Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển nóngTrung Quốc lại làm các nước ASEAN thất vọng tại Hội nghị...

Trung Quốc lại làm các nước ASEAN thất vọng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (AMM 48)

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48, bên lề cuộc gặp giữa Ngoại trưởng John Kerry và Ngoại trưởng Vương Nghị, Ngoại trưởng Kerry đã đề xuất với Ngoại trưởng Vương Nghị 3 ngừng: ngừng xây dựng mới các đảo; ngừng cải tạo đảo; và ngừng thực hiện các hành động gây căng thẳng tại Biển Đông[1]. Đề xuất này đã được các nước ASEAN ngay lập tức ủng hộ.

Về cơ bản, đề xuất lần này của Ngoại trưởng Mỹ phù hợp với luật pháp quốc tế đặc biệt là Tuyên bố về ứng xử của các bên ký năm 2002 (DOC). Theo đó, Điều 5 của DOC có quy định các bên cần kiềm chế không có hành động làm căng thẳng leo thang tại khu vực. Hành động cải tạo bảy đảo với quy mô lớn của Trung Quốc rõ ràng đã làm leo thang căng thẳng, thay đổi nguyên trạng trong khu vực gây ra lo ngại lớn đối với tất cả các nước cả trong lẫn ngoài khu vực về an ninh khu vực.

Năm 2014, khi Trung Quốc đang bắt đầu tiến hành các hoạt động cải tạo đảo, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 47 (AMM 47), Ngoại trưởng Mỹ đã đề xuất “Đông cứng”[2] (FREEZE) các hoạt động tại Biển Đông. Cụ thể Mỹ đề xuất làm đông cứng tất cả các hoạt động có thể làm căng thẳng hoặc leo thang tranh chấp; các quốc gia cần phải cam kết không xây dựng các căn cứ mới trên các thực thể chưa bị chiếm đóng và không chiếm đóng các thực thể của các nước khác đã chiếm đóng tính vào thời điểm năm 2002 khi DOC được ký kết. Philippines cũng đã hưởng ứng đề xuất này của Mỹ bằng cách đề xuất kế hoạch 3 giai đoạn[3] (Triple Action Plan) trong đó bước đầu tiên đó là dừng tất cả các hoạt động cụ thể có thể gây căng thẳng tranh chấp đã được đề xuất trong Điều 5 của DOC. ASEAN cũng đã ngay lập tức thể hiện sự ủng hộ với Mỹ và Philippines về việc yêu cầu Trung Quốc dừng các hoạt động cải tạo đảo.

Như vậy, trên thực tế cả hai đề xuất của Mỹ tại Hội nghị AMM 47 và AMM 48 năm 2014 và 2015 cơ bản đều giống nhau về bản chất đó là Trung Quốc cần phải tôn trọng DOC và luật pháp quốc tế, chấm dứt tất cả các hành động cải tạo đảo gây ra leo thang căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên đáp lại các đề xuất này, Trung Quốc đã làm thất vọng cả khối ASEAN và các nước khác trong khu vực. Đối với đề xuất “Đông cứng” và kế hoạch “ba giai đoạn” của Mỹ và Philippines tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 47, Trung Quốc đã ngay lập tức từ chối đề xuất này tại Hội nghị cho rằng các nước đã cường điệu hóa các hoạt động trên Biển Đông của Trung Quốc và rằng không có ảnh hưởng gì đến tự do hàng hải, hàng không. Thậm chí ngay trước Hội nghị, Trung Quốc còn tuyên bố Trung Quốc thích làm gì trên Biển Đông thì làm và sẽ xây dựng 5 hải đăng trên các đảo. Ngoại trưởng Philippines đã nói với báo chí Trung Quốc lại chơi trò “điếc và mù” đối với các vấn đề tranh chấp tại Biển Đông.

Còn đề xuất lần này tại AMM 48, Trung Quốc cũng lại một lần nữa làm thất vọng ASEAN khi từ chối đề xuất “ba ngừng” và thậm chí theo như Tân Hoa Xã còn chỉ trích đề xuất của Mỹ cho rằng đề xuất này chỉ làm khuấy lên thêm căng thẳng trong khu vực tại Biển Đông, Mỹ muốn can dự vào khu vực chứ không có lợi ích gì cho khu vực[4].

Trung Quốc nên phải tự nhận thấy rằng mình là nước lớn và là một bên yêu sách chính tại Biển Đông do đó, phải tự biết kiềm chế các hoạt động không gây ra leo thang căng thẳng, tôn trọng luật pháp quốc tế, hiệp định khu vực, đặc biệt là Công ước Luật Biển. Trung Quốc cần phải tự nhận ra rằng kể từ năm 2009 đến nay, Trung Quốc đã có nhiều hành động liên tiếp khiêu khích, đe dọa, gây căng thẳng và bất ổn định tại khu vực Biển Đông. Các hoạt động này đã khiến cho các nước nhỏ phải tìm đến các cơ chế an ninh khu vực, luật pháp quốc tế, củng cố vũ trang, tăng cường hợp tác với các nước lớn… và tình hình Biển Đông ngày càng nóng lên. Trung Quốc phải biết giữ thể diện nước lớn tôn trọng luật pháp quốc tế và các hiệp định khu vực. Trung Quốc nên có thái độ hợp tác đối với các đề xuất phù hợp với luật pháp quốc tế mang tính xây dựng giúp duy trì hòa bình và ổn định khu vực, có như vậy mới thể hiện được vai trò của nước lớn và không bị coi là ức hiếp nước nhỏ. Chính bản thân Trung Quốc cũng nên phải tự biết mình cần ràng buộc vào luật pháp quốc tế, các thể chế khu vực mà mình đã ký kết chứ không dễ một nước nào khác có thể áp đặt hay bắt buộc Trung Quốc thực hiện các cam kết của luật pháp quốc tế cả. Nếu Trung Quốc vẫn còn tiếp tục các hoạt động căng thẳng trên Biển Đông như hiện nay thì sẽ vẫn còn tiếp tục nhiều hoạt động chỉ trích Trung Quốc trực tiếp hoặc gián tiếp tại các hội nghị quốc tế và cũng sẽ có nhiều các sáng kiến yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế.

BDN

 


[1] Xem thêm tại http://mobile.reuters.com/article/idUSKCN0Q90M220150804?irpc=932&utm_content=buffercd3f5&utm_medium=social&utm_source=twitter.com&utm_campaign=bufferhttp://mobile.reuters.com/article/idUSKCN0Q90M220150804?irpc=932&utm_content=buffercd3f5&utm_medium=social&utm_source=twitter.com&utm_campaign=buffer

[2] xem thêm tại http://www.state.gov/secretary/remarks/2014/08/230518.htm

[3] xem thêm tại http://www.dfa.gov.ph/index.php/2013-06-27-21-50-36/dfa-releases/3729-dfa-statement-on-the- philippine-proposal-triple-action-plan

[4] http://news.xinhuanet.com/english/2015-08/05/c_134483897.htm

RELATED ARTICLES

Tin mới