Saturday, April 20, 2024
Trang chủĐiểm tinSiêu tăng Nga dùng công nghệ Pháp: Con dao 2 lưỡi?

Siêu tăng Nga dùng công nghệ Pháp: Con dao 2 lưỡi?

Mặc dù thương vụ Mistral hiện đã bị hủy bỏ nhưng việc chuyển giao công nghệ quân sự từ Pháp sang Nga không chỉ dừng lại ở đó.

Trang mạng Eu Observer đăng bài viết cho biết:

Những xe tăng Nga đang tham chiến tại miền Đông Ukraine mang trong mình công nghệ của người Pháp. Liệu có khả năng mẫu xe tăng mới nhất T-14 Armata mà Moscow vừa công bố cũng sử dụng các thiết bị từ EU bất chấp lệnh cấm vận vũ khí?

Một phần lí do Nga muốn mua tàu hỗ trợ đổ bộ Mistral của Pháp là nhằm tiếp cận những công nghệ chỉ huy và kiểm soát tân tiến của nó.

Mặc dù phi vụ này hiện đã bị hủy bỏ, nhưng việc chuyển giao công nghệ quân sự từ Pháp sang Nga không chỉ dừng lại ở đó.

Xe tăng T-72
Xe tăng T-72

Tháng 8 năm ngoái, quân đội Ukraine đã bắt giữ một xe tăng T-72 của lực lượng thân Nga gần Ilovaysk. Sau khi lực lượng này đoạt lại được chiếc xe tăng, một đài truyền hình Nga đã công bố hình ảnh chụp bên trong xe.

Theo chuyên gia Igor Sutyagin thuộc tổ chức nghiên cứu và tư vấn quốc phòng RUSI tại Anh, hình ảnh đó cho thấy hệ thống điều khiển hỏa lực sử dụng công nghệ ảnh – nhiệt do Thales, một hãng của Pháp, sản xuất.

Tương tự, những hình ảnh về xe tăng T-90 do công ty Uralvagonzavod (Nga) công bố cũng cho thấy sự xuất hiện của thiết bị điều khiển hỏa lực do Thompson CSF Optronique, một hãng con của Thales chế tạo.

Loại tăng này cũng được phía Nga triển khai tại Ukraine.

Việc Thales hợp tác với Nga không phải là điều bí mật và đã diễn ra từ rất lâu trước khi EU ban hành lệnh cấm vận vũ khí với Nga hồi tháng 7 năm ngoái.

Hãng này bắt đầu làm ăn với tập đoàn quốc phòng Rosoboronexport từ năm 2007. Thales được cho là đã xuất hơn 1.000 thiết bị điều khiển hỏa lực sang Nga.

Đến năm 2012, hãng này còn cho phép Rosoboronexport sản xuất thiết bị trên tại nhà máy ở Vologda, phía đông Moscow.

Các quan chức của cả 2 nước đều từ chối bình luận về việc liệu Thales có còn đang tiếp tục hợp tác với phía Nga hay không. Phát ngôn viên của hãng này thì chỉ cho biết: “Thales tuân thủ chặt chẽ lệnh cấm vận này.”

Lệnh cấm vận

Tuy vậy, việc tuân thủ các điều khoản của lệnh cấm vận không đồng nghĩa với việc hoàn toàn dừng hoạt động xuất khẩu. Đó là do Pháp đã thuyết phục EU đồng ý xem các hợp đồng ký trước ngày 1/8/2014 là ngoại lệ.

Nói cách khác, nếu Thales và Rosoboronexport có một hợp đồng nguyên tắc ký trước thời điểm đó và không có các điều kiện cụ thể về số lượng hay thời gian giao hàng thì cả 2 vẫn có thể tiếp tục hoạt động mua bán mà không vi phạm lệnh cấm.

Trong thời gian trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine vào 2013, chính phủ Pháp đã cung cấp giấy phép xuất khẩu công nghệ quốc phòng sang Nga với tổng trị giá 194,2 triệu Euro.

Các giấy phép này bao gồm những loại thiết bị “cảm biến hình ảnh”, “điều khiển hỏa lực”, và “thiết bị điện tử”.

Trong thời gian Nga sáp nhập Crimea đầu năm 2014, Thales cũng đang trong quá trình xin phép xuất khẩu thêm những đơn hàng trị giá 14,6 triệu Euro.

Báo chí Pháp trong tháng 11 năm ngoái cũng cho biết Thales vẫn xem Nga là thị trường trọng điểm thứ 3 kể cả sau khi có lệnh cấm vận.

Sản phẩm “Made in Russia”?

T-14 Armata là cánh chim đầu đàn trong chương trình hiện đại hóa, tái thiết quân đội Nga và lần đầu được ra mắt công chúng trong cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng 9/5 tại Quảng trường Đỏ.

Uralvagonzavod hiện đã sản xuất khoảng 30 nguyên mẫu thử nghiệm T-14 và chúng đang được quân đội Nga kiểm nghiệm trên thực tế.

Theo dự kiến. T-14 sẽ được sản xuất hàng loạt từ 2016, với sản lượng đạt 120 chiếc/năm vào 2018.

Xe tăng T-14 Armata

Về câu hỏi liệu T-14 có còn dùng thiết bị của Thales thì nhiều nguồn tin từ Nga cũng như Pháp cho biết dự án Armata chỉ sử dụng thiết bị nội địa, do đó không thể có khả năng Thales có liên quan.

Mặt khác, việc Nga nhập thiết bị từ Pháp là do việc này rẻ và nhanh hơn việc phải tái thiết lại nền công nghiệp quốc phòng của mình, chứ không phải do Nga thiếu kiến thức về công nghệ này.

Trên thực tế, cảm biến hồng ngoại trên các tên lửa không đối không của Nga được đánh giá rất cao. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng Nga đã kịp “sao chép” các công nghệ của Thales.

Song theo nhận định của chuyên gia De Larrinaga từ tạp chí quốc phòng Jane’s, nếu T-14 thực sự bắt đầu được sản xuất hàng loạt từ năm sau thì nhiều khả năng nó sẽ có những trang thiết bị của người Pháp.

Nga chỉ mới bắt đầu tái thiết ngành công nghiệp quốc phòng của mình từ năm 2010. Quá trình này rất tốn kém và mất rất nhiều thời gian.

Và ngay cả khi như vậy, kết quả có thể vẫn là những sản phẩm kém chất lượng. Vì vậy, theo De Larrinaga, Nga có thể chỉ đơn giản là lấy các thiết bị từ những chiếc xe tăng cũ và gắn vào T-14.

Thales tất nhiên sẽ không thể biết được các thiết bị của mình đang được dùng vào mục đích gì.

Dmitry Gorenburg, chuyên gia về Nga tại CNA, một tổ chức phi chính phủ đặt tại Mỹ, cũng đồng ý với nhận định này và nói thêm rằng Nga có thể dùng những “công ty ma” để tìm cách lách luật cấm vận.

Con dao 2 lưỡi

Đây không phải là lần đầu vũ khí từ EU được sử dụng trái với mong muốn của tổ chức này.

Những quốc gia thành viên EU chỉ riêng trong năm 2013 đã bán số vũ khí tương đương 3,9 tỷ euro cho Saudi Arabia, nước này sau đó đã dùng chúng để oanh tạc Libya và Yemen cho dù khối EU phản đối.

Tuy nhiên việc chuyển giao công nghệ cho Nga trong tình hình hiện nay đặt ra những nguy cơ lớn hơn nhiều.

Quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Cả NATO và Nga đều liên tục thực hiện những cuộc tập trận để sẵn sàng cho tình huống nổ ra xung đột.

Việc dùng công nghệ của đối phương có thể là con dao 2 lưỡi. Một mặt, nó giúp hiểu rõ năng lực tác chiến của đối phương. Mặt khác, phía sử dụng công nghệ này sẽ không có được lợi thế vượt trội nào.

RELATED ARTICLES

Tin mới