Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây công bố toàn văn chiến lược An ninh hàng hải khu vực châu Á – Thái Bình Dương, qua đó nhấn mạnh quyết tâm duy trì an ninh và ổn định cho khu vực này.
Mỹ cam kết duy trì an ninh và ổn định cho châu Á – Thái Bình Dương (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)
Trong văn bản do Bộ Quốc phòng công bố, Mỹ nhìn nhận nền hòa bình trong nhiều thập kỷ nay ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang bị đe dọa.
Quá trình hiện đại hóa kinh tế, quân sự cộng với nhu cầu khai thác tài nguyên đang đẩy nhanh nguy cơ xung đột trên các vùng lãnh thổ tranh chấp giữa các nước.
Trung Quốc vẫn là mối quan ngại lớn
Văn bản chiến lược an ninh của Bộ Quốc phòng Mỹ đặt nghi vấn về bản chất của yêu sách đường 9 đoạn mà Trung Quốc trình lên Liên Hiệp Quốc từ năm 2009. Câu hỏi lớn nhất là có phải Trung Quốc muốn độc chiếm toàn bộ vùng nước và các đảo bên trong phạm vi 9 đoạn này hay không.
Mỹ tiếp tục bày tỏ lo ngại về cách ứng xử của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp, trong đó gồm việc cấm đánh bắt cá, thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, cải tạo đất quy mô lớn và đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không.
Tất cả những hành động này đang tạo ra mối lo ngày càng tăng về ý đồ thật sự của Trung Quốc, đồng thời nhấn chìm các giải pháp ngoại giao mà các bên đưa ra.
Lập trường của Mỹ
Chiến lược an ninh của Mỹ khẳng định dù không có tranh chấp chủ quyền tại châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ có lợi ích quan trọng trong việc đảm bảo các bên tranh chấp giải quyết vấn đề một cách hòa bình, không để xảy ra xung đột hay đe dọa.
Tại khu vực Đông Bắc Á, Mỹ tuyên bố tiếp tục ủng hộ chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku và phản đối bất cứ hành động đơn phương nào thay đổi điều này.
Tại khu vực Biển Đông, Mỹ kêu gọi các bên tìm giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, như ngoại giao hoặc nhờ trọng tài quốc tế.
Bốn hành động
Nhìn nhận sự phức tạp của ngày càng tăng trên các tuyến hàng hải châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ công bố 4 hành động cụ thể sau:
– Thứ nhất, Mỹ tiếp tục tăng cường khả năng quân sự để ngăn chặn xung đột trong khu vực và phản ứng dứt khoát trong tình huống cần thiết.
– Thứ hai, Mỹ hợp tác với các đồng minh và đối tác từ đông bắc Á cho đến Ấn Độ Dương nhằm giúp họ tăng cường khả năng quân sự đối phó với các thách thức trong lãnh thổ của mình.
– Thứ ba, thông qua ngoại giao quân sự, Mỹ muốn xây dựng sự minh bạch, giảm thiểu rủi ro tính toán sai lầm dẫn đến xung đột.
– Cuối cùng, Mỹ muốn giúp củng cố các tổ chức an ninh khu vực đồng thời khuyến khích thành lập một cấu trúc an ninh mở hiệu quả hơn.