ngầm và máy bay. Tomahawk tuy không có khả năng tàng hình tốt như LRASM nhưng rẻ hơn (1 triệu USD/quả) và bay xa hơn.

Một loại tên lửa khác cũng được xem xét đến là tên lửa đánh chặn SM-6 dùng chống máy bay và tên lửa đạn đạo của đối phương. Loại tên lửa này đã thử nghiệm thành công nhiều năm nay, có thể cải tiến hệ thống hướng dẫn để vừa đánh chặn tên lửa cũng như dùng hạ tàu chiến địch. Mỗi quả SM-6 trị giá 4 triệu USD.

Như vậy chí ít Hải quân Mỹ có trong tay 3 loại tên lửa đáng sợ đối với các tàu chiến Trung Quốc, thay thế tên lửa diệt hạm Harpoon cũ kỹ, tầm bắn ngắn.

Hải quân Mỹ đối phó tàu săn ngầm của Trung Quốc như thế nào? - ảnh 4
Trong tương lai, tàu ngầm không người lái sẽ hỗ trợ đắc lực cho các tàu ngầm Mỹ – Ảnh: Hải quân Mỹ
Hải quân Mỹ đối phó tàu săn ngầm của Trung Quốc như thế nào? - ảnh 5
Tàu ngầm Mỹ là mối đe doạ cho hải quân Trung Quốc – Ảnh: Hải quân Mỹ

Thứ hai, Hải quân Mỹ sẽ sử dụng các tàu ngầm không người lái để giảm thiểu rủi ro khi đối mặt các tàu chống ngầm Trung Quốc. Đó là chương trình tàu ngầm robot (LDUUV) dùng trong chiến đấu. Một tàu ngầm hạt nhân có thể mang theo nhiều tàu ngầm robot chiến đấu, điều khiển chúng từ xa để diệt tàu địch và rủi ro vì thế cũng không đáng kể.

Hãng Boeing đã giới thiệu với Hải quân Mỹ loại tàu ngầm robot Echo Ranger có lượng choán nước 5 tấn. Hiện Hải quân Mỹ đã lên danh sách các nhà thầu sản xuất các tàu ngầm không người lái này.

Theo The Motley Fool, mặc dù Hải quân Mỹ vẫn còn trong giai đoạn đầu của việc phát triển một lực lượng tàu ngầm không người lái, tuy nhiên những năm tới khả năng này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và thu hút các nhà thầu quốc phòng hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới